Mù Cang Chải: Ì ạch phát triển chăn nuôi đại gia súc

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/6/2010 | 2:50:32 PM

YBĐT - Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), đến hết tháng 4 năm 2010, toàn huyện có 15.646 con trâu, bò. Số lượng này duy trì và ổn định, không có tăng trưởng từ năm 2005 đến nay (năm 2005 có 15.300 con).

Đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải đã biết dự trữ rơm rạ để chủ động thức ăn nuôi trâu bò. (Ảnh: Quang Tuấn)
Đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải đã biết dự trữ rơm rạ để chủ động thức ăn nuôi trâu bò. (Ảnh: Quang Tuấn)

Do đâu mà một địa phương được các ngành chuyên môn xác định có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc lại gần như không có tăng trưởng? Nghị quyết về phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2005 - 2008 ở Mù Cang Chải đã kết thúc được 2 năm. Thế nhưng, kết quả thu được còn rất khiêm tốn, chưa tạo ra phong trào chăn nuôi mạnh mẽ.

Trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, ở Mù Cang Chải đã từng có những hợp tác xã chăn nuôi với hàng trăm con gia súc. Cụ thể, tại bãi Phình Hồ, bản Háng Tày, xã Chế Tạo, HTX Chế tạo đã chăn nuôi hàng trăm con gia súc rất thành công. Tuy nhiên, sau năm 1993, vùng đồng cỏ rộng gần 10 ha này được kiến nghị trồng rừng phòng hộ, không còn bãi chăn thả, HTX cũng tan rã. Còn bây giờ, những người có nhiều gia súc thì không thể tìm lấy được một bãi cỏ đủ để chăn thả ít nhất 10 con.

Chúng tôi đến xã Khao Mang trong những ngày cuối tháng 5, thời điểm này người dân đang tất bật chuẩn bị cho vụ mùa. Cũng chính vì thế, trâu, bò mới được các hộ dân tìm về để cày kéo.

Ông Vàng A Sàng - người có đàn bò nhiều nhất xã Khao Mang cho biết: “Hiện nay, ở huyện không có bãi chăn thả gia súc nên, muốn nuôi nhiều rất khó. Ông Sàng có gần 30 con trâu, bò nhưng ở xã và các vùng xung quanh không có bãi chăn thả nào đáp ứng được và ông phải đem sang tận huyện Than Uyên (Lai Châu) để chăn thả, thi thoảng lại sang xem nom. Còn đối với những hộ có một vài con thì sau ngày mùa lại đuổi cả lên rừng”.

Anh Cứ A Rùa, ở xã Lao Chải cho biết: “Nếu làm chuồng nuôi  theo phương pháp bán công nghiệp thì không đủ cỏ cho ăn, hơn nữa không có người đi cắt cỏ, tốt nhất là thả vào rừng. Bao năm nay mình vẫn chăn nuôi thế có sao đâu”. Tập quán thả rông gia súc của người dân đã có từ lâu đời. Những năm gần đây, nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ,  số ít người dân đã thay đổi nhận thức, nhưng về cơ bản sự thay đổi đó không đáng kể. Do vậy, có thể lý giải tại sao nhiều năm nay đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ chăn nuôi đầu tư vào Mù Cang Chải nhưng hiệu quả không cao.

Bên cạnh những yếu tố chủ quan thì những yếu tố về tự nhiên cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải. Đợt rét đậm rét hại kéo dài 41 ngày năm 2008 đã làm chết trên 1.500 con gia súc, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Đến nay, ngành chăn nuôi chưa thể phục hồi, nhiều hộ không có trâu, bò cày kéo. Thời tiết ở Mù Cang Chải vô cùng khắc nghiệt. Mùa đông thường kéo dài đến 6 tháng, nhiệt độ xuống thấp trong khi gia súc lại thả rông trong rừng nên gia súc khó tránh khỏi chết rét.

Ông Trần Mạnh Toàn - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: “Sau đợt rét năm 2008, người dân đã nhận ra nhiều vấn đề. Trước kia không dự trữ thức ăn mùa đông cho gia súc thì 2 năm nay họ đã biết làm cây rơm hoặc thu rơm rạ dự trữ để trong lán”.

Sở dĩ ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng của huyện phát triển ì ạch vì bên cạnh những lý do từ tập quán của người dân thì nguồn lực cho phát triển chăn nuôi rất thiếu bởi một phần do ngân sách huyện không có. Trong khi các chính sách hỗ trợ của tỉnh nhiều năm qua người dân vùng cao chưa thể tiếp cận. Những chính sách như: hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp (năm 2005); chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định 09/2008... người dân ở Mù Cang Chải không ai đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách trên.

Đơn cử như việc hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi bò quy mô trên 50 con được hỗ trợ 30 triệu; hỗ trợ trang trại lợn thịt trên 100 con là 30 triệu theo Quyết định 09/2008... những tiêu chí đưa ra của chính sách này, người dân ở huyện không thể tiếp cận. Hộ điển hình nhất của huyện cũng chỉ có thể chăn nuôi được 20 con lợn/ lứa.

Đảng bộ huyện xác định, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá là thế mạnh của huyện và cũng là một giải pháp quan trọng để xoá nghèo bền vững, là một hướng đi tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Điều đó được cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng tới 2015. Sau 2 năm thực hiện đã góp phần hình thành nên các mô hình chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế hộ, từng bước hình thành thói quen làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn.

Bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên về chăn nuôi đại gia súc, tiến tới thay đổi tập quán thả rông gia súc của nhân dân. Tuy nhiên, nghị quyết của huyện vẫn chưa khơi dậy được nội lực của người dân. Người dân chưa có ý thức đầu tư vốn, nhân lực để phát triển chăn nuôi, trong khi đây mới là yếu tố cần thiết để tạo sức bật cho phát triển chăn nuôi và xoá nghèo bền vững.

Có những địa phương như tỉnh Hà Giang, điều kiện tự nhiên còn khắc nghiệt hơn nhiều lần so với Mù Cang Chải, tuy nhiên chăn nuôi đại gia súc lại rất phát triển, đặc biệt ở Khau Vai, (huyện Mèo Vạc) đã hình thành nên một chợ gia súc. Tại đây, người dân các xã, lái buôn các huyện đổ về mua bán trao đổi tạo nên một thị trường sôi động thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Nhìn lại quá trình phát triển chăn nuôi ở Mù Cang Chải có thể nhận thấy, người dân chưa quen với nền kinh tế thị trường, chưa coi gia súc như một sản phẩm hàng hoá mà chỉ dùng làm sức kéo. Năm 2009, Trạm Thú y huyện Mù Cang Chải chỉ kiểm dịch giết mổ được 14 con gia súc (trâu, bò).

Quan tâm đến phát triển chăn nuôi nhưng lại chưa quan tâm đến thị trường, đây là hạn chế cần sớm khắc phục để chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải phát triển xứng với tiềm năng của mình.

Anh Dũng

Các tin khác
Nhãn đang bị chặt bỏ tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn).

YBĐT - Lại một mùa nhãn sắp về, nhưng đã mấy năm nay rồi, người trồng nhãn ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không còn vui mừng, không còn háo hức chờ mong những mùa nhãn bội thu như trước nữa....

Thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn ra khá trầm lắng. Sau khi điều chỉnh tăng nhẹ vào đầu ngày, đến trưa nay (3.6), giá vàng trong nước vẫn đứng yên.

YBĐT - Trước đây cũng đã có dự án quy hoạch và phát triển vùng rau an toàn trên địa bàn xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng, song trong quá trình triển khai đã không đạt hiệu quả như mong muốn bởi đầu tư cơ cở hạ tầng, mức hỗ trợ cho nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu thấp, sản xuất không tuân thủ theo đúng quy trình. Dự án rau sanh đã chết yểu và người trồng rau ở Tuy Lộc lại trở về với việc sản xuất rau theo kiểu truyền thống.

YBĐT - Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, tháng 5/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục