Giá điện cho người thuê nhà: Vẫn ở mức cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 2:50:02 PM

YBĐT - Từ trước tới nay, người đi thuê nhà, phần lớn là học sinh, sinh viên và những người có mức thu nhập trung bình và thấp, vẫn phải chấp nhận một giá điện rất vô lý, thường cao gấp nhiều lần so với giá bán điện sinh hoạt của Nhà nước.

Lý do đơn giản được các chủ nhà đưa ra là tất cả người thuê nhà và chủ nhà chỉ có một công tơ điện nên khi tiền điện sinh hoạt theo giá bậc thang, người thuê nhà nghiễm nhiên phải là những người phải chịu mua điện theo giá cao. Trước khi chính thức bán điện theo giá mới vào ngày 1/3 (tăng thêm 6,8% nhưng giữ nguyên giá bán 50Kwh đầu để hỗ trợ người nghèo), ngày 24/2, Bộ Công thương đã có Thông tư số 08/2010/TT – BTC quy định về giá bán điện năm 2010 và hướng dẫn thực hiện, trong đó có quy định về giá bán điện cho người thuê nhà nhưng nhiều nơi người thuê nhà vẫn phải trả tiền điện với giá cao, thậm chí tăng giá “đón đầu” việc tăng giá điện của Chính phủ.

Ngày 15/3, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 11/CT – BTC về kiểm tra giám sát việc bán lẻ điện năm 2010 tại các địa điểm cho thuê nhà để ở. Theo tinh thần của Thông tư và Chỉ thị nêu trên, nếu người thuê nhà có giấy đăng ký tạm trú tạm vắng và hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên sẽ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Cụ thể, đơn vị bán lẻ điện sẽ căn cứ vào giấy tạm trú để tính cứ 4 người được tính 1 hộ sử dụng điện, 1 người được tính 1/4 định mức, 2 người được tính 2/4 định mức, 3 người tính 3/4 định mức. Như vậy, người thuê nhà sẽ không phải mua điện sinh hoạt với mức giá còn cao hơn cả giá bán lẻ điện cho hộ kinh doanh.

Nhưng tình hình thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Thành phố Yên Bái, với vị trí là trung tâm kinh tế - văn hoá - chính trị của tỉnh, đã và đang có ngày càng nhiều người thuê nhà hơn do có thêm nhiều trường đào tạo nghề, trung cấp và cao đẳng được mở ra trong thời gian qua, đồng thời có thêm nhiều người lao động từ các huyện tới làm việc. Chính sách của Nhà nước đã rõ ràng nhưng đến nay đã hơn hai tháng kể từ ngày ban hành chính sách, Chi nhánh Điện thành phố Yên Bái vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị nào từ phía chủ nhà và người thuê nhà.

Còn người thuê nhà vẫn “chấp nhận” trả tiền điện với giá trung bình từ 2.000 – 2.500 đồng/Kwh như một sự thật hiển nhiên. Lý do để người thuê nhà đang từ chối nhận quyền lợi của chính mình do thiếu thông tin. Chị Lý Thị Xuân – sinh viên trường Trung cấp Nông lâm tỉnh Yên Bái hiện đang ở trọ tại tổ 38, phường Yên Thịnh rất ngạc nhiên khi được hỏi có biết rằng mình có thể được mua điện với giá chuẩn: “Hiện nay, tôi đang trả tiền điện với giá 2.000 đồng/Kwh. Do ít xem ti vi và sách báo nên tôi chưa từng nghe tới việc người thuê nhà được mua điện với giá như vậy. Tuy dùng ít nhưng lâu nay tôi vẫn trả 2.000 – 2.500 đồng/Kwh và cũng chưa từng thắc mắc với chủ nhà vì ở đâu cũng thế”.

Còn Lê Thị Lan Anh hiện đang theo học tại Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc cho biết: “Hiện nay, tôi đang trả tiền điện với giá 2.500 đồng/Kwh. Một tháng trung bình tôi dùng khoảng 20 Kwh và trả cho chủ nhà 50.000 đồng. Tôi cũng đã nghe về chủ trương này nhưng chưa biết đến đâu để hỏi thêm”. Rõ ràng người thuê nhà vẫn đang bị “móc túi”, số tiền đó có thể chỉ là vài chục nghìn đến khoảng một trăm nghìn mỗi tháng nhưng lại có ý nghĩa đối với những người thu nhập thấp. Không chỉ thiếu thông tin mà người thuê nhà còn thiếu những giấy tờ cần thiết để có thể được mua điện với giá chuẩn là giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà. Nhiều người đi thuê nhà hiện nay không có hợp đồng thuê hoặc có nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương bởi hoạt động thuê nhà lâu nay vẫn được thả nổi theo kiểu “vừa lòng thì ở, không vừa lòng thì thôi”.

Chính những nguyên nhân trên đã khiến cho người thuê nhà đã và đang thiệt thòi trong việc được hưởng chính sách dành cho mình. Điện lực thành phố Yên Bái cũng cho biết: trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra về việc mua bán điện tại các hộ cho thuê nhà. Nhưng để đảm bảo những quyền lợi chính đáng và thiết thực của bản thân, những người thuê nhà cần phải có giấy tờ đầy đủ vừa để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý vừa đảm bảo lợi ích cho chính mình.

Hồng Khanh

Các tin khác

Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương thống nhất giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 từ 10% xuống 0% để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tre măng Bát Độ đang là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Q.T)

YBĐT - Mô hình kinh tế trang trại ở Trấn Yên (Yên Bái) chủ yếu là trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp, các trang trại sản xuất nông nghiệp rất ít, đặc biệt là các trang trại về chăn nuôi. Việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho Trấn Yên từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mở rộng được các cơ sở chế biến gỗ, tạo được nhiều việc làm cho lao động là người địa phương.

Ngày 2/6, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) tổ chức Lễ chào mừng sự kiện Sản xuất tấm thép đóng tàu khổ rộng đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh của ngành đóng tàu Việt Nam.

Từ hôm nay (1-6), các công ty kinh doanh gas đồng loạt giảm 13.000đ/bình 12kg. Nguyên nhân do giá gas thế giới giảm 50 USD/tấn so với tháng trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục