Trại cá giống Nghĩa Lộ: Tích cực nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
- Cập nhật: Thứ năm, 27/5/2010 | 2:49:43 PM
YBĐT - Trong những năm qua, Trại giống thuỷ sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, chuyển giao kiến thức KHKT, bảo tồn và sản xuất các loại cá quý hiếm, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu nghề cá trong nhân dân.
Cán bộ Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ kiểm tra chất lượng cá giống trước khi xuất bán.
|
Được thành lập từ năm 1966 với nhiệm vụ là ương nuôi các loại cá truyền thống. Trải qua khó khăn của thời kỳ bao cấp rồi hạch toán độc lập đã khiến hoạt động của Trại có lúc tưởng như ngừng trệ, nhất là giai đoạn từ 1995 - 2000 bởi thiếu vốn, trang thiết bị, hệ thống mương máng ao hồ... phục vụ cho ương nuôi và thử nghiệm thiếu.
Bên cạnh đó, dịch vụ cung cấp cá của các tư thương mở ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nhưng với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết của tập thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đơn vị đã dần vượt qua mọi khó khăn. Vừa làm vừa mày mò tìm tòi nghiên cứu, đồng thời cử đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Trại đi tập huấn, nâng cao nghiệp vụ tại Trung tâm Thuỷ sản trung ương và tại tỉnh Bắc Ninh để nâng cao hoạt động chuyên môn nghề cá. Cán bộ có trình độ, song để nghiên cứu các đề tài khoa học ứng dụng vào vào sản xuất con giống lại gặp phải khó khăn đó là, kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu khoa học không đảm bảo vì có những đề tài phải mất 3 năm mới hoàn thành, trong khi đó kinh phí của tỉnh cấp cho chỉ đủ trong vòng một năm.
"Chẳng hạn như Đề tài nuôi ba ba gai sinh sản, kinh phí Sở Khoa học và Công nghệ cấp 150 triệu, trong khi đó, để hoàn thành đề tài này phải mất 3 năm với tổng kinh phí là 700 triệu đồng. Dự án nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, mất 2 năm với tổng kinh phí 400 triệu đồng, trong khi kinh phí được cấp cũng chỉ khoảng 100 triệu đồng. Do vậy, đơn vị đã phải vừa nghiên cứu vừa vay mượn tiền để đầu tư cho đề tài hoàn thành, khi đề tài ứng dụng thành công sẽ hoàn trả vốn - ông Hoàng Ngọc Đại, Trưởng trại tâm sự.
Với phương châm “Sản xuất các loại con giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”, trong những năm qua, đội ngũ kỹ sư của Trại không ngừng tìm tòi nghiên cứu lai tạo các loại giống phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân. Đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của đơn vị là năm 2003, với Đề tài nuôi ba ba gai sinh sản đã được đơn vị nghiên cứu thành công.
Tiếp đó, năm 2005 là Đề tài nuôi cá anh vũ sinh sản; năm 2006 là Đề tài sản xuất giống cá chép lai; cá rô phi đơn tính, rô đơn tính lưu qua vụ đông năm 2007 và mô hình cá ruộng năm 2008, năm 2009. Đơn vị hiện đang nghiên cứu Để tài nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp và ốc. Mỗi năm đơn vị đều có 1 – 2 đề tài nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ đánh giá cao trong hoạt động của nghề cá. Từ thành công của những đề tài này đã góp phần không nhỏ trong việc sản xuất các loại con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân. Bình quân, mỗi năm đơn vị sản xuất 30 – 50 triệu con cá bột, 10 – 15 triệu con cá hương, 3 – 5 triệu con cá giống, bổ sung 4 tấn cá giống vào hồ Thác Bà.
Để khuyến khích phong trào nuôi cá trong nhân dân phát triển, đơn vị đã thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước về trợ giá, trợ cước, chuyển giao tiến bộ KHKT về nuôi trồng thuỷ sản cho nhân dân. Mỗi năm đơn vị trợ cước vận chuyển cho 35 xã thuộc 4 huyện thị phía tây với số tiền trên 100 triệu đồng, trợ giá giống mới 2 vạn con, trợ giá thuốc phòng bệnh 25 kg, tập huấn khuyến ngư 10 – 14 lớp, trình diễn 2 – 4 mô hình khuyến ngư. Phối hợp với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ hỗ trợ bằng cá giống để xây dựng mô hình nuôi cá vụ đông, cá chép lai V1; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nuôi trồng thuỷ sản cho 60 – 70 học viên.
Riêng trong năm 2009, đơn vị đã mở 4 lớp chuyển giao KHKT về nuôi trồng thuỷ sản cho 200 học viên của 4 huyện, thị phía tây; phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nuôi trồng thuỷ sản cho 120 học viên, trợ giá, trợ cước trên 82 triệu đồng cho nhân dân và cung cấp 1,8 triệu cá giống, trên 6 triệu cá hương cho 4 huyện thị phía tây; nhân rộng. phát triển mạnh mô hình cá lúa thâm canh trên diện tích 180 ha ở cánh đồng Mường Lò, các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) và các xã: Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn Lương, Tú Lệ (huyện Văn Chấn).
Từ những hoạt động đó, trong năm vừa qua, nhân dân trong vùng tìm đến với đơn vị ngày càng nhiều, phong trào nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân phát triển ngày càng mạnh. Tập quán nuôi cá quảng canh, tự phát đã chuyển sang nuôi thâm canh. Phong trào nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển rộng khắp trong các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ. Trong đó, mô hình chuyển ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá rô phi đơn tính của HTX An Hoà đã cho thu nhập 100 triệu/1 ha. Hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Huy, thôn Ao Luông, xã Sơn A (Văn Chấn) với mô hình cá lúa đã cho thu nhập 60 triệu đồng/năm/2ha ruộng...
Thanh Tân
Các tin khác
Không quá đắt như ở miền Trung và miền Nam, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phía bắc đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư bởi giá hợp lý, dự án phong phú.
Sáng nay 27/5, Triển lãm quốc tế về điện hạt nhân lần thứ 4 - năm 2010 đã được khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị. Triển lãm năm nay được tổ chức với chủ đề “Hướng tới dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.
YBĐT - Nằm cách trung tâm xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) chừng 10 km, thôn Ao ếch có 69 hộ, 394 nhân khẩu với 4 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 90% còn lại là các dân tộc: Dao, Tày, Kinh.
YBĐT - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng phát động là một cuộc vận động quy mô lớn, mang ý nghĩa xã hội và lợi ích kinh tế sâu rộng.