Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao ở Trấn Yên: Từ bồ thóc đầy đến hạt gạo thơm
- Cập nhật: Thứ năm, 10/6/2010 | 2:33:50 PM
YBĐT - Đầu tháng 6, lúa xuân ở Trấn Yên (Yên Bái) chín rộ. Dưới ánh nắng hạ, sắc vàng càng rực rỡ thêm. Những ruộng lúa lai tốt bời bời, bông to, hạt mẩy, cho năng suất cao, là thành quả của một trong những chương trình kinh tế rất thành công của Đảng bộ Trấn Yên nhiệm kỳ 2006 - 2010.
Nông dân xã Minh Bảo thu hoạch lúa chiêm xuân.
|
Với diện tích 3.000 ha ruộng ở 29 xã, thị trấn (thời điểm 7 xã vùng thấp của huyện chưa chia cắt về thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình) huyện Trấn Yên đã có nhiều thành công trên lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là sản xuất lúa.
Trình độ thâm canh của người dân khá, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ khuyến nông cơ sở có chuyên môn và nhiệt tình công tác. Trấn Yên liên tục có những mùa vụ bội thu, năng suất và sản lượng luôn đứng đầu toàn tỉnh, nhiều diện tích ở Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp… lúa lai đã cho năng suất 12 đến 13 tấn/ha. Thóc tốt, lúa nhiều, bát cơm đã đủ đầy nhiều năm liên tiếp. Lúc này, những người gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và quan tâm sâu sắc đến đời sống người nông dân ở Trấn Yên lại nghĩ đến chuyện làm gì để nghề trồng lúa không quá vất vả, người nông dân không những đủ ăn mà có thu nhập khá? Những trăn trở ấy là sự khởi nguồn cho chương trình trồng lúa hàng hoá chất lượng cao.
Qua quá trình khảo nghiệm, đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 11/4/2006 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Trấn Yên khóa XIX đã đề ra Nghị quyết 06/NQ-HU về việc phát triển sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu đến năm 2010 ổn định diện tích 1500 ha/năm, năng suất 44 tạ/ha, sản lượng 6.600 tấn/năm, xây dựng vùng lúa đặc sản tập trung gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiệu quả kinh tế khi gieo cấy lúa chất lượng cao là rõ nét nhưng việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống lúa là không đơn giản, nhất là khi các giống lai như: Tiên ưu, Nhị ưu... thay thế giống CR203 đang cấy đại trà, đưa năng suất từ 120 - 130 kg/sào, tăng vọt lên 200 rồi 220 kg/sào, cá biệt có thửa ruộng đạt 270 kg/sào, đảm bảo và dư thừa lương thực”.
Thay thế một tập quán sản xuất, thay đổi một đối tượng cây trồng phù hợp và có hiệu quả đối với người nông dân không phải là chuyện dễ, nhưng cán bộ, đảng viên ở Trấn Yên đều tin tưởng Nghị quyết 06 là nghị quyết đúng, mang lại hiệu quả thực sự, vì vậy cả huyện cùng quyết tâm đưa Nghị quyết ấy vào cuộc sống. Để thúc đẩy chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Trấn Yên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như lồng ghép các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, để phát triển diện tích, xây dựng vùng lúa tập trung, khảo nghiệm, sản xuất lúa giống.
Các nhà kinh tế nông nghiệp đã đưa ra con số tính toán về lợi ích kinh tế và hiệu quả xã hội của chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao: Chi phí sản xuất thấp, giá trị thu nhập lúa chất lượng cao đạt bình quân 36 triệu đồng/ha, lúa khác đạt 27,5 triệu đồng/ha; hiệu quả kinh tế của lúa chất lượng cao cao hơn lúa khác từ 1,5 đến 1,6 lần và một điểm đáng chú ý nữa là thời gian sinh trưởng của lúa chất lượng cao ngắn nên đây là yếu tố quan trọng để làm vụ 3 trên đất hai lúa, tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Về mặt xã hội, lúa chất lượng cao góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất tự cấp, tự túc, sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, góp phần cải thiện đời sống người nông dân cũng như bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.
Có bát cơm đầy thì muốn có hạt gạo dẻo, thơm! đó là suy nghĩ và mong muốn tự nhiên, hơn thế, “Quẩy gánh lúa hương nhẹ tênh mà tiền thu về hơn hẳn gánh lúa lai gánh oằn đòn, chi phí làm lúa chất lượng cao thấp hơn lúa lai rất nhiều. Hiệu quả là rõ nét, thấy tốt, thấy hay bà con làm theo tất thảy” - đó là suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Hòa, ở thôn Đồng Phúc, xã Việt Thành. Trên đã tới, dưới đã thông, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở Trấn Yên đã gặt hái được những thành công hơn cả mong đợi.
Năm 2006, diện tích 1.118 ha, năng suất 44 tạ/ha, sản lượng 5.227 tấn; năm 2007, diện tích tăng lên 1396 ha, năng suất đạt 43 tạ/ha, sản lượng 6.000 tấn; năm 2010, diện tích lúa chất lượng cao của Trấn Yên đã đạt 1.500 ha, năng suất dự ước 45 tạ/ha và sản lượng ước đạt 6.750 tấn. Trấn Yên đã hình thành được vùng lúa đặc sản tập trung ở Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng, Nga Quán, quy mô tập trung cũng tăng dần qua các năm từ 50 ha năm 2006 đến 105 ha năm 2007 và ổn định 400 ha năm 2010.
“Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao mà nghị quyết Đảng bộ huyện Trấn Yên đã đề ra trong nhiệm kỳ qua, về cơ bản là thành công, nhưng vẫn còn khiếm khuyết, tồn tại cần khắc phục” - đó là đánh giá khá thẳng thắn và cởi mở của Bí thư huyện ủy Nguyễn Tiến Dũng. Hơn 6.000 tấn thóc là hơn 3.000 tấn gạo mỗi năm nông dân Trấn Yên làm ra và tiêu thụ trên thị trường. đó hẳn là con số không nhỏ, nhưng đến nay việc tiêu thụ sản phẩm vẫn manh mún, sau 5 năm thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao mà một tên gọi riêng cho mặt hàng này vẫn chưa có! Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đặc sản Trấn Yên, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và thương nhân là việc nên làm và đó mới là quá trình sản xuất hàng hóa hoàn thiện.
Lê Phiên
Các tin khác
Sáng nay (10/6), các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước hạ tiếp 8.000-10.000 đồng/chỉ do giá vàng thế giới đi xuống. Giá giảm khiến nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư không cao, vì thế giao dịch khá trầm lắng.
Khảo sát của Công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm toán Grant Thornton cho thấy giá phòng khách sạn cao cấp tại Việt Nam trong năm 2009 đã giảm trung bình gần 32% so với năm 2008.
YBĐT - Chấn Thịnh nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) trên 40 km và là xã đông dân nhất nhì huyện Văn Chấn với trên 7 ngàn nhân khẩu, nhiều dân tộc anh em chung sống và các thôn bản nằm rải rác theo các sườn đồi, núi. Vượt qua mọi khó khăn, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã biết phát huy nội lực, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.
YBĐT - Đường được mở rộng, việc đi lại từ trung tâm huyện đến xã hoặc từ Tích Cốc đi các xã khác hay sang bên Tuyên Quang đã thuận tiện hơn rất nhiều. Những chuyến xe ngược xuôi tấp nập đưa nông lâm sản của người dân Tích Cốc đến mọi miền đất nước không những góp phần duy trì ổn định tốc độ phát triển kinh tế của xã đạt trên 11,6% mà còn giúp nâng thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 8,5 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn dưới 19%...