Vụ đông đã thành vụ chính
- Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2010 | 2:56:48 PM
YBĐT - Yên Bái là một tỉnh có truyền thống làm vụ đông và vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa đã và đang là nét mới của vụ đông ở Yên Bái, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy (người thứ hai bên phải ) cùng lãnh đạo huyện Lục Yên, các ngành kiểm tra vùng ngô đông 208ha trên đất 2 vụ lúa ở xã Lâm Thượng.
|
Từ những năm 1990, nông dân Yên Bái đã quen với gặt lúa mùa sớm để trồng rau màu trên đất còn ướt. Những năm đó, do cơ cấu giống lúa mùa sớm năng suất còn chưa cao nên nông dân không mở rộng diện tích vụ đông. Cơ cấu cây trồng vụ đông chủ yếu là khoai lang, ngô để giải quyết nhu cầu lương thực kèm một số loại rau màu thông thường.
Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, những năm gần đây nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất cao được đưa vào canh tác. Diện tích lúa mùa sớm lấy chân ruộng làm vụ đông của tỉnh tăng từ vài nghìn ha những năm trước đây lên 27.000 ha trong năm 2009. Diện tích này hầu hết có hệ thống tưới tiêu thuận lợi cho việc canh tác.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn NN-PTNT) Yên Bái - ông Đoàn Kim Thành cho biết: cùng với việc mở rộng diện tích vụ đông, tỉnh đặc biệt quan tâm, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển ngô hàng hoá với diện tích 25.000 ha vào năm 2015. Những địa phương có vùng sản xuất ngô hàng hoá sẽ được hỗ trợ 50% giống, hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật. Thực tế sản xuất vụ đông ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ... cho thấy, nếu nông dân trồng các loại rau mầu, ngô bao tử, cà chua, hoặc dưa chuột bao tử... cho thu nhập gấp hai, ba lần cấy lúa.
Ông Nguyễn Thanh Lợi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) cho biết: "Nhờ các chính sách trợ giá của tỉnh, cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được lợi ích của làm vụ đông. Mặt khác, những năm gần đây, phong trào chăn nuôi của xã phát triển mạnh, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng, đòi hỏi người nông dân phải tích cực đầu tư làm thêm vụ đông. Vụ đông mới là vụ làm ra đồng tiền để chi tiêu, mua sắm đồ dùng, lo cho con học hành. Nhà nông mà việc chi tiêu hằng ngày chỉ trông vào hạt thóc thì khó mà cải thiện được đời sống".
Hàng năm, xã Thịnh Hưng gieo trồng 40 ha cây vụ đông, bao gồm: dưa bao tử, ngô ngọt, đậu cô ve, bí xanh... Với đồng đất và kinh nghiệm canh tác, bà con ở Thịnh Hưng còn có thể mở rộng diện tích gấp hai lần hiện tại. Nhưng lãnh đạo xã cho biết, còn phải tìm kiếm thị trường, phải có nơi hợp đồng bao tiêu chắc chắn mới trồng nhiều. Kiến thức hàng hóa, thị trường đã bắt đầu thấm vào nếp nghĩ của người nông dân.
Cùng với chủ trương khuyến khích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhà nông Yên Bái không quên những cây vụ đông truyền thống, nhưng cơ cấu giống đã có nhiều thay đổi. Ngô đông, ngoài bộ giống NK4300, vụ này các địa phương trong tỉnh còn đưa vào trồng các giống ngô chịu hạn như: NK66, NK4300, LVN99, B9698. Các loại cây trồng như: khoai tây, khoai lang, đậu tương đông đều được trồng bằng các loại giống đã qua thử nghiệm cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Với nỗ lực mở rộng diện tích vụ đông, Yên Bái đã đưa hệ số quay vòng diện tích canh tác lên hơn 2,5 lần. Cá biệt, có địa phương một năm quay vòng đến 4 vụ. Mở rộng diện tích vụ đông còn góp phần quan trọng giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn hiện nay. Đồng thời, Yên Bái còn xác định vụ đông năm 2009 sẽ tạo tiền đề để tỉnh hoàn thành sớm mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2005-2010 do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Năm 2009 là năm Yên Bái có kế hoạch trồng rừng lớn và cũng là năm người trồng rừng gặp không ít khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt, giá cả vật tư đầu vào tăng cao...
Ngày 4-1, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức điều chỉnh giá bán mặt hàng dầu ma-dút; theo đó, kể từ 20 giờ ngày 4-1, giá bán buôn các loại dầu ma-dút tăng 400 đồng/kg trên toàn hệ thống phân phối gồm các cửa hàng trực thuộc Tổng công ty và các trung gian thương mại (đại lý và tổng đại lý Petrolimex).
Sau khi tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2010, sáng nay (5/1), giá vàng trong nước tăng tới 15.000-17.000 đồng/chỉ, lên sát mốc 2,7 triệu đồng/chỉ. Đây là kết quả của giá kim loại quý trên thế giới tăng mạnh vào đêm qua khi đồng USD yếu đi và giá dầu lên cao.