Phát triển chăn nuôi đại gia súc: Rất cần giải pháp đồng bộ
- Cập nhật: Thứ hai, 11/1/2010 | 3:20:58 PM
YBĐT - Năm 2009, chăn nuôi đại gia súc của tỉnh có mức phát triển chậm, đàn trâu tăng trưởng 2,2%, còn lại đa số các loại gia súc khác đều phát triển âm, trong đó đàn bò giảm 5,86%.
Trâu giống của nhà cung ứng thường có thể trạng nhỏ nên khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao rất kém. (Ảnh: H.N)
|
Ngoài những nguyên nhân do số lượng đại gia súc chết năm 2008 chưa thể phục hồi hay chất lượng con giống sinh sản kém, thiếu bãi chăn thả... thì “môi trường chăn nuôi không sạch” đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng đàn, nhiều chương trình phát triển đàn trâu, đàn bò phải dừng lại do phát sinh dịch bệnh.
Dịch chưa thể kiểm soát!
Mặc dù ngành thú y đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, dập dịch, nhưng do chủ quan, thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhà cung ứng giống, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương khiến cho dịch bệnh liên tục xuất hiện, kéo dài nhiều tháng. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đợt dịch lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên xuất hiện vào ngày13/7 và kéo dài đến ngày 29/7 tại 7 thôn thuộc 5 xã: Phù Nham, Sơn Lương, Nghĩa Sơn, Tú Lệ, Suối Bu của huyện Văn Chấn và một số xã, phường của thành phố Yên Bái với số trâu, bò mắc bệnh 15 con. Đợt 2 từ ngày 6/9 đến ngày 20/10 tại 155 hộ, 28 thôn bản thuộc 9 xã: Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Quyền, Tú Lệ, Bình Thuận, Chấn Thịnh... của Văn Chấn với số trâu, bò mắc bệnh 201 con.
Trong tháng 10 và tháng 11/2009 dịch tiếp tục xuất hiện ở nhiều xã của Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu. Như vậy, từ ổ dịch LMLM phát hiện đầu tiên tại Văn Chấn, dịch đã lan rộng ra nhiều huyện khác. Theo các nhà chuyên môn, ngoài nguyên nhân phát dịch do ủ bệnh từ trước thì sự tác động do mang con giống ủ bệnh từ bên ngoài đến, môi trường sống chưa thích nghi cũng là nguyên nhân làm bùng phát dịch. Có những xã của Văn Chấn như: Suối Bu, Suối Quyền từ hàng chục năm nay không có dịch bệnh thì năm 2009 đã xuất hiện dịch khi một số hộ dân nhận bò từ các chương trình, dự án.
Con giống không đạt chất lượng!
Theo ông Trọng Bạch, nguyên Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Chấn thì điều tối kỵ trong chăn nuôi là không thể tự sản xuất con giống tại chỗ. Việc mua giống từ bên ngoài về cũng đồng nghĩa với gom bệnh từ nhiều nơi về một điểm. Ông cũng cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể sản xuất được con giống tại chỗ, thì phải chấp nhận “sống chung” với dịch bệnh và tăng cường công tác tiêm phòng. Khi có dịch cần nhanh chóng khoanh vùng, kiên quyết ngăn chặn việc giết, mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải trông vào ý thức trách nhiệm của nhà cung ứng giống”.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến của người chăn nuôi cho rằng, có đơn vị cung ứng giống 2 năm liền thì đều là những con giống đã ủ bệnh. Điển hình như xã Đồng Khê (huyện Văn Chấn), người dân nhận bò hôm trước thì vài hôm sau bệnh LMLM xuất hiện trên số bò vừa nhận về từ Dự án Giảm nghèo và lây sang đàn bò địa phương. Có những xã chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh LMLM nhưng khi nhân bò từ Dự án Giảm nghèo thì đã phát sinh bệnh. Được biết, toàn bộ số bò này đều do Công ty TNHH Thẩm Hường cung ứng, nhưng không biết có phải do công tác tiếp thị của Công ty này quá tốt, nên dù đã “nổi tiếng” trong việc cung ứng con giống ủ bệnh nhưng vẫn được nhiều xã của Văn Chấn tin tưởng chọn làm nhà cung ứng?
Thay lời kết
Mới đây tỉnh đã thành lập một trung tâm về giống vật nuôi. Tuy nhiên, với quy mô và cơ sở vật chất như hiện nay thì đơn vị mới chỉ dừng lại ở cung ứng một phần giống lợn và tiến hành thụ tinh nhân tạo cho các đơn vị chăn nuôi có nhu cầu, còn đối với hộ chăn nuôi chưa thể đáp ứng được nhu cầu con giống. Mặt khác, trong các trương trình phát triển đàn gia súc của tỉnh, lại tập trung nhiều vào mục tiêu tăng đàn cơ học, như vậy sẽ bắt buộc phải mua gia súc ở tỉnh khác đem về, trong khi hàng năm chúng ta vẫn xuất ra tỉnh ngoài một số lượng trâu, bò giống khá lớn.
Không nói tới vấn đề dịch bệnh, nếu không được kiểm dịch tốt khi nhập bò từ các tỉnh khác, mà chỉ riêng vấn đề thích nghi của gia súc đối với một số địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi phức tạp như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng là vấn đề chưa được các nhà chuyên môn tính đến. Dẫn tới, nhiều năm nay đàn trâu, bò ở vùng thấp thì phát triển tốt, nhưng khi đưa lên vùng cao thì không thể thích nghi.
Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của một tỉnh miền núi như Yên Bái, thế mạnh này đã được cụ thể hoá bằng các nghị quyết, mục tiêu trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt kết quả khả quan, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ. Còn với cách làm như hiện nay thì liệu chúng ta có thể thành công?
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác thuế năm 2009; bàn phương hướng, nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2010. Tới dự có đồng chí Hoàng Thương Lương- Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bà Lê Hồng Hải- Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế.
Nối tiếp đà tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới vọt lên mức 1.158 USD/ounce trong đầu phiên sáng nay. Theo đó, giá vàng trong nước tăng tới 20.000 đồng/chỉ, lên mức 2,72 triệu đồng/chỉ.
YBĐT - Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
YBĐT - Năm 2009, huyện Văn Yên (Yên Bái) đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.