Yên Hưng đi lên từ đất khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/5/2010 | 9:22:20 AM

YBĐT - Là xã vùng thấp của huyện Văn Yên (Yên Bái) nhưng Yên Hưng không có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Diện tích toàn xã trên 1.080 ha, lúa chỉ có 81 ha, còn lại chủ yếu là đồi rừng nhưng độ dốc rất lớn, qua nhiều năm canh tác đã bạc màu.

Xã viên HTX Quế Sơn (Văn Yên) sơ chế sản phẩm quế kẹp số 3 để xuất khẩu. (Ảnh: Trường Phong)
Xã viên HTX Quế Sơn (Văn Yên) sơ chế sản phẩm quế kẹp số 3 để xuất khẩu. (Ảnh: Trường Phong)

 Trong điều kiện ấy, để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa Yên Hưng trở thành xã cửa ngõ phát triển của huyện thực sự là bài toán khó đối với Đảng bộ và chính quyền nơi đây. Nhưng với ý chí, quyết tâm của toàn Đảng bộ, ý thức tự giác vươn lên thoát khỏi đói nghèo của 529 hộ, 2.129 khẩu và tinh thần đoàn kết của 5 dân tộc, đoàn kết lương giáo, bộ mặt Yên Hưng có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện từng ngày.

Chúng tôi về Yên Hưng giữa lúc toàn Đảng bộ và nhân dân đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII. Đồng chí Trần Ngọc Xuân – Chủ tịch UBND xã hồ hởi thông báo những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, cả những mục tiêu, phương hướng trong nhiệm kỳ tới. “Tất cả đều vì mục tiêu dân Yên Hưng no đủ, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh” - Chủ tịch xã khẳng định.

Theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XII thì nhiệm kỳ vừa qua, đã có 15/17 chỉ tiêu về kinh tế đạt 100% kế hoạch trở lên (hai chỉ tiêu không hoàn thành là chăn nuôi bò và trồng chè; nguyên nhân là khi triển khai chương trình chăn nuôi bò thì giống bò quá đắt, chất lượng con giống không phù hợp). Các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,2%/năm; tổng sản lượng lương thực năm 2009 đạt 1.074 tấn, bình quân lương thực đầu người 510 kg/năm. Trong cơ cấu kinh tế: công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 21,4%, tăng so với đầu nhiệm kỳ đại hội 12,1%; thương mại và dịch vụ 20,7%, tăng so với đầu nhiệm kỳ 10,4%. Thành tựu ấy của Yên Hưng chưa có gì thực sự nổi bật nhưng với một vùng đất khó thì đó cũng là điều đáng mừng.

Nói như ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn 2: “Ruộng ở Yên Hưng vốn đã không nhiều lại toàn nằm trong khe đồi cớm bóng, có canh tác giỏi đến mấy năng suất và sản lượng cũng không thể cao, chuyện làm lúa hàng hóa như các xã bạn chịu hẳn. Ruộng xấu, không chủ động được nước nên làm màu trên đất hai lúa cũng kém hiệu quả. Nhà tôi có mấy sào ruộng, cố lắm năng suất chỉ đạt tạ sáu, tạ bảy mỗi sào. Nhà nông là phải có cây lúa, hạt thóc mà nếu hạch toán kỹ, làm lúa ở đây chẳng có lãi là bao”. Nông dân Văn Yên bây giờ thi đua trồng sắn, làm giàu nhờ cây sắn, diện tích sắn mở rộng quá lớn khiến các nhà quản lý lo lắng. Riêng Yên Hưng, diện tích sắn đã tự thu hẹp, do đất dốc, trồng sắn năng suất thấp, kém hiệu quả, bà con chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Năm 2009, diện tích sắn giảm gần 40 ha, còn 100 ha. Theo tính toán, mỗi héc-ta sắn cho thu khoảng trên dưới 20 triệu đồng, đó còn chưa kể khi nhiều sắn, các lò sấy sẽ mọc lên, tạo thu nhập và việc làm cho người lao động. Không có tiềm năng và thế mạnh nổi bật, Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định, con đường đi lên của Yên Hưng là đa dạng hóa ngành nghề, khuyến khích các thôn, bản, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất cây trồng, vật nuôi có khả năng; chế biến gỗ, trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi, nhất là duy trì các đội thợ nề tham gia xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng trong và ngoài xã.

Trong quá trình phát triển kinh tế, xã đặc biệt coi trọng bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội. Mọi phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế, đưa những giống cây, con mới, cách làm ăn mới vào sản xuất thì 93 đảng viên trong toàn Đảng bộ đều gương mẫu thực hiện trước, đặc biệt với những đảng viên ở 8 thôn, bản.

Mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới là tổ chức khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương đồng thời phát huy hơn nữa ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, khắc phục khó khăn để xây dựng nền kinh tế phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Cụ thể là: tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%/năm trở lên, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 là 14,5 triệu đồng, bình quân lương thực 520 kg/người, diện tích chè 84 ha, diện tích sắn duy trì 130 ha, diện tích rừng trồng 460 ha và mỗi năm khai thác, trồng mới 50 ha.

Trong những năm tới, kinh tế nông - lâm nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, thâm canh lúa, trồng màu, đẩy mạnh chăn nuôi, tận dụng đất đồi gò để trồng rừng, sắn cao sản và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Quan điểm phát triển các đội thợ xây lành nghề, có uy tín tham gia xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng là một ý tưởng rất độc đáo, giải pháp hay nhằm tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn trên quan điểm “Ly nông chứ không ly hương” của Đảng bộ xã Yên Hưng.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Thông tin từ Chi cục kiểm lâm cho biết, do những diễn biến bất thường của thời tiết, tính đến ngày 20/4/2010 trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 39 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 1.059,7 ha.

Giá vàng SJC giao dịch ở mức mua vào 26,74 triệu đồng/lượng - bán ra 26,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng của Bảo Tín Minh Châu hiện trên bảng giao dịch điện tử là 26,72 triệu đồnglượng – 26,80 triệu đồng/lượng.

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định điều chỉnh một số nội dung của thông tư 37 hướng dẫn việc phát hành, sử dụng và quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in theo hướng thuận tiện hơn cho tổ chức chi trả thu nhập.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia và phát động cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới để phấn đấu đến năm 2030 cả nước cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, đến năm 2015 có 20% xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục