Buồn lắm, nhãn ơi!

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/6/2010 | 2:45:56 PM

YBĐT - Lại một mùa nhãn sắp về, nhưng đã mấy năm nay rồi, người trồng nhãn ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không còn vui mừng, không còn háo hức chờ mong những mùa nhãn bội thu như trước nữa....

Nhãn đang bị chặt bỏ tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn).
Nhãn đang bị chặt bỏ tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn).

Có lẽ nhiều người chưa thể quên cảnh tấp nập kẻ mua người bán, nhộn nhịp khi mùa nhãn đến ở vùng nhãn diện tích trồng tập trung lên tới 130 ha cho thu hoạch trên 700 tấn quả mỗi năm. Nhãn đã trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của vùng đất này.

Chỉ từ một số ít trồng quanh nhà để lấy bóng mát (chừng vài ha) đã trở thành phong trào, “người người trồng nhãn, nhà nhà trồng nhãn” ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Diện tích tăng lên nhanh chóng từ 70 ha năm 2000 lên 130 ha năm 2004. Nhãn mang lại cuộc sống no đủ và sung túc cho nhiều gia đình nơi đây. Chỉ sau một mùa nhãn, nhà ít cũng có 20 – 30 triệu đồng, nhà nhiều thì 40 – 50 triệu đồng. Những ngôi nhà xây khang trang, những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cũng đều từ nhãn mà có.

Đảng uỷ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ từng đưa thành nghị quyết phấn đấu xây dựng nơi đây thành vùng nhãn trọng điểm, tăng thêm diện tích lên 100 ha mỗi năm và phát triển thành vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến sẽ được xây dựng trong tương lai không xa. Nhưng với tình hình như hiện nay thì có lẽ nhà máy chế biến nhãn thành các sản phẩm có giá trị hơn mà người ta từng mơ tới ấy sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực! Bởi một lẽ giản đơn, vùng nguyên liệu không còn biết lấy gì để cung cấp cho nhà máy.

Sắp vào vụ nhãn nhưng giờ đây thay vào cảnh nhãn được người dân chăm bón như xưa lại là cảnh nhãn lớn, nhãn nhỏ đang bị chặt hạ hàng ngày. Cây nhỏ thì dùng làm củi, cây lớn thì bán gỗ với giá 200 – 300.000 đồng/m3.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Ngọc Long – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Đã năm, sáu năm nay nhãn không cho quả. Nguyên nhân của việc nhãn không cho thu hoạch có thể do thời tiết thay đổi và một số giống nhãn bị thoái hoá. Năm nay, nhãn càng ít quả vì hạn hán kéo dài nhiều tháng rồi. Nhiều diện tích nhãn trước kia do trồng ồ ạt, người ta không chiết cành mà trồng luôn bằng hạt nên nhãn chỉ cho quả vài năm rồi không có quả nữa. Không mang lại hiệu quả như trước người dân cũng không đầu tư chăm sóc”. Người nông dân vốn chỉ biết trông chờ vào thu hoạch các loại cây trái nên khi cây trồng đó không mang lại hiệu quả người ta nhanh chóng chặt bỏ và chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Diện tích nhãn của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ giảm nhanh chóng từ 130 ha đến nay chỉ còn chừng 30 ha, sản lượng xấp xỉ 100 tấn. Chè, na, đào và các loại cây trồng khác đang dần thay thế màu xanh trước kia của nhãn.

Gia đình ông Dương Văn Hiệp, ở tổ 6A trồng khoảng 250 cây vào những năm 1995, nhưng tới nay, chỉ còn lại chừng 60 cây. Ông nhớ lại những ngày chưa xa: “Năm 2000, gia đình tôi bán được 40 triệu đồng tiền nhãn. Số tiền đó ngày ấy đủ để tôi làm được ngôi nhà. Tôi nghĩ, nếu mùa nào cũng như vậy, chẳng mấy mà gia đình tôi khá giả. Bây giờ đến mùa nhãn vẫn ra hoa, nở trắng cây nhưng lại không đậu quả. Mấy năm rồi, vườn nhãn này không cho thu hoạch. Người ta đang trả tôi cây nhãn 15 năm tuổi giá 600.000 đồng. Nhưng tôi tiếc chưa bán”.

Với 30 ha nhãn hiện tại, đa phần đều là những giống nhãn ngon, quả to và dày cùi, được người dân lưỡng lự chưa chặt vì xót công chăm bón bao năm và vì niềm hy vọng biết đâu rồi nhãn lại cho những mùa bội thu. Năm vừa qua, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật đã tiến hành xây dựng mô hình cải tạo nhãn bằng phương pháp ghép trên một số cây nhãn và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho người dân. Tuy đang trong thời gian thử nghiệm, nhưng mô hình mang lại cho người dân nơi đây hy vọng sẽ cứu được diện tích nhãn còn lại.

Nhãn chỉ là một trong nhiều loại cây trồng đang rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt”, “chặt – trồng” kết thúc? Cây nhãn đang cần có sự giúp đỡ của các nhà khoa học để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục để không còn những mùa nhãn buồn ở thị trấn nông trường Nghĩa Lộ.

Hồng Khanh

Các tin khác

Thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn ra khá trầm lắng. Sau khi điều chỉnh tăng nhẹ vào đầu ngày, đến trưa nay (3.6), giá vàng trong nước vẫn đứng yên.

YBĐT - Trước đây cũng đã có dự án quy hoạch và phát triển vùng rau an toàn trên địa bàn xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng, song trong quá trình triển khai đã không đạt hiệu quả như mong muốn bởi đầu tư cơ cở hạ tầng, mức hỗ trợ cho nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu thấp, sản xuất không tuân thủ theo đúng quy trình. Dự án rau sanh đã chết yểu và người trồng rau ở Tuy Lộc lại trở về với việc sản xuất rau theo kiểu truyền thống.

YBĐT - Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, tháng 5/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước.

Chiến sĩ Đội công tác Tà Ghênh cùng Trưởng bản tuyên truyền, vận động bà con sử dụng tiết kiệm điện.
Cọn nước ở vùng cao.

YBĐT - Điện về Tà Ghênh coi như sự lạ nhưng điện về bà con bảo nhau đi mua sắm máy khâu, ti vi, máy xát gạo thì lại là chuyện thường. Do nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều nên mức độ tiêu thụ ở đây cũng ít. Mặc dù vậy nhưng không ai có tiền sẵn, vì vậy phải bán cân ngô, cân sắn để trả tiền điện là điều dĩ nhiên. Dùng điện mà phải bán lương thực chắc chắn sẽ có lúc đói. Thế mới dẫn đến câu chuyện sau đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục