Ngân hàng: Không sốt tiền lẻ!

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/1/2010 | 8:19:25 AM

Năm nay không có hiện tượng sốt tiền lẻ như mọi năm, đó là khẳng định của một số lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, các chợ đổi tiền lẻ trên địa bàn Hà Nội hiện đã hoạt động rất nhộn nhịp.

Nhiều người vẫn phải chịu đổi tiền tỉ lệ 10 ăn 8, 9 tại các điểm tư nhân.
Nhiều người vẫn phải chịu đổi tiền tỉ lệ 10 ăn 8, 9 tại các điểm tư nhân.

Ngân hàng không thiếu, chợ đen vẫn sôi động

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khẳng định: “Vào tháng cuối năm, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân tăng cao, phía NHNN cũng dội tiền lẻ, tiền mới về rất nhiều. Hiện tại NH chúng tôi vẫn đủ lượng tiền giao dịch cho khách hàng muốn đổi”. Ông Văn cũng khẳng định: năm nay không có hiện tượng sốt tiền lẻ như mọi năm.

Tuy nhiên, tại những phố đổi tiền lẻ như Đinh Lễ, phố Tràng Tiền (góc cửa hàng Bách hóa), cổng Bưu điện Hà Nội, phủ Tây Hồ, chùa Hà, phố Quang Trung, Yết Kiêu (Hà Đông)… chúng tôi bắt cảnh tượng đổi tiền lẻ khá sôi động, vào những giờ tan tầm chợ khá đông người khiến cả một đoạn đường bị tắc.

Đình đám nhất trong chợ đổi tiền chính là ngã ba Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng. Chợ này có khá nhiều dịch vụ đổi tiền Việt, ngoại tệ, tiền lẻ…Tuy nhiên vào những ngày cuối năm nhu cầu tiền lẻ của người dân tăng cao thì dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn là nóng nhất.

Theo lời chị M, một đầu nậu tiền cho biết “Những ngày này nhu cầu đổi tiền “em” (tiền có mệnh giá nhỏ - PV) rất nhiều. Người đổi tiền có mệnh giá 200, 500, 1000, 2000 chủ yếu đi chùa nên mình “chém đẹp”, còn những mệnh giá cao hơn như 5000, 10.000, 20.000 khách hàng đổi để mừng tuổi thì mình ăn phần trăm ít hơn”.

Khi được hỏi tỉ lệ ăn như thế nào thì chị M cho biết: “với những loại tiền mệnh giá nhỏ để đi chùa thì 10 ăn 8 (10 nghìn khách hàng được ăn 8 nghìn), còn những loại tiền to để mừng tuổi thì 10 ăn 8, 9 hoặc 9,5. Tuy nhiên giá đổi tiền bây giờ vẫn mềm vì chưa phải cận Tết, còn những ngày cận Tết thì giá sẽ khác. Tiền bạc mà, giá nó thay đổi theo ngày”.

Tại các đầu mối đổi tiền lẻ tại cửa phật như Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, chùa Quán Thánh… các đầu nậu “chém đẹp hơn” khi bắt bí những những đến hành hương đổi tiền bằng các tỉ lệ: 200 đồng và 500 tỉ lệ 10 ăn 7, 1000 đồng và 2000 đồng 10 ăn 8, loại 5000 đồng thì đổi theo cọc, mỗi cọc 500 nghìn đồng, khách hàng phải trả thêm 50 nghìn đồng nữa.

Chị Liên bán hàng tại phủ Tây Hồ đang ngồi sắp lễ cho khách với một tủ tiền lẻ trước cửa hàng cho biết: “Muốn đổi tiền mệnh giá nào cũng có, thông thường đến chùa người dân chỉ đổi loại tiền mệnh giá 200 và 500 đồng thôi. Hơi đắt một tí nhưng họ cần vì vào chùa có nhiều cửa mà dùng tiền to thì tốn kém lắm”.

Theo một cán bộ Quỹ sở giao dịch Trung ương (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) cho biết: Mánh lới của các chủ quầy thường đổi tiền ở các ngân hàng từ vài tháng trước sau đó họ “găm” hàng đợi đến cận tết họ mới tung ra. Không có chuyện NHNN đổi tiền cho các “đầu nậu”.

Cán bộ Ngân hàng này cũng trấn an người dân: năm này số lượng tiền lẻ đủ cung ứng cho các địa phương và sẽ không có hiện tượng sốt tiền lẻ vào những ngày cận Tết như mọi năm. Từ nay đến Tết Nguyên đán, tiền lẻ sẽ tiếp tục được NHNN bổ sung thêm vào lưu thông để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 

Dân chỉ quen đổi chợ đen

Đóng vai một người đi đổi tiền, tôi đến khu phố Đinh Lễ. Chưa kịp dừng xe, gần chục phụ nữ vai đeo bị tiền lủng lẳng đã chạy ra túm ngay đầu xe chúng tôi và hỏi: "Đổi tiền hả? Đổi bao nhiêu? Mệnh giá nào?"

Rút tờ giấy trong ví đã ghi sẵn loại tiền và số lượng tôi trả lời: “Đổi tiền để năm tới mở phủ giải hạn, cần số lượng khoảng 100 triệu có đáp ứng được không?”. Một chị khoát tay nói: “Chuyện nhỏ, có ngay ở đây. Em đổi bao nhiêu bọn chị cũng đáp ứng được. Đem tiền sẵn ở đây đổi hay vào nhà trong? Trong đó có sẵn máy đếm tiền, đảm bảo không thiếu một xu. Với số lượng lớn thế này bọn chị chỉ lấy của em 5% thôi”. Đưa cho chị ta tờ giấy, tôi yêu cầu họ chuẩn bị tiền trước, hẹn 15 phút sau quay lại vì phải ra ngân hàng rút tiền rồi tôi chuồn thẳng.

Đến với khu chợ trên đường Quang Trung (Hà Đông), càng về chiều tối, chợ càng tấp nập. Nghe tôi nói muốn đổi cho cơ quan khoảng 30 triệu đồng với đủ các mệnh giá để lì xì tết, bà chủ H vồn vã: "Đổi bao nhiêu cũng có. Chú đổi, chị bớt 5% mỗi loại. Nếu có mối khác giới thiệu cho chị, chị chia phần trăm cho chú. Gớm, sao cái món "tiền em" này năm nào cũng thiếu”. Bà chủ này còn dọa chúng tôi: “Không đổi bây giờ thì càng về sau càng khó, sợ không còn tiền nữa đâu. Mà nếu còn thì giá qui đổi chí ít cũng sẽ bị thiệt thêm 10-20%”.

Khuôn mặt buồn thiu khi vừa đổi được 2 triệu mệnh giá 10 nghìn và 20 nghìn để mừng tuổi dịp Tết, chị Nguyễn Hồng Hạnh (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông cho biết): “Nhà có nhiều cháu nhỏ nên năm nào tôi cũng phải chuẩn bị tiền lẻ trước cả tháng trời. Đã qua 8 quầy nhưng quầy nào cũng đòi 1 ăn 8,5. Cuối cùng tôi phải bấm bụng đổi 2 triệu lấy 1,75 triệu ở quầy cuối dãy”.

(Theo TPO)

Các tin khác

Tổ Điều hành giá bán điện vừa có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 phương án tăng giá điện, căn cứ vào mức tăng cao nhất của giá than cho điện là bằng 90% giá than xuất khẩu.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 20/1/2010, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Yên Bái tổ chức hội nghị biểu dương những lao động giỏi, lao động sáng tạo lần thứ III (2005- 2009).

Công trình thủy điện Hồ Bốn khi mới thi công phần móng đập.

YBĐT - Trong năm 2009, Yên Bái đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các dự án: giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục.

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, thị trường vàng miếng sẽ còn trầm lắng đến hết Tết âm lịch và ấm trở lại sau đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục