Chè già đau tay người hái
- Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2010 | 9:16:21 AM
YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất trong tỉnh Yên Bái với 4.330,8 ha, trong đó gần 4.000 ha chè kinh doanh, tập trung nhiều nhất là 8 xã vùng ngoài và 3 thị trấn của huyện. Hàng năm, doanh thu từ chè đạt từ 150 đến 170 tỷ đồng.
Thu Hoạch chè ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn).
|
Được đánh giá là cây trồng thế mạnh trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, song hiện nay hầu hết diện tích chè đã già cỗi, đầu tư không hiệu quả, năng suất và sản lượng thấp, sản phẩm chè không đủ sức cạnh tranh... Trong đó, nạn “chè vàng”, “chè liềm”, giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, hạn hán, khí hậu thời tiết khắc nghiệt đã khiến cuộc sống người làm chè vẫn gặp không ít khó khăn.
Xã Sơn Thịnh có 180 ha chè, trong đó 154 ha chè kinh doanh với 800 hộ chủ yếu sống bằng cây chè. Tuy nhiên theo đánh giá thì chỉ 1/3 trong số đó có mức sống khá, còn chưa ai giàu. Ông Lò Văn Chềm – Chủ tịch UBND xã cho biết: Do cây chè trồng từ những năm 1971 đến nay hầu hết là giống chè trung du của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ trước kia nên năng suất, sản lượng thấp dần qua các năm.
Hơn nữa, mấy năm nay thời tiết khắc nghiệt nên diện tích chè chết do khô hạn cũng tương đối nhiều. Địa phương đã lên kế hoạch cải tạo giống chè cũ song người dân thiếu vốn nên mỗi năm xã chỉ cải tạo được 5 - 6 ha. Chính bởi vậy, nếu những năm trước năng suất khoảng 10- 12 tấn/ha/năm thì nay cao lắm cũng chỉ còn 8 tấn/ha/năm.
Với giá bình quân từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, mỗi năm 1 ha chè thu về 24 triệu đồng, trừ chi phí mất một nửa, thực tế mỗi hộ làm chè chỉ thu được 12 triệu đồng/ha/năm. Nếu gia đình đông nhân lực không phải thuê mướn nhiều thì với diện tích khoảng 3 - 4 ha thì mỗi năm cũng thu về trên dưới 50 triệu đồng.
Tuy nhiên những hộ có diện tích lớn chỉ chiếm khoảng vài chục, còn hầu hết khoảng vài nghìn mét vuông, nếu trông vào cây chè chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Do vậy, chủ yếu số hộ làm chè trong xã là công nhân thuộc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ do chưa đủ năm công tác để nghỉ hưu thì họ còn bám trụ để sau lấy chế độ, còn lớp trẻ hiện nay thì hầu như không mấy thiết tha. Đã có khá nhiều hộ dân trong xã hàng chục năm gắn bó với cây chè cũng đã bán hoặc sang nhượng lại để chuyển nghề khác.
Thác Hoa 3, một trong những thôn có diện tích chè lớn nhất xã Sơn Thịnh, với gần 70 ha chè kinh doanh. Nhìn cả một nương chè cháy đen vì hạn hán, Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh Lò Văn Chềm cho hay: Nếu những năm trước đây, thời tiết thuận lợi thì những diện tích chè này thường bội thu. Vào thời điểm này năm trước người dân phải thu hái ít nhất được 3 lứa nhưng năm nay mới chỉ 1 lứa. Chi phí quá cao nên qua khảo sát hầu như người làm chè không có lãi.
Được đánh giá là một trong những hộ làm chè giỏi nhất cũng là hộ làm lâu nhất của thôn Thác Hoa 3, gia đình bà Hoàng Thị Hường đã gần 20 năm gắn bó với cây chè. Là công nhân của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ với 3 ha chè, bình quân mỗi năm thu nhập trừ chi phí gia đình bà cũng chỉ thu về 60 triệu đồng. Mấy năm trở lại đây do giá vật tư, phân bón tăng cao nên đầu tư không có lãi. Năm 2009, gia đình bà đã quyết định bán bớt đi 2 ha để dồn tiền chuyển ra mặt đường làm thêm dịch vụ.
Chỉ vào ngôi nhà sắp hoàn thành trị giá gần 300 triệu đồng, bà Hường cho biết: "Tiền xây nhà chủ yếu là vay mượn cộng với tích cóp từ buôn bán và làm dịch vụ. 60 triệu một năm nghe thì lớn nhưng đem chia cho 12 tháng với 4 nhân khẩu, trong khi chè chỉ thu hái được 9 tháng, còn 3 tháng không có chè biết lấy gì mà sống. Tất cả trăm thứ đều trông vào chè, nếu không có ngành nghề phụ để kiếm thêm thu nhập, để xây được ngôi nhà như thế này hơn chục năm nữa chưa chắc gia đình tôi đã làm nổi".
Bà Vũ Thị Hoan, thôn Thác Hoa 3 cũng là công nhân Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ hiện đã nghỉ hưu. Chồng mất sớm, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau, hơn 20 năm gắn bó với cây chè song đến tận lúc về hưu, vay mượn cộng với tiền tích cóp sau bao năm làm chè, bà mới mua được căn hộ tập thể hoá giá trị giá gần 100 triệu đồng.
Với đồng lương hưu chưa đầy 2 triệu đồng/tháng trong khi đứa con đang tuổi ăn học nên hiện tại bà vẫn làm 1,7 ha chè. Toàn bộ diện tích chè đã già cỗi, năng suất thấp, hầu hết là giống chè trung du. Hiện tại gia đình bà đang rất thiếu vốn để đầu tư cải tạo toàn bộ bằng giống mới, song hiện nay nếu theo cơ chế của tỉnh, của huyện thì chỉ được khoảng 10 triệu đồng trong khi đó để đầu tư đúng bài bản phải mất 30 triệu.
Trồng mới phải mất 3 năm cây chè mới cho thu hái. Trong 3 năm đó lấy gì để sống. Chú thấy đấy, dân làm chè chúng tôi vất vả lắm, cũng vì gắn bó với cây chè chứ nếu có nghề khác tôi đã bán chè đi từ lâu rồi” – bà Hoan tâm sự.
Thị trấn Nông trường Liên Sơn, một trong những địa phương có diện tích chè tương đối lớn, với 246 ha chè kinh doanh và 600 hộ trồng chè. Diện tích chủ yếu là của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, trồng từ những năm 70 của thập kỷ trước, đã có “tuổi thọ” gần 40 năm! Hiện Công ty mới chỉ cải tạo được 1/3 diện tích bằng giống mới.
Cũng lâm vào tình cảnh chung của niên vụ 2010, từ đầu năm đến nay, Công ty mới chỉ thu hái được một lứa vào đầu tháng 3 là 130 tấn, bằng 45% kế hoạch giao, hiện tại chè đang khô hạn không có búp, máy móc ngừng hoạt động, công nhân nhà máy chờ chè còn người làm chè thì đi tìm công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Ông Phạm Văn Tú – Phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: Trước thực trạng hiện nay, Công ty rất muốn cải tạo toàn bộ diện tích chè cũ bằng giống LDP, đầu tư thêm phân bón cho nhân dân để nâng cao năng suất, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn. Theo Đề án phát triển chè của tỉnh thì mức hỗ trợ để nhân dân phá bỏ và trồng mới cho 1 ha là 8 triệu đồng trong khi thực tế để cải tạo phải mất 30 triệu đồng. Không có vốn mỗi năm Công ty chỉ cải tạo được 5 ha, còn diện tích chè cũ vẫn vận động nhân dân tiếp tục chăm bón để thu hái.
Gia đình anh Hoàng Văn Trường, đội 3; chị Nguyễn Thị Bình, đội 2 từng nổi tiếng là người làm chè giỏi, với diện tích hơn 1 ha chè kinh doanh, có những năm các hộ này thu nhập tới 30 triệu mỗi năm là chuyện bình thường, song vài năm trở lại đây họ cũng đang lúng túng. Đã có khá nhiều hộ dân trong xã nhượng bán lại diện tích chè của gia đình để đi tìm việc khác với mức thu nhập cao hơn. Chính bởi vậy mà trong tổng số 600 hộ dân làm chè chỉ khoảng 1/3 có mức sống khá.
Để tháo gỡ khó khăn cho người làm chè, huyện Văn Chấn đã giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên kế hoạch hỗ trợ người dân cải tạo giống chè với mức hỗ trợ cụ thể là 3 triệu đồng/ha cho tiền công phá bỏ và 5 triệu đồng/ha cấp bằng con giống, chỉ đạo Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn tiến hành ươm giống chè để cung cấp cho nhân dân. Tính riêng số tiền hỗ trợ cho việc phá bỏ và trồng mới năm 2009 là gần 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên mọi nỗ lực ấy vẫn chỉ như muối bỏ bể. Bởi một thực tế là có nơi làm lấy phong trào, lấy diện tích. Điều đó được chứng minh là đến nay sản lượng búp không đủ đáp ứng cho chế biến, người làm chè vẫn chưa thực sự sống được bằng nghề chè và giấc mơ làm giàu từ cây chè của người nông dân vẫn chỉ ở đâu đó xa lắc!
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, từ chính sách giao đất giao rừng cùng với các khoản hỗ trợ như: giống, phân bón, công tác trồng rừng ở Trạm Tấu (Yên Bái) được đẩy mạnh, nhiều người trồng rừng đã có khoản thu nhập từ việc bảo vệ và chăm sóc phát triển rừng.
YBĐT - Gần nửa chặng đường của năm kế hoạch 2010 đã kết thúc nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái đạt thấp và đang có chiều hướng giảm dần. Giá trị sản xuất tháng 5/2010 ước đạt 204,4 tỷ đồng, luỹ kế ước đạt 931 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch năm...
Bộ Công thương đã phê duyệt danh sách 228 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của năm 2009.
Bộ Thông tin - Truyền thông vừa xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức các NXB và lộ trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005.