Tân Thịnh: Chuyển biến về kinh tế nông, lâm nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 31/12/2009 | 3:18:32 PM
YBĐT - So với nhiều địa phương khác trong huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Tân Thịnh được coi là xã có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.
Công nhân Công ty cổ phần Lâm nghiệp Văn Chấn gieo ươm chè giống cung cấp cho niên vụ chè 2010.
|
Tuy nhiên, năm 2005 trở về trước, kinh tế – xã hội ở đây vẫn chậm phát triển. Vì vậy, việc tìm hướng đi, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế đưa kinh tế xã ngày càng phát triển là điều trăn trở của toàn Đảng bộ. Trong xóa đói giảm nghèo, Tân Thịnh xác định phải tận dụng được tối đa vòng quay của diện tích đất gieo trồng và tập trung các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ.
Ông Hà Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “Để chủ trương phát triển kinh tế đi vào lòng dân, không phải là chuyện đơn giản. Trước đây, chỉ việc đưa giống mới vào đồng ruộng đã khó khăn, nhưng trăm nghe không bằng một thấy, nên nếu chỉ vận động thôi thì dân không tin xã phải xây dựng mô hình cụ thể để mọi người thấy rõ hiệu quả. Thế là dân tự bảo nhau làm. Giờ đây, xã đã đưa 80% giống lúa lai, 20% luá thuần chất lượng cao và lúa nếp vào gieo cấy ở 136 ha, năng suất đạt từ 53 - 55 tạ/ha.
Việc phát triển cây vụ đông cũng như chăn nuôi đại gia súc trong xã, cũng thông qua các mô hình để nhân rộng”. Chè là cây thế mạnh được xã tập trung phát triển. Hiện nay 370 ha chè trong xã được chăm sóc tốt, trong đó có 350 ha chè kinh doanh và 20 ha chè kiến thiết. Khoảng 15 ha chè già cỗi ở thôn 8, 9 và thôn 10 đang đựơc trồng thay thế và cải tạo lại. Năng suất chè đạt gần 12 tấn/ha/ năm.
Với giá bán bình quân 2.000 đồng/kg thì xã Tân Thịnh hàng năm thu về gần 8 tỷ đồng. Để nhân dân có tiền đầu tư vào cây chè, chính quyền xã đã vận động nhân dân và doanh nghiệp cùng thực hiện việc đối lưu hàng hoá. Doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và đầu tư trước phân bón. Người dân sẽ bán chè búp tươi cho doanh nghiệp với giá chung của thị trường. Bằng cách này chính quyền xã đã vận động Công ty TNHH Tân Phú đối lưu phân bón cho thôn 9 và thôn 10 được trên 500 tấn phân vi sinh, mở trên 10 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, đốn chè cho gần 200 hộ dân.
Cùng với đẩy mạnh thâm canh lúa và chè, năm 2009, xã còn vận động nhân dân trồng 39,2 ha ngô, 36,2 ha sắn và gần 5 chục ha rau mầu. Tích cực đầu tư vốn vay từ các dự án, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân xã Tân Thịnh để tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Tính đến nay xã đã có đàn trâu 264 con, đàn bò 51 con, đàn lợn 5000 con (trong đó có 207 con lợn nái) và trên 50.000 con gia cầm. Do chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng và cúm gia cầm nên đàn gia súc gia cầm phát triển tốt.
Nhận thức được hiệu quả của trồng rừng kinh tế, nhân dân Tân Thịnh đã tích cực trồng rừng. Năm 2009 đã trồng được trên 70 ha rừng tập trung gồm: keo, bồ đề... Công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện tốt, trong năm trên địa bàn xã không để xảy ra cháy rừng, đã ngăn chặn tốt việc khai thác, mua bán gỗ trái phép. Xã cũng đã tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có Nhà máy chế biến chè Tân Phú và 4 cơ sở chế biến chè tư nhân, hàng chục cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, chế biến bột giấy. Các cơ sở chế biến nông, lâm sản đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được thành phố Yên Bái đặc biệt quan tâm, những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo thêm cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
YBĐT - Cùng với việc vận hành sản xuất và kinh doanh điện, Điện lực Yên Bái còn làm tốt nhiệm vụ do Tập đoàn và Công ty Điện lực I giao cho, đó là kinh doanh mạng dịch vụ viễn thông EVN Telecom với 27 trạm BTS, 24.741 thuê bao đang hoạt động, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng và cung cấp dịch vụ truyền hình cáp VTC với gần 6000 nghìn khách hàng tại thành phố Yên Bái.
YBĐT - Cả xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có khoảng 260 ha đất gieo trồng cây lương thực thì chỉ có 67,3 ha ruộng nước, trong đó 30 ha có thể cấy được 2 vụ lúa. Sau vụ lúa mùa sang tiết hanh khô là đất bỏ trắng hàng tháng trời. Khả năng tưới của công trình thủy lợi Háng Tàu, Pá Te chỉ có thể tưới được cho nửa diện tích ruộng có thể cấy lúa xuân. Thế nhưng, không phải ăn tết xong ai cũng ra đồng làm đất gieo cấy lúa xuân.
YBĐT - Năm 2009, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Yên Bái đã chủ động tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường... Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ.