Nguy cơ thoái hoá giống bò vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 12/1/2010 | 9:05:56 AM
YBĐT - Các giống vật nuôi bản địa là một bộ phận quan trọng của đa dạng sinh học, nó là tài sản quí giá hiện đang phát huy ý nghĩa kinh tế, đặc biệt là các giống thuần thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương đồng thời còn là nguyên liệu phục vụ cho công tác lai tạo giống trước mắt và sau này.
Chăn nuôi bò thả rông ở vùng cao rất dễ xảy ra tình trạng phối giống cận huyết làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn bò.
|
Thực tế trong thời gian qua, không riêng các loài động vật hoang dã bị uy hiếp nghiêm trọng do môi trường sống bị thu hẹp và sự săn bắt của con người, các giống vật nuôi bản địa dưới tác động của thiên nhiên và áp lực của kinh tế thị trường v.v cũng đang bị làm nghèo đi, mất dần.
Sự suy thoái hoặc tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi địa phương, những giống tuy năng suất có thể không cao nhưng mang những đặc điểm quí giá như thịt thơm ngon, chịu đựng dinh dưỡng thấp, thích nghi với điều kiện sinh thái sẽ là một mất mát rất lớn không những về giá trị kinh tế mà còn cả ở trên lĩnh vực đa dạng di truyền và văn hoá vùng, miền.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với trên 95% là đồng bào dân tộc Mông. Người dân nơi đây có tập quán chăn nuôi trâu, bò từ rất lâu đời. Trong quá trình lao động sản xuất, họ đã thuần hoá, chọn lọc, nuôi dưỡng tạo nên giống bò rất thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt lạnh và khô của vùng cao, có tầm vóc tương đối lớn, chịu được kham khổ, tuy nhiên trong thời gian qua giống bò này chưa được quan tâm đúng mức.
Để đánh giá thực trạng giống bò này, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2008, Trung tâm Giống vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có đợt khảo sát tình hình chăn nuôi bò tại 2 xã Nậm Khắt và La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải, cho thấy hiện tượng thoái hoá của giống bò này đang xẩy ra.
Qua kết quả khảo sát sơ bộ tại 2 xã cho thấy, thời điểm 1 tháng 4 năm 2008, đàn bò xã Nậm Khắt có 576 con thì đến tháng 4 năm 2009 còn 317 con; đàn bò xã La Pán Tẩn từ 364 con năm 2008 còn 313 con năm 2009.
Thứ nhất, tổng đàn có xu hướng giảm: Mặc dù trong thời gian qua, có nhiều dự án hỗ trợ người dân mua bò để phát triển chăn nuôi, song trên thực tế tổng đàn bò đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là với tập quán thả rông gia súc, khi bãi chăn thả ngày càng ít đi do khai hoang ruộng và trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng cho nên người dân không có chỗ chăn thả. Mặt khác, do tỷ lệ sinh đẻ của bò thấp, không đủ bù vào số bò đã bán đi, một số bò dự án hỗ trợ không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cho nên bò vùng thấp kém thích nghi với điều kiện khí hậu vùng cao dẫn đến bị chết.
Thứ hai, trọng lượng ngày càng nhỏ: Theo những người cao tuổi chăn nuôi bò lâu đời tại các xã này cho biết, hiện nay bò ngày càng nhỏ. Nếu như trước kia có những con bò đực nặng tới trên 400 kg thì bây giờ rất hiếm. Trung tâm đã tiến hành khảo sát sơ bộ lượng bò cho thấy bò đực trưởng thành dao động trong khoảng từ 280 đến 350 kg; bò cái dao động trong khoảng từ 150 đến 180 kg. Nếu so với bò Mông tại Hà Giang là nơi có điều kiện tự nhiên gần giống với Mù Cang Chải thì thấy bò Mông tại Mù Cang Chải hiện nhỏ hơn nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trọng lượng đàn bò ngày càng nhỏ là do khai thác bò vùng cao Mù Cang Chải mang tính tự nhiên, thiếu khoa học, đã gây ra một số vấn đề bất cập là: số bò được bán thường là những con to, có sản lượng thịt lớn, số bò còn lại kém hơn để lại làm giống; việc bán hoặc thịt đi một số lượng bò có giống tốt đã gây ra suy thoái giống bò còn lại. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa đảm bảo; phương thức chăn nuôi vẫn mang tính lạc hậu, chủ yếu là thả rông, thiếu thức ăn. Mặt khác, việc sử dụng bò đực giống cũng hoàn toàn mang tính tự nhiên, dẫn đến hiện tượng cận huyết làm cho chất lượng con giống ngày càng giảm.
Thứ ba, tỷ lệ sinh sản thấp: Khảo sát tại một số hộ cho thấy cơ cấu đàn chủ yếu là bò mẹ và bò sắp trưởng thành, rất ít bò dưới sáu tháng tuổi. Điều này cho thấy tỷ lệ sinh đẻ của đàn bò thấp một cách đáng báo động. Tuổi đẻ lứa đầu của bò cái dao động từ khoảng 4 đến 4,5 năm, khoảng cách giữa các lứa đẻ trung bình là 2,2 năm, cao hơn rất nhiều so với các giống bò khác.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là giống bò đang bị thoái hoá, khả năng sinh đẻ thấp. Không có bò đực giống, hoặc bò đực giống không đảm bảo chất lượng cộng với việc cho giao phối tự nhiên không kiểm soát dẫn đến tỷ lệ thụ thai bò cái thấp. Mặt khác do việc chăn thả rông cho nên số bê sinh ra không được phát hiện, chăm sóc dẫn đến tỷ lệ chết khá lớn.
Chăn nuôi đại gia súc là một lợi thế so sánh đối với vùng cao, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi bò là một hướng thoát nghèo có tính khả thi cao, do bò là loại gia súc dễ nuôi, thời gian thu hồi sản phẩm không lâu, khả năng tái sản xuất mở rộng cao, độ rủi ro thấp.Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những biện pháp tích cực để bảo tồn, phục tráng giống bò này thì trong một thời gian không xa sự xuống cấp về chất lượng giống bò vùng cao sẽ khó có thể cứu vãn.
Quốc Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thời điểm những ngày đầu năm 2010, đến bất kỳ địa phương nào cũng gặp những cánh đồng ngô bát ngát đang cho thu hoạch.
Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 206/NHNN-CSTT đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội và Tp.HCM thực hiện kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện không đúng quy định về thu phí liên quan đến hoạt động cho vay.
Sức ép từ việc tăng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đang ngày một mạnh lên, khiến một số doanh nghiệp đầu mối trong nước đã lên kế hoạch điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, dự kiến mức tăng khoảng 300 -500 đồng/lít.
YBĐT - Năm 2009, chăn nuôi đại gia súc của tỉnh có mức phát triển chậm, đàn trâu tăng trưởng 2,2%, còn lại đa số các loại gia súc khác đều phát triển âm, trong đó đàn bò giảm 5,86%.