Thị trường tết Canh Dần hàng hoá tăng cả lượng, chất và giá
- Cập nhật: Thứ năm, 21/1/2010 | 10:00:24 AM
YBĐT - Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến tết Canh Dần. Vậy mà, thị trường Yên Bái còn khá im ắng. Hàng hóa chưa được bày bán, các gian hàng, băng rôn, biển hiệu, đèn màu dường như vẫn cất đâu đó.
Các cửa hàng, siêu thị đã chuẩn bị khối lượng hàng lớn phục vụ tết.
|
Nhưng đó chỉ là bề nổi, bởi tất cả các doanh nghiệp, thương nhân đã sẵn sàng cho “chiến dịch” tết, đợi đến giờ “G” là bung ra. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa bàn miền núi nói chung dù là đô thị, thị trường tết chỉ thực sự sôi động khoảng 4 đến 5 ngày (từ 26 đến sáng ngày 30 tháng Chạp), do tâm lý người tiêu dùng “Kiếm tiền mới là quan trọng. Có tiền thì gạo thịt, bánh mứt kẹo… đi chợ một hôm là xong”. Khảo sát thị trường cho thấy tết này hàng nhiều, chất lượng cao và giá cũng bắt đầu tăng.
Ngày tết, các mặt hàng công nghệ phẩm như thuốc lá, bánh kẹo, rượu bia được tiêu thụ khá mạnh, tăng khoảng 50 đến 100%. Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị sẵn một lượng hàng đủ để phục vụ bà con. Ông Phạm Tuấn Hải – Giám đốc doanh nghiệp Hải Phượng cho biết: “Công ty đã bán ra hơn 20 tỷ đồng tiền hàng/30 tỷ của kế hoạch phục vụ tết Canh Dần. Như vậy, lượng hàng đã tăng 10 tỷ so với tết trước và gấp đôi những tháng thông thường”.
Các doanh nghiệp chiếm thị phần đáng kể như: Thương mại miền Tây, Thương mại - Du lịch và Đầu tư, An Huy, Ninh Tuyết, Hiển Hằng…, mỗi đơn vị đều đã chuẩn bị cả tỷ đồng tiền hàng sẵn sàng phục vụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát không những cực kỳ phong phú mà chất lượng cũng nâng lên đáng kể. Điều này cũng dễ hiểu bởi chất lượng cuộc sống người dân đang ngày càng nâng cao. Người có thu nhập trung bình thì “cả năm có cái tết, mua hộp bánh, túi kẹo, chai rượu thùng bia cho vui cửa, vui nhà”, người có cuộc sống khá thì “bánh, kẹo, rượu bia nào có thiếu, tết nhất cũng nên mua loại ngon mà dùng”.
Một cán bộ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương nhận định: “Trên mặt bằng toàn tỉnh, các mặt hàng bánh, mứt kẹo, rượu bia chắc chắn sẽ không thiếu, giá cả đã tăng hơn nhưng do thị trường tết đến rất muộn, diễn ra rất nhanh nên rất có thể sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ một mặt hàng nào đó, khi xảy ra các đại lý sẽ không kịp lấy hàng để bán, sẽ dẫn đến giá tăng cao”. Như vậy, thị trường công nghệ phẩm còn phụ thuộc vào các nhà bán lẻ, họ phải nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng thị trường và chuẩn bị hàng vừa đủ.
Lương thực, thực phẩm vẫn là những câu chuyện đáng quan tâm hơn cả. Thời gian qua, gạo đã tăng lên bình quân 20%, các loại rau quả, thịt cá cũng tăng khá mạnh. Tâm lý “nước nổi bèo cũng nổi” khiến các mặt hàng thường tăng giá theo nhau mỗi dịp tết đến. Dịp cuối năm, Công ty Lương thực Hoàng Liên Sơn đã chuẩn bị thêm 100 tấn gạo để phục vụ và dự trữ 300 tấn trong kho để bán sau tết theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc. Giá gạo sẽ duy trì ở mức như hiện nay nhưng thịt thì chưa thể biết trước. Khả năng khan hiếm thịt lợn và gà ngon là rất có thể bởi lẽ giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng chóng mặt, giá thóc, giá ngô cũng tăng cao dẫn đến tình trạng người chăn nuôi không dám đầu tư hoặc tăng giá bán để bù lỗ.
Giá hàng nông sản bắt đầu tăng. |
Hiện lợn hơi loại thường đã có giá 30 nghìn đồng/kg, lợn siêu nạc giá cao hơn từ 5 đến 6 nghìn đồng. Hàng hiếm, người bán thịt lại phải cạnh tranh quyết liệt với các đầu nậu thu gom lợn với số lượng lớn đi tiêu thụ ngoại tỉnh. Vợ chồng ông Dũng – Luyện bán thịt lợn ở chợ Yên Bái cho biết: Không ngày nào mà không có xe tải chở đầy lợn từ Yên Bình, Lục Yên đi Lào Cai, từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ đi Sơn La nên thợ mổ phải mua gom từ nhiều đầu nậu mới có hàng để bán. Cứ đà này, giá sẽ còn tăng cao cả trước, trong và sau tết”.
Cùng với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thị trường hàng điện tử, điện lạnh và xe máy cũng hết sức sôi động dịp cuối năm. Các doanh nghiệp điện tử Dũng Hà, Tuyển Hằng, Hồng Hội… đã chuẩn bị lượng hàng gấp 2 đến 3 ngày thường. Chính sách mở cửa, kích cầu đã khiến các mặt hàng ti vi, tủ lạnh, máy giặt giảm giá mạnh, chỉ cần trên dưới 2 triệu đồng đã có thể mua được một chiếc ti vi mang thương hiệu nổi tiếng, nhiều gia đình mua ti vi siêu phẳng giá trên dưới 10 triệu đồng, loại mà trước đây có giá 20 – 30 triệu.
Có lẽ đồ điện tử, điện lạnh là loại hàng duy nhất giảm giá và người tiêu dùng dễ chấp nhận nhất. Riêng mặt hàng xe máy tăng khá mạnh, nhiều loại xe có thương hiệu được ưa chuộng tăng từ 2 đến 3 triệu đồng, có loại còn tăng 5 đến 6 triệu so với cách đây vài tháng, vậy mà các cửa hàng vẫn hết sức nhộn nhịp. Cửa hàng Honda của Công ty TNHH Hòa Bình hay Yamaha của Công ty Thiện Anh mỗi ngày bán ra vài chục chiếc.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương tại Văn bản số 13309, ngành công thương Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp đầu mối, chuẩn bị hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhân dân, ngăn chặn tình trạng khan hiếm hoặc cố tình găm hàng tạo cơn sốt giá để tăng giá trục lợi.
Cùng với đó, các ngành chức năng trong Ban chỉ đạo 127/ĐP tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, đèn trời; các mặt hàng thực phẩm, công nghệ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung vào các mặt hàng bánh, mứt kẹo, nước giải khát, nhất là thực phẩm tươi sống… nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tới thăm Quy Mông, huyệnTrấn Yên (Yên Bái) vào những ngày đầu năm mới, bà con nông dân đang thu hoạch đao riềng trên những thửa đất bị vùi lấp trong cơn "đại hồng thủy" năm 2008.
YBĐT - Hội Nông dân tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2009, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2010. Dự có đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý thiết lập 4 đường hàng không mới, gồm đoạn đường hàng không Nà Sản - LADON - AKSAG, Nam Hà - VILAO - PAKSE, Cam Ranh - MESOX, Phù Cát - BUNTA.
Năm nay không có hiện tượng sốt tiền lẻ như mọi năm, đó là khẳng định của một số lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, các chợ đổi tiền lẻ trên địa bàn Hà Nội hiện đã hoạt động rất nhộn nhịp.