Năm 2010, kim ngạch thương mại Việt-Trung có thể đạt 25 tỷ USD
- Cập nhật: Thứ năm, 31/12/2009 | 8:29:12 AM
Với sự tăng trưởng trở lại của thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc những tháng cuối năm 2009, mục tiêu kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 25 tỷ USD vào năm 2010 là có thể đạt đượcNăm 2010, kim ngạch thương mại Việt-Trung có thể đạt 25 tỷ USD.
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ triển lãm ASEAN-TQ luôn đông nghịt khách.
|
Ông Nguyễn Duy Phú, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận định như vậy khi trả lời phóng viên báo chí:
PV: Xin ông giới thiệu khái quát bức tranh tổng thể và điểm nhấn của quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2009?
Ông Nguyễn Duy Phú: Chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới, quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đã có sự suy giảm, song đến cuối năm 2009 đã dần phục hồi.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1-11/2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 18,4 tỷ USD, tăng 2,9%. Trong đó, hàng Việt Nam xuất khẩu đạt trên 4,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hàng Trung Quốc xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 2,3%.
Về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc còn bất lợi cho tăng trưởng. Có tới khoảng 60% là hàng nông lâm sản và khoáng sản, giá trị thấp. Còn cơ cấu hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hàng công nghiệp, giá trị cao, hàng nông lâm sản và khoáng sản chỉ chiếm khoảng 14%.
Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Những tháng cuối năm 2009, nhập siêu tăng dần trở lại sau một thời gian suy giảm. Cũng theo số liệu Hải quan Trung Quốc, đến hết tháng 11/2009, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trên 9,9 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2008.
PV: Thưa ông, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hướng thế nào đến quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc trong năm 2009?
Ông Nguyễn Duy Phú: Đến hết tháng 12/2008, thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc vẫn tăng trưởng trên dưới 30%. Sự sụt giảm chỉ lớn và rõ rệt từ tháng 1-5/2009. Từ tháng 6/2009 trở đi đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy vậy, cũng xin nhấn mạnh là sự giảm sút trong thương mại Việt Nam-Trung Quốc có mức độ không quá lớn và thời gian không quá dài so với thương mại giữa Việt Nam và thế giới và thương mại Trung Quốc với thế giới. Đặc biệt, do tranh thủ được ưu đãi trong Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, nên nhóm sản phẩm nông sản tăng trưởng vẫn rất mạnh, bất chấp suy thoái kinh tế.
Về các biện pháp khắc phục, Chính phủ Việt Nam đã làm mọi biện pháp có thể để khắc phục khó khăn, duy trì xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về chính sách, đã rà soát và ban hành các biện pháp chính sách về thuế, thủ tục quản lý, thông quan, kiểm dịch kiểm nghiệm, xuất xứ,… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu.
Về thị trường, ngoài Quảng Tây và Vân Nam là các địa phương của Trung Quốc có chung biên giới với Việt Nam ra, vừa qua Việt Nam còn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương có tiềm năng khác của Trung Quốc như: Quảng Đông, Hải Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh. Việc mở rộng và đa dạng hóa các thị trường này giúp hàng hóa Việt Nam đi sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
|
Ông Nguyễn Duy Phú |
Về xúc tiến thương mại, có thể nói là hết sức sôi nổi. Tháng 7/2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp chủ trì hội nghị với đại diện 7 tỉnh biên giới phía Bắc, chuyên bàn thảo về phương hướng, biện pháp phát triển thương mại với thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tổ chức doanh nghiệp Việt Nam tham gia một loạt các triển lãm lớn, quan trọng tại Trung Quốc. Nhất là tháng 10/2009, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tứ Xuyên, Trùng Khánh, và tham dự Hội chợ miền Tây Trung Quốc tại Thành Đô, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại với hai địa phương này của Trung Quốc, nhằm tăng cường trao đổi kinh tế thương mại giữa hai bên.
PV: Lãnh đạo hai nước Việt Nam- Trung Quốc đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu này?
Ông Nguyễn Duy Phú: Với những đặc điểm của thương mại song phương như đã nêu ở trên, cùng với sự phục hồi, ổn định của kinh tế hai nước và sự tăng trưởng trở lại của thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc những tháng cuối năm 2009, chúng ta có cơ sở để tin rằng, mục tiêu kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 25 tỷ USD vào năm 2010 là có thể đạt được.
Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ và doanh nghiệp hai bên phải nỗ lực rất nhiều. Cụ thể là: Việt Nam phải tích cực đầu tư cải thiện cơ cấu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc theo hướng giảm dần xuất khẩu hàng sơ cấp, nguyên liệu, tăng dần hàng chế biến sâu.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ tối đa những ưu đãi và thuận lợi trong Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) khi ACFTA hoàn thành vào 1/1/2010 để tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Về lý thuyết, hàng Việt Nam vẫn đang có lợi thế do việc hoàn thành cắt giảm thuế quan của Việt Nam chậm hơn vài năm.
So với các nước ASEAN khác, hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc có nhiều lợi thế về vị trí địa lý. Trong khuôn khổ hợp tác thuộc khu vực hai hành lang, một vành đai kinh tế, hai nước không ngừng đầu tư nâng cấp hạ tầng và điều kiện kỹ thuật như: cửa khẩu, bến bãi, đường giao thông, hải quan, kiểm dịch,… nhằm thuận lợi cho trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế, đầu tư. Việt Nam cần tranh thủ phát huy các ưu thế và lợi thế trên, để tăng cường thương mại với Trung Quốc.
Về chính sách phi thuế quan, vẫn đòi hỏi Bộ, ngành hữu quan hai nước phải luôn tăng cường phối hợp, hợp tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và tích cực xử lý các vướng mắc đột xuất, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa giữa hai bên.
Về biên mậu, hai bên Việt Nam-Trung Quốc cần phải tích cực hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại nhiều hơn nữa.
Về xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, thị trường đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần tăng cường hơn nữa cả về lượng và về chất.
PV: Xin cảm ơn ông.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 369/TB-VPCP, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là 90 ngày, kể từ 30/12/2009, phải chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước.
YBĐT - Cùng với chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy là 30 triệu đồng/trang trại 100 con lợn thịt, huyện Văn Yên còn hỗ trợ 20 triệu đồng/ trang trại đối với các cơ sở chăn nuôi xa khu dân cư. Bên cạnh đó, do còn hỗ trợ về kỹ thuật, công tác thú y..., nhiều hộ nông dân Văn Yên đã thành lập và mở rộng trang trại chăn nuôi. Hiệu quả bước đầu của các trang trại này đã mở ra nhiều triển vọng cho người chăn nuôi.
YBĐT - Năm 2009, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Chấn đã giải ngân với dư nợ 131,512 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo 63,21 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 38,159 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 4,066 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 13,896 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 2,634 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 7,593 tỷ đồng; cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 1,418 tỷ đồng....Những con số đó thật sự ý nghĩa đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Văn Chấn.
Giá vàng thế giới giảm mạnh vào đêm qua đã khiến giá vàng trong nước hạ tới gần 30.000 đồng/chỉ, xuống dưới mốc 2,65 triệu đồng/chỉ.