Cẩn trọng với lãi suất thả nổi

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/5/2010 | 1:39:13 PM

Gần đây, nhiều người vay vốn té ngửa khi được ngân hàng thông báo lãi suất mới, cao hơn đến 4 - 5%/năm so với mức cũ. Rơi vào trường hợp này không chỉ có khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mà còn có cả doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn để kinh doanh.

Theo các chuyên gia, người vay nên chọn các ngân hàng có thời hạn điều chỉnh lãi suất dài
Theo các chuyên gia, người vay nên chọn các ngân hàng có thời hạn điều chỉnh lãi suất dài

Các ngân hàng (NH) đang đưa ra nhiều hình thức huy động và cho vay đa dạng hơn nhằm tránh thiệt hại cho NH khi lãi suất thị trường biến động. Do vậy, nếu không nghiên cứu kỹ, phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng.

Điều chỉnh bất kỳ lúc nào

Anh H.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - chủ một doanh nghiệp thương mại dịch vụ - vay 500 triệu đồng của một NH thương mại cổ phần có trụ sở tại quận 5. Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất ban đầu 12%/năm. Tuy nhiên, NH lại để ngỏ thời hạn điều chỉnh lãi suất.

Theo quy định trong hợp đồng tín dụng, NH có thể điều chỉnh lãi suất bất kỳ khi nào và lãi suất mới lập tức có hiệu lực mà không cần phải ký thêm phụ lục hợp đồng.

Thắc mắc điều khoản này, anh H.T. được nhân viên NH giải thích, đó chỉ là quy định thêm vì với vay ngắn hạn lãi suất rất ít thay đổi, trừ khi NH Nhà nước điều chỉnh chính sách.

Tuy nhiên, ngày 7 - 5, anh được nhân viên NH thông báo lãi suất sẽ tăng lên 16,8%/năm (1,4%/tháng) và có hiệu lực ngay kể từ ngày 5 - 5. Quá bất ngờ, anh đến NH hỏi thì được nhân viên tín dụng cho biết, NH đã làm đúng theo hợp đồng. Hiện, lãi suất cho vay là thỏa thuận giữa người vay và NH, không còn bị ràng buộc bởi trần lãi suất như trước, căn cứ theo hợp đồng NH được điều chỉnh lãi suất. Anh H.T. cho biết không kham nổi lãi suất trên nên sẽ thu xếp trả vốn trước hạn.

Trường hợp anh H.T. không phải cá biệt. Đầu tháng năm, chị K.C. (quận Tân Phú, TPHCM) vay tiền mua nhà của một NH cổ phần có trụ sở phía Bắc cũng té ngửa khi đến NH đóng lãi vì số tiền gốc và lãi phải trả hằng tháng chênh lệch hơn một triệu đồng so với số tiền phải đóng của tháng trước đó.

NH giải thích, khoản chênh lệch do điều chỉnh lãi suất. Lật lại hợp đồng chị mới rõ vì NH quy định chỉ cố định lãi suất trong ba tháng đầu, từ tháng thứ tư lãi suất sẽ điều chỉnh mỗi tháng một lần.

Bị tăng lãi suất nhiều nhất rơi vào trường hợp cho vay tiêu dùng như vay vốn mua ôtô, mua nhà trả góp, mua sắm vật dụng gia đình... Thời điểm giải ngân cuối năm 2009 lãi suất phổ biến chỉ 12,75%/năm, nhưng thời điểm hiện tại lãi suất lên đến 17%/năm, cá biệt có NH cho vay đến 18%/năm.

Lãi suất tăng cao vượt dự trù tài chính ban đầu nên nhiều người vay vốn đành thu xếp trả nợ trước hạn do không kham nổi lãi suất.

Xem kỹ hợp đồng

Đầu năm 2009, lãi suất cho vay thường cố định trong thời gian dài, từ sáu tháng đến một năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2009, do đoán trước xu hướng lãi suất biến động nên nhiều NH đã thiết kế hợp đồng cho vay theo hướng có lợi cho mình.

Trước đây, NH Techcombank cố định lãi suất trong ba tháng đầu, từ tháng thứ tư, lãi suất sẽ thả nổi, mỗi tháng điều chỉnh một lần. Mức điều chỉnh thông thường là lấy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (lãnh lãi cuối kỳ) cộng với 4,8%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, NH này áp dụng lãi suất cho vay thả nổi ngay từ khi giải ngân, điều chỉnh hằng tháng, áp dụng với cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Nhiều NH như NH Đệ Nhất quy định NH có quyền thay đổi lãi suất khi có điều chỉnh và lãi suất mới có tác dụng ngay từ khi NH thông báo. Một số NH chỉ cố định lãi suất trong vài tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh hằng tháng.

Có NH cho khách hàng chọn lựa thời gian cố định lãi suất, dao động từ một đến tối đa sáu tháng. Tuy nhiên kỳ hạn thay đổi lãi suất càng dài thì lãi suất càng cao. Như NH ANZ, nếu người vay mua nhà chấp nhận lãi suất thay đổi hằng tháng thì lãi suất chỉ 15,64%/năm, nhưng nếu ba tháng thay đổi/lần thì lãi suất lên đến 16,81%/năm, sáu tháng mới thay đổi/lần lãi suất là 17,24%/năm.

Theo nhiều chuyên gia, khi rút ngắn thời gian cố định lãi suất tức là các NH đã dự báo tới đây mặt bằng lãi suất sẽ thay đổi, vì thế đã đẩy rủi ro này về phía người vay. Vì vậy, người vay cần phải tính toán và dự phòng khả năng chịu đựng nếu lãi suất tăng. Nên chọn các NH có thời hạn điều chỉnh lãi suất dài vì thực chất việc điều chỉnh lãi suất hằng tháng gần như thả nổi theo thị trường.

Có thực tế nhiều người vay vốn dài hạn chỉ quan tâm đến lãi suất ban đầu mà không biết rằng mức lãi suất đó không cố định. Từ đó, nhiều người vay đã chọn vay tại NH có mức lãi suất ban đầu thấp nhưng sau đó lãi suất bị điều chỉnh tăng liên tục, nên tưởng thấp hóa cao.

Các chuyên gia cho rằng trước khi vay, người vay nên thương lượng với NH thời hạn điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thu nhập của mình, đồng thời yêu cầu NH ghi rõ trong hợp đồng.

Người vay cũng nên tham khảo ở nhiều NH để chọn lãi suất phù hợp với điều kiện vay vốn và khả năng trả nợ.

Gửi tiền lãi suất thả nổi: con dao hai lưỡi

Cùng với áp dụng cho vay lãi suất thả nổi, nhiều NH cũng huy động theo lãi suất thả nổi. Gửi tiết kiệm theo các chương trình này lãi suất sẽ không cố định như gửi tiết kiệm thường mà sẽ thay đổi vào đầu mỗi kỳ lĩnh lãi.

Kỳ lĩnh lãi dài hay ngắn tùy theo chọn lựa của người gửi tiền. Hiện các NH đều thiết kế biểu lãi suất tiết kiệm theo chương trình thả nổi cao hơn 0,18-0,2%/năm so với lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn. Nếu duy trì tiền gửi đến cuối kỳ còn được cộng thêm lãi suất thưởng 0,36%/năm.

Tuy nhiên thực tế gửi tiền theo lãi suất thả nổi là “con dao hai lưỡi”. Người gửi tiền sẽ có lợi nếu lãi suất trong xu hướng tăng, ngược lại sẽ bị thiệt nếu lãi suất diễn biến theo chiều hướng giảm. Trong năm 2008 nhiều người gửi tiết kiệm theo chương trình lãi suất thả nổi đã “ngậm đắng nuốt cay” vì khi đáo hạn lãi suất thực nhận chỉ bằng một nửa so với lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm.

Hiện lãi suất huy động xoay quanh 11,5%/năm và khó có khả năng tăng tiếp. Do vậy người gửi tiết kiệm theo chương trình lãi suất thả nổi nên cân nhắc khi chọn kỳ hạn thay đổi lãi suất dài hơi để ít bị ảnh hưởng khi NH điều chỉnh lãi suất.

 

(Theo TPO)

Các tin khác

YBĐT - Đến nay, tổng dự nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ) đạt 78.3 tỷ đồng, trong đó nợ xấu trên tổng dự nợ là 3,8%; tỷ lệ cơ cấu theo ngành kinh tế đã bám sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm đầu tư phù hợp với cơ cấu, tỷ lệ ngành và từng thành phần kinh tế trên địa bàn như: nông, lâm nghiệp 7,4%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 3,5%; thương mại – dịch vụ 60,2%; các đối tượng khác 28,9%.

Bộ GTVT cho biết đã nhất trí với phương án 3 của Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ do Tổng cục ĐBVN soạn thảo. Theo đó, phí đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ sẽ được thu qua giá xăng đối với phương tiện sử dụng xăng và thu trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel tính theo tháng và theo chủng loại phương tiện.

YBĐT-Sáng ngày 9/5/2010, tại Công viên Yên Hoà, thành phố Yên Bái, Ban Thường trực UBMTTQ, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Yên Bái tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xe Cruze tiêu thụ được hơn 100 chiếc trong tháng 4/2010

Tất cả các dòng xe ô tô sản xuất trong nước tháng 4 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2009, VAMA cho biết. >>>Phí trước bạ ôtô lên mức cao nhất là 15% >>>Chết đứng vì nhập ôtô diện “thu hồi”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục