Chè - chuyện cũ mà không cũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 3:17:52 PM

YBĐT - Không phải dân làm chè, cũng chẳng phải người nghiền trà, nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về tôi lại rất thú đến các vùng sản xuất chuyên canh chè.

Vùng chè Shan tuyết Suối Giàng (Văn Chấn) với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Vùng chè Shan tuyết Suối Giàng (Văn Chấn) với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Đến để được ngắm nhìn, để miên man bên búp chè xanh dưới cái nắng xuân dịu êm và để được nghe những lời mộc mạc của người làm chè. Nhưng mỗi lần trở lại, trong tôi đều mang một tâm trạng khác nhau, lần thì xốn xang bởi dân được mùa, được giá, lần thì lại thấy cuộc sống người làm chè nhọc nhằn lắm thay!

Đã từ nhiều năm nay cây chè giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, chè là cây chủ lực xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Với diện tích gần 13 ngàn ha chè kinh doanh, bình quân mỗi năm nông dân thu hái được trên 80 ngàn tấn, thu về trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có trên 65 doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở chế biến chè có công suất từ 8-40 tấn búp tươi/ngày, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Năm 2009 vừa qua, sản xuất kinh doanh chè gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng các doanh nghiệp vẫn sản xuất, chế biến được trên 20 ngàn tấn chè thành phẩm, trong đó có một phần ba được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Đông. Tuy sản phẩm chè Yên Bái chưa được đánh giá cao trên thị trường, nhưng bước đầu đã được các bạn hàng chấp nhận, toàn bộ sản phẩm đã được tiêu thụ hết, doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng. Những đóng góp của sản xuất kinh doanh chè trong những năm qua đã góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo và nâng tầm những vùng quê nghèo, đó là điều khó ai có thể phủ nhận được.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sản xuất kinh doanh chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị thu nhập từ chè vẫn còn thấp, diện tích chè già cỗi, năng suất thấp, chất lượng búp không đáp ứng được cho chế biến; doanh nghiệp sản xuất chè vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chiến lược sản phẩm cũng như chiến lược sản xuất lâu dài. Huyện Văn Chấn được mệnh danh là “thủ phủ” của chè Yên Bái với diện tích trên 4 ngàn ha, có vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng hàng trăm năm tuổi và nơi đây cũng có nhà máy chế biến chè với công suất 40 tấn búp tươi/ngày lớn nhất Đông Nam Á vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Hàng ngàn hộ dân ở đây đã sống, gắn bó với cây chè và nhà máy này ngần ấy năm, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Sự nghèo khó vẫn hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây! Người trồng chè vẫn chưa thực sự sống được bằng chè, điệp khúc được mùa rớt giá, mất mùa mất giá, chuyện cũ mà không hề cũ của ngành chè Yên Bái! Doanh nghiệp sản xuất chế biến vẫn chưa thực sự bứt phá, sản phẩm vẫn là sơ chế đóng bao tải chứ không hề có thương hiệu. Doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa chung một nhịp cầu, hay nói đúng hơn là chưa có sự ràng buộc nào.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (người đầu, từ phải sang) kiểm tra rừng trồng kinh tế ở huyện Văn Chấn.

Trong chế biến chậm đầu tư đổi mới dây chuyền máy móc cũng như chiến lược sản phẩm, tư duy làm ăn cũ không kịp thích ứng với sự cạnh tranh của kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai… lao vào cơn lốc cạnh tranh bằng chiến lược sản phẩm, cơ cấu sản phẩm, chất lượng sản phẩm và giá thành cùng với việc đầu tư vùng nguyên liệu… Còn các doanh nghiệp chè Yên Bái như con tàu ì ạch, rệu rã đứng ì ra trên đường ray.

Sẽ là ấu trĩ, chủ quan nếu chỉ say sưa với những thành quả đã đạt được dẫu chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, mà không khách quan đánh giá đúng những hạn chế để đi lên. Trong thời đại bùng nổ thông tin, biết sàng lọc thông tin, nhận định và xử lý thông tin đúng đắn sẽ cho doanh nghiệp thời cơ. Mà thời cơ là sức mạnh, ai nắm được thông tin, người đó nắm được uy quyền. Ấy thế nhưng ngay cả việc thông tin quảng cáo về doanh nghiệp và sản phẩm của mình cũng không được coi trọng.

Trong bản đồ chè Việt Nam thì Yên Bái đứng thứ 3 toàn quốc về diện tích và sản lượng, nhưng lại không hề có tên trên thương trường về sản phẩm chè. Nếu có chăng đó chỉ là những tên mang tính chỉ dẫn về mặt địa lý mà thôi. Tình trạng như vậy làm sao vươn lên trong cơ chế thị trường nói gì vươn ra “biển lớn” trong thời hội nhập toàn cầu!

Những vấn đề nêu trên không có gì mới, nhất là đối với những người gần gũi, gắn bó với chè bởi lẽ đó là “chuyện thường ngày ở huyện”! Nhưng sẽ không bao giờ có một câu thần chú nhiệm mầu nào như kiểu “Vừng ơi, mở ra” đối với sản xuất kinh doanh chè Yên Bái. Bởi lẽ, những người dệt nên câu chuyện thần kỳ đó phải chính là các doanh nghiệp và nông dân làm chè. 

Thanh Phúc

Các tin khác
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc (thứ 4, trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện thăm diện tích trồng khoai tây vụ đông.

YBĐT - Vượt chặng đường quanh co lên dốc xuống đèo, con đường bỗng mềm xuống một thung lũng rộng. Văn Chấn hiện ra. Bao la đất trời và lòng người. Không khí tết rộn rã những ngày cuối năm đã hiển hiện trên khuôn mặt mỗi con người đang hăng say cày cuốc trên cánh đồng, trong xưởng máy vào ca...

Thênh thênh đường về Púng Luông (Mù Cang Chải).
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Vượt qua gần 140 km từ thành phố Yên Bái qua Ba Khe, Đèo Ách rồi thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi đến Trạm Tấu khi những ánh nắng dịu dàng chớm xuân đang bảng lảng nô đùa trên khắp các triền núi.

Trên công trường Nhà máy luyện gang thép Cửu Long Vinashin.

YBĐT - Những ngày này đang vào thời kỳ cao điểm ở các công trình xây dựng. Đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp một không khí thi đua sôi nổi như chạy đua với thời gian để hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thiết thực lập thành tích mừng xuân, mừng Đảng.

Vàng miếng trong nước sáng 5/2 trượt đến 500.000 đồng/lượng, khi thị trường vàng thế giới đêm qua chứng kiến đà giảm giá tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2008, từ mức 1.100 USD/oz xuống dưới 1.060 USD/oz

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục