Mỏ Vàng: Đi lên từ "vàng của đất"
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/6/2010 | 9:03:52 AM
YBĐT - Trước kia, khi chưa mở đường Mỏ Vàng - An Lương, nhiều người không khỏi ngại ngần khi đến nơi đèo heo hút gió này. Bây giờ thì giữa địa phương với thị trấn Mậu A và các xã phía ngoài của huyện Văn Yên cũng như một số xã của huyện Văn Chấn không còn là xa lạ. Nông lâm sản nhờ giao thông thuận lợi đã bán được giá và những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng nhiều lên.
Đồng bào Dao xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) thu hoạch quế. (
Ảnh: Sùng A Hồng)
|
Nằm ven suối Thia, cái tên Mỏ Vàng của huyện Văn Yên nghe đến là giàu. Nhưng thực tế, xã vùng ba này còn lắm khó khăn, có đến 40% số hộ nghèo. Tại kỳ họp lần thứ 14, Hội đồng nhân dân xã khóa XV đã đề ra mục tiêu năm 2010 là: khai thác triệt để mọi tiềm năng, huy động tối đa nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm đưa kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục động viên nhân dân mở rộng sản xuất, nhân rộng các mô hình kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; chú trọng nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để thực hiện thành công mục tiêu này, các đại biểu HĐND xã đã biểu quyết thông qua 34 chỉ tiêu với 14 nhóm giải pháp lớn. Nghị quyết được triển khai đến tất cả các cử tri để biết, bàn bạc và thực hiện. Thường trực HĐND xã tăng cường giám sát, thông qua tiếp xúc cử tri kịp thời giải quyết những kiến nghị để thúc đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đối với kinh tế có 15 chỉ tiêu, trong đó quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nông - lâm nghiệp chiếm 85%; công nghiệp -xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng và lương thực 230 kg/người/năm. Là địa phương diện tích cấy lúa nước ít, hằng năm vẫn phải sử dụng nguồn vốn từ các Chương trình 134, 135 để khai hoang nên kế hoạch đặt ra gieo cấy 2 vụ là 110 ha và năng suất đạt 47 tạ/ha.
Vụ xuân này, mặc dù thời tiết khắc nghiệt song các hộ dân ở thôn Giàn Dầu, Khe Lóng, Khe Sung, Đá Đứng… đã tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cán bộ khuyến nông thực hiện gieo trồng đúng khung thời vụ và chăm sóc đầy đủ nên lúa khá tốt. Phát huy thắng lợi của những năm trước, diện tích các loại cây lương thực khác cũng được duy trì với lúa nương mộ 150 ha, năng suất đạt 11 tạ/ha; ngô 70 ha, năng suất đạt 26 tạ/ha. Gần đây, cây sắn đã được nhân dân đưa vào trồng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể nên năm 2009 đạt 135 ha, vượt 15 ha so với kế hoạch. Năm nay, xã vẫn đặt kế hoạch trồng 120 ha và đến bây giờ, diện tích này đã hoàn thành.
Về kinh tế đồi rừng, đây là thế mạnh của Mỏ Vàng và nhiều hộ dân cũng giàu lên từ đó. Cùng với duy trì bảo vệ tốt 4.530 ha rừng phòng hộ, địa phương tích cực vận động nhân dân trồng xoan, bồ đề và nhất là cây quế vừa để khai thác vỏ vừa lấy gỗ. Riêng cây quế vốn là ưu thế của xã, cả diện tích cũ và mới trồng có trên 1.000 ha. Từ ngày quế trở thành hàng hóa trên thị trường thì vỏ quế, gỗ quế, lá quế đều bán được. Hơn 80% thu nhập của dân Mỏ Vàng đều trông vào cây quế. Nhiều gia đình xây được nhà, mua vật dụng sinh hoạt, nuôi con ăn học cũng từ loại cây này. Năm 2010, địa phương đặt ra mức khai thác quế vỏ xuất khẩu là 560 tấn và trồng mới diện tích 90 ha.
Để giữ vững, nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu này sẽ khoanh nuôi bảo vệ nguồn gen quế tại thôn Thác Cá để lấy hạt đồng thời làm du lịch sinh thái. Bên cạnh đầu tư chiều sâu cho thâm canh trồng trọt, chăn nuôi ở Mỏ Vàng cũng được coi là ngành sản xuất quan trọng nhằm phát triển kinh tế hàng hóa. Kế hoạch sẽ phát triển đàn trâu 905 con, đàn bò 160 con và 2.800 đầu lợn cùng 12.000 con gia cầm. Với phương châm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm, xã đã đặc biệt quan tâm tới việc tiêm phòng dịch bệnh, vận động các gia đình vệ sinh chuồng trại nên tổng đàn có bước tăng trưởng khá.
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, con suối Thia chạy suốt chiều dài của xã, địa hình rừng núi nhấp nhô. Trước kia, khi chưa mở đường Mỏ Vàng - An Lương, nhiều người không khỏi ngại ngần khi đến nơi đèo heo hút gió này. Bây giờ thì giữa địa phương với thị trấn Mậu A và các xã phía ngoài của huyện Văn Yên cũng như một số xã của huyện Văn Chấn không còn là xa lạ. Nông lâm sản nhờ giao thông thuận lợi đã bán được giá và những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng nhiều lên. Một số nhà đầu tư tỉnh ngoài đã đến khảo sát để xây dựng công trình thủy điện Khe Hóp trên dòng Thia và đầu tư cho việc trồng rừng.
Các dự án giảm nghèo WB, Chương trình 134, 135 đã đầu tư nhiều công trình nước sạch và thủy lợi nhỏ ở các thôn, bản; xã cũng huy động sức dân làm giao thông để 100% thôn, bản có đường đến trung tâm với chuẩn đường cấp B miền núi; xây nhà lớp học, nhà văn hóa… Và điều quan trọng nữa là phấn đấu giảm 70 hộ nghèo trên tổng số 308 hộ nghèo toàn xã; bảo đảm 100% lao động có việc làm. Khó khăn nhiều song xã sẽ tiếp tục sắp xếp lại dân cư, nhất là ở 2 thôn Giàn Dầu và Khe Đăm; triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất và tích cực vận động nhân dân phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết HĐND xã.
N.H
Các tin khác
YBĐT - Một không khí tấp nập khẩn trương hiện hữu trên khắp các cánh đồng xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi để gặt cho kịp làm vụ mùa giành đất làm vụ đông.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 77/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2010-2011.
USD, EUR cùng nhiều loại ngoại tệ khác vẫn trên đà giảm giá mạnh. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vào thị trường châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn.
YBĐT - Đầu tháng 6, lúa xuân ở Trấn Yên (Yên Bái) chín rộ. Dưới ánh nắng hạ, sắc vàng càng rực rỡ thêm. Những ruộng lúa lai tốt bời bời, bông to, hạt mẩy, cho năng suất cao, là thành quả của một trong những chương trình kinh tế rất thành công của Đảng bộ Trấn Yên nhiệm kỳ 2006 - 2010.