Yên Bái: Trong khó khăn, kinh tế vẫn tăng trưởng khá
- Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2010 | 2:54:13 PM
YBĐT - Trong năm 2009, Yên Bái đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các dự án: giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục.
Công trình thủy điện Hồ Bốn khi mới thi công phần móng đập.
|
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động rất lớn đến kinh tế đất nước cũng như nền kinh tế tỉnh Yên Bái. Thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biết là xuất khẩu thu hẹp; tài chính khó khăn, dẫn đến nhiều dự án đầu tư vào tỉnh không thực hiện được; nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm; lũ lụt cuối tháng 8 năm 2008 còn để lại cho tỉnh nhiều hậu quả nặng nề phải tiếp tục khắc phục.
Năm 2009, là năm liền kề của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), những kết quả đạt được ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Nhận thức hết những khó khăn của tình hình kinh tế đất nước và của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã tập trung cao trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2009, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, nhất là chính sách kích cầu kinh tế, hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp, cho tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức khai thác thị trường nội địa, nhất là thị trường trong tỉnh. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế nên năm 2009, kinh tế tỉnh Yên Bái đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao: tốc độ tăng GDP đạt 12,89%, tăng 0,38% so với năm 2008 và là tỉnh có tốc độ tăng GDP đứng thứ 3 trong 11 tỉnh vùng Tây Bắc. GDP bình quân đầu người đạt 9,180 triệu đồng, tăng 1,5 triệu so với năm 2008. Năm 2009, kinh tế phát triển khá đều trên cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 235.600 tấn, tăng 2 vạn tấn so với năm 2008 (trong đó thóc tăng 16.142 tấn, ngô 4.149 tấn). Tổng đàn gia súc tăng 2,5 vạn con so với năm 2008. Trồng rừng mới đạt 15.000ha (đứng thứ hai so với các tỉnh trong khu vực); đưa tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 59,5% (vượt 1,5% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra).
Do tập trung đổi mới kỹ thuật, công nghệ ở một số doanh nghiệp, đưa 2 nhà máy xi măng Yên Bái, Yên Bình đi vào sản xuất ổn định; tháo gỡ tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương quản lý phát triển, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh tăng tới 57%, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 2.265 tỷ đồng, tăng 559 tỷ đồng so với năm 2008 và chỉ đứng sau hai tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ.
Trong thương mại dịch vụ, đã hướng mạnh vào thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn - nơi có tới 80% dân cư sinh sống. Do vậy, tổng mức hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 4.014,48 tỷ đồng (vượt 14,7% kế hoạch). Trong bối cảnh nhiều tỉnh gặp khó khăn về xuất khẩu hàng hoá thì xuất khẩu của tỉnh Yên Bái lại đạt khá cao (đạt 17,214 triệu USD, tăng 25% so với năm 2008). Một số sản phẩm xuất khẩu có giá trị và khối lượng lớn như: chè, sản phẩm gỗ, đá các loại, tinh dầu thực vật...
Trong năm 2009, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các dự án: giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục.
Vốn nước ngoài (NGO), vốn các bộ ngành trung ương... trong đó, vốn Nhà nước cho đầu tư phát triển tăng 21,15%, vốn ngoài Nhà nước tăng 50,29%, góp phần đưa tổng vốn đầu tư phát triển nên địa bàn đạt 4471,105 tỷ đồng (tăng 27,72% so với năm 2008). Nhiều dự án đã được đẩy nhanh tốc độ thi công như: thuỷ điện Nậm Đông III và IV, thuỷ điện Hồ Bốn, thuỷ điện Ngòi Hút I; Viettel Yên Bái; xây dựng 246,8 héc ta hồ chứa nước và một số công trình thuỷ lợi bảo đảm tưới tiêu 3.545 ha ruộng.
Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước: “Phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội”, năm 2009, Đảng bộ tập trung thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nên lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ rõ nét. Đã giải quyết việc làm mới cho 17.500 lao động, đứng đầu các tỉnh trong khu vực; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33% và chỉ đứng sau tỉnh Phú Thọ. Tỷ lệ hộ nghèo còn 17,31%, giảm 4% so với năm 2008; xoá được 824 nhà dột nát.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tiếp tục duy trì và phát triển; xây mới 800m2 nhà văn hoá; tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá chiếm 82,5%, đứng đầu các tỉnh trong khu vực.
Trong giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng hơn 40 bậc so với năm 2008 và sau nhiều năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề về tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo giai đoạn 2009 - 2015.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia tăng 18 xã, số xã có bác sỹ tăng 9 xã; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 1,4% so với năm 2008; xây mới 1.793m2 trạm y tế.
Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội là rất quan trọng, nhưng phải nhận thấy rằng, nền kinh tế tỉnh phát triển chưa vững chắc; sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là sản phẩm thô như: chè chế biến, gỗ, đá các loại; một số sản phẩm chủ yếu do khó khăn về sản xuất và tiêu thụ giảm so với năm 2008 (quặng sắt giảm 29,6%, chè chế biến giảm 13,2%, sứ công nghiệp giảm 18%, đá bột giảm 32,9%...).
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh vẫn nằm ở giữa các tỉnh trong khu vực, như: thu ngân sách, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn, GDP bình quân đầu người; lương thực bình quân đầu người đạt thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực.
Trong lĩnh vực xã hội, tuy có nhiều tiến bộ nhưng một số chỉ tiêu đạt được vẫn ở mức trung bình so với các tỉnh vùng Tây Bắc như: số trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sinh hoạt, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên...
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội của tỉnh là rất đáng ghi nhận, khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là tiền đề rất quan trọng để tỉnh Yên Bái hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ 2010 và của cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Trần Thi
Các tin khác
Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, thị trường vàng miếng sẽ còn trầm lắng đến hết Tết âm lịch và ấm trở lại sau đó.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định số 74/QÐ-NHNN ngày 18-1-2009 điều chỉnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).
YBĐT - Cũng như nhiều địa phương khác, năm 2009 tình hình sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) gặp không ít khó khăn.