Mô hình CLB Khuyến nông tự nguyện ở Văn Yên: Những hiệu quả bước đầu
- Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2010 | 2:55:54 PM
YBĐT - Với mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, nhiều câu lạc bộ (CLB) khuyến nông tự nguyện (KNTN) đã ra đời ở Văn Yên.
Từ khi đi vào hoạt động, những CLB này đã giúp hội viên tháo gỡ khó khăn, mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng như nhiều vùng nông thôn khác, những năm qua, việc trồng trọt, chăn nuôi ở Văn Yên đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhưng nhìn tổng thể, đại đa số vẫn rất nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào kinh nghiệm là chính. Vì vậy, lợi nhuận thu được không cao, đồng thời chịu nhiều rủi ro, bất lợi.
Trước thực trạng đó, dưới sự tư vấn, giúp đỡ của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, nhiều mô hình CLB KNTN đã ra đời.
Thành lập mới được nửa năm, nhưng CLB sản xuất rau sạch tại thôn 6, xã Yên Hợp được nhiều người biết đến với “thương hiệu” rau sạch. Nhận thấy nguồn cung ứng rau sạch trên địa bàn xã, trị trấn Mậu A và các xã lân cận còn nhỏ lẻ, chưa có sự quy hoạch tập trung, năng suất chất lượng thấp... nên 21 hộ gia đình tại thôn 6, xã Yên Hợp đã đứng ra thành lập CLB sản xuất rau sạch. Họ tự bình bầu ra ban chủ nhiệm và lập quy chế hoạt động.
Thời gian đầu, CLB gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, trang thiết bị, đầu ra cho sản phẩm nhưng được sự giúp đỡ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ xây bể chứa nước, máy bơm nước, cộng với sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, chính quyền xã, CLB sản xuất rau sạch đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Nhằm thích ứng với nền kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, CLB còn phân thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tập trung vào sản xuất một loại rau. Từ đó, thương hiệu rau sạch của CLB được nhiều người biết đến. Đời sống các thành viên cũng ngày một khấm khá.
Ông Tạ Quang Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết: “CLB sản xuất rau sạch hoạt động khá hiệu quả, nhiều gia đình cũng từ đó thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả. Bước đầu là mô hình để học tập và nhân rộng”.
Ngoài CLB sản xuất rau sạch, ở Văn Yên còn rất nhiều mô hình CLB khác như: CLB nuôi gà đẻ trứng; CLB trồng chè; CLB dùng phân viên nén dúi sâu... Bên cạnh những hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học - kỹ thuật, các thành viên còn được vay vốn từ nguồn quỹ của CLB để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Không giống như nhiều tổ chức công lập khác, được hỗ trợ về kinh phí, hoạt động của những CLB KNTN ở Văn Yên đa phần đều dựa vào nguồn quỹ thành viên tự đóng góp.
Nguồn quỹ của CLB có thể là tiền mặt, cũng có thể là thóc, gạo. Nhiều clb đã đứng ra nhận gặt thuê, nạo vét kênh mương, làm đường giao thông…để lấy tiền bổ sung vào nguồn quỹ. Thậm chí, có CLB còn mượn lại đất ruộng để trồng rau màu, ngô đông… gây quỹ. Từ nguồn quỹ của CLB, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để không ngừng học hỏi, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, các CLB còn tổ chức các buổi giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó, trong những buổi sinh hoạt, tổng kết, các ban chủ nhiệm clb còn mời đại diện chính quyền xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cùng tham gia để tư vấn, hỗ trợ.
Qua những buổi sinh hoạt như thế, nhiều tập quán, thói quen nuôi trồng cũ đã được thay thế bằng phương thức, kỹ thuật canh tác mới, cho năng suất cao. Nhiều thành viên trước kia chăn nuôi chủ yếu tận dụng nguồn phụ phẩm, chuồng làm bằng tre, lợp lá thì giờ chuyển sang chăn nuôi hàng hóa, chuồng trại xây dựng sạch sẽ.
Quan trọng hơn nhiều người đã ý thức được tầm quang trọng của việc tiêm phòng dịch bệnh trong chăn nuôi. Những vườn rau xanh, đàn lợn trắng hồng, bông lúa nặng hạt là minh chứng cho thành công của các CLB KNTN ở Văn Yên.
Mô hình CLB KNTN ở Văn Yên đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bích Huề - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên thì chỉ có 1/3 trong tổng số 57 CLB KNTN hoạt động có hiệu quả, còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, chưa thực sự hiệu quả.
Để mỗi CLB thực sự là điểm tựa của thành viên, ngoài năng lực quản lý, điều hành của ban chủ nhiệm, CLB phải biết tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đoàn thể, đơn vị kinh tế, giúp CLB có nguồn vốn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường, giúp định hướng xây dựng và phát triển các mô hình có hiệu quả.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Đầu năm mới, đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) liên tiếp đón những niềm vui mới.
YBĐT - Hết năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) thực hiện ước đạt 223 tỷ 500 triệu đồng, đạt 111,7% so với kế hoạch và tăng 25,5% so với năm 2008. Kết quả này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành thương mại – dịch vụ của huyện.
YBĐT - Dự án vùng lúa hàng hóa được triển khai đã qua 3 vụ và đạt được những kết quả bước đầu từ cơ cấu giống đến năng suất và chất lượng. Vụ mùa 2008, sản lượng lúa hàng hóa đạt 2.505 tấn, năm 2009 sản lượng đạt 5.444 tấn, năng suất bình quân đạt 12,13 tấn/ha, giá trị đạt 55 - 60 triệu đồng/ha.
Ngày 27-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu.