Thị trường sau tết: Thực phẩm, rau củ “giá trên trời”
- Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 9:44:06 AM
YBĐT - Ngay từ chiều mùng 2 tết, các chợ ở thành phố Yên Bái đã họp với các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, rau, củ, quả. Ngoài chuyện những người buôn bán ngang nhiên chường mặt dưới lòng đường chào mời người qua lại là chuyện người mua ngã ngửa vì giá.
Sau tết, rau xanh là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh.
|
Tăng giá mạnh nhất là thịt bò. Hiện loại thịt ngon có giá 150 - 180 đồng/kg (tăng 70 đến 80 nghìn đồng so với trước tết). Đứng thứ hai về tốc độ tăng giá là các loại rau thơm, rau sống dùng để ăn lẩu, giá bình quân 25- 30 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường). Măng đắng giá từ 8 đến 9 nghìn đồng/kg (để cả vỏ), đặc biệt, măng sặt sau tết mới bán chợ có giá lên đến 20- 22 ngàn/kg cả vỏ, tính ra đến 70-80 ngàn/kg bóc sẵn, còn đắt hơn thịt lợn ngon.
Tiếp đến là các loại cá to tươi ngon như chép, trắm cỏ giá bán từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg (tăng 10 đến 20 nghìn /kg). Sau mấy ngày tết lu bù rượu thịt, ai cũng thấy háo ruột. Đun nồi nước dùng trên bếp rồi nhúng gắp rau, thịt bò hay lát cá… là thích nhất. Ngay cả khi nhà có đôi ba ông khách, gia chủ cũng ngại mổ gà, bày đĩa thịt đông hay cuốn mấy cái nem… cũng thấy vất vả, vừa khó nuốt, phương án tốt nhất là làm nồi lẩu, vừa ấm vừa mát ruột! Tâm lý ai cũng thế nên rau, thịt bò hay cá tươi càng được thể “kênh kiệu”.
Mấy bà bán rau ở chợ mọi ngày thấy khách là cười nói, mời chào đon đả hết chỗ nói, mấy ngày sau tết mặt cứ như “bánh đa nướng”. “Chị nói thật, cả năm kiếm ăn được có mấy ngày này. Giá có cao một tý thì cứ vui vẻ đi, không mua của bọn chị thì đi hàng khác cũng thế...” – một người bán rau ở chợ Đồng Tâm tay nhặt rau, miệng oang oang với tôi.
Hai cân rau thơm 60 nghìn đồng, nửa cân thịt bò 90 nghìn đồng, mấy khúc xương 20 nghìn đồng, thêm khúc cá 70 nghìn nữa… tổng cộng tất cả 250 nghìn đồng cho một nồi lẩu, kể cũng khá “chém ví” công chức với mức lương 2 triệu bình quân một tháng, nhưng biết làm thế nào được, đi nhà hàng còn chết nữa.
Có mấy ông bạn đến nhà hôm mùng 3 tết, vợ đi vắng không nấu ăn được, đành đưa khách đi quán, chạy xe lòng vòng mãi chỉ có mấy quán lẩu nhỏ nhỏ trên đại lộ Nguyễn Thái Học mở cửa, gọi nồi lẩu lèo tèo mấy miếng gà, đĩa nội tạng lợn và hai đĩa rau, ăn xong thanh toán 450 nghìn. Để khách khỏi ngạc nhiên và thắc mắc về giá, chủ quán niềm nở: “Giá ngày tết là thế, mấy bữa nữa các bác quay lại, ngày thường giá lại bình thường!”.
Theo nhận định của nhiều người, giá thực phẩm, rau xanh chắc chắn sẽ còn ở mức cao trong vài ngày tới vì cầu còn cao mà cung hạn hẹp, trong khi người buôn bán vẫn tiếp tục làm giá.
Mấy bữa nữa, cải canh, muống, bí, cần nước từ Tuy Lộc Văn Phú, Âu Lâu… lại theo “hai sọt” đổ về thành phố sẽ kéo giá trở lại. Thịt bò, cá khúc, tim cật lợn ngày tết giá trên mây xanh thì mấy bữa nữa ngày thường không thể “chém đẹp” đến thế.
Bà Giáo – một người đi chợ Hồng Hà nói như giãi bày: “Thôi, ngày tư, ngày tết mình đành chấp nhận, mai mốt thịt lợn kho tàu, cá rô phi đơn tính kho mục cho nó lành, tội gì thịt bò, cá khúc, tôm tươi cho nó khổ. Nói thật, lương hưu hai vợ chồng chưa đầy bốn triệu thì mấy hôm nữa có muốn ăn cũng chịu. Đợi giá xuống thì ăn”.
Ngẫm lại, thị trường tết Canh Dần và cả mấy tết trước mới thấy, ý chí của nhà sản xuất, nhà kinh doanh là thứ quan trọng nhất. Tỉnh không bỏ ngân sách ra để trữ hàng, bình ổn giá, ngành thương mại cũng chỉ “Đề nghị một số đơn vị bán buôn công nghệ phẩm, lương thực chuẩn bị hàng phục vụ trước, trong và sau tết, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá…”, những động tác đó chưa thể nói là “mạnh tay” và điều đó cũng dễ hiểu bởi chúng ta đang vận hành cơ chế thị trường, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nhà kinh doanh.
Trước tết thì “vào trận” quá sớm, đặc biệt là các mặt hàng hoa tươi, thịt lợn, cá tươi… gặp trời nắng bán đổ, bán tháo, nhiều nhà buôn mất hàng chục triệu tiền đào, tiền hoa, bởi 26, 27, 28 tết trời nắng như đổ lửa, đào nở bung, hoa héo tiệt.
Chiều 29, ngày 30 trời mới trở lạnh, đào, quất ra khi ấy mới được giá, được tiền, người tiêu dùng cũng có được cành hoa đẹp mà chơi tết. Có anh trồng hoa ở xã Tuy Lộc cắt vài nghìn cành hồng đi bán giá 1 đến 2 nghìn, sáng 30 tết, giá lên 5, 6 nghìn thậm chí một cành hoa hồng có lộc lên đến 10 ngàn đồng thì vườn nhà chỉ còn vài trăm bông. Tết năm nay cháy hoa còn bởi ngày mồng Một tết năm nay trùng với ngày lễ Tình yêu 14/2 Dương lịch.
Trước tết, nhiều nhà còn tháo ao bán chợ ông Công, ông Táo lấy tiền tiêu tết; tất nhiên giá khi ấy rất bèo, giờ giá cá to 50, 60 nghìn đồng/cân lại thấy tiếc công, tiếc của. Ngay như chuyện rau ăn lẩu, năm nào ngoài tết giá chẳng cao vậy mà cải chân, cải cúc, hành hoa, mùi, húng… cứ vội vàng bán đổ trước tết, lúc giá cao lại không còn.
Giàu nghèo cũng ba ngày tết, giờ cuộc sống đã thường nhật, mong cho giá cả bình ổn, dân nghèo đỡ khổ để lo làm, lo ăn. Chuyện giá cả tết nhất chí ít cũng giúp người kinh doanh, nhà sản xuất hay người tiêu dùng có thêm ít kinh nghiệm cho việc chi tiêu, mua bán mỗi độ xuân về.
Lê Phiên
Các tin khác
Với việc tăng tỉ giá VND/USD, giá xăng và tới đây là giá điện, theo TS Nguyễn Đình Ánh - viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, giữ được lạm phát năm 2010 ở 7% như Quốc hội giao là kỳ công và nhiệm vụ này cực khó.
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng, áp dụng từ ngày 10/4/2010.
Sau một số phiên đi lên, sáng 23/2, giá vàng trong nước đã giảm hơn 10.000 đồng mỗi chỉ, xuống mức 2,665 triệu đồng/chỉ trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới đi xuống.
YBĐT- Đến bây giờ, tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng bà Hoàng Thị Pọm ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) vẫn không thể quên những tháng ngày vất vả.