Chính phủ không ưu ái Vinashin

  • Cập nhật: Thứ bảy, 3/7/2010 | 8:50:18 AM

Quyết định tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) của Chính phủ trong thời gian gần đây đang là điểm nóng công luận. Chiều qua 2-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã trả lời vấn đề này.

- PV: Thưa ông, phải chăng Chính phủ quá ưu ái Vinashin nên đã thực hiện tái cơ cấu để giảm nợ cho tập đoàn này?

- Ông PHẠM VIẾT MUÔN: Nói Chính phủ ưu ái Vinashin là không đúng. Đóng tàu là một ngành trọng điểm của Nhà nước để phát triển kinh tế biển. Chính phủ không ưu ái Vinashin. Tập đoàn này cũng như bất cứ doanh nghiệp nào khác, phải hoạt động đúng luật, tiền vay ngân hàng phải sử dụng đúng. Để xảy ra tình trạng hiện nay có nguyên nhân từ bên ngoài (khủng hoảng kinh tế), nhưng bên trong là chính (đầu tư dàn trải, điều hành yếu kém..).

Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo Vinashin kiểm điểm trách nhiệm, nếu sai phạm phải xử lý. Khi tái cơ cấu tập đoàn, một số dự án được chuyển về các nơi, trong đó có những dự án đã đầu tư tương đối toàn diện, có dự án mới có tên. Việc chuyển các dự án, trong đó có đội tàu về Tổng công ty Hàng hải có thể gây khó khăn cho đơn vị này nhưng sẽ không khó khăn bằng khi ở Vinashin.

Vinashin hạ thủy một tàu chở hàng.

- Hiện nay, nợ của Vinashin là bao nhiêu, khi chia tách tính thế nào?

- Tổng tài sản của Vinashin khoảng trên 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 80.000 tỷ đồng, khi tái cơ cấu sẽ chuyển nợ. Nợ của Vinashin được chuyển sang dầu khí, hàng hải khoảng 20.000 tỷ đồng. Mục tiêu tái cơ cấu Vinashin không phải giảm nợ, mà nhằm duy trì, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, năng lực đã và đang đầu tư, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng, đồng thời bảo đảm đời sống người lao động.

Trong hoàn cảnh hiện tại, dự án đó nếu để Vinashin làm sẽ không có tiền đầu tư, nhưng chuyển sang dầu khí sẽ có đủ tiền, vì ngành dầu khí cũng cần đóng tàu kim loại cho Dung Quất, Nghi Sơn... Phải tiếp tục đầu tư dể không bỏ phí những dự án đã và đang triển khai như ở Nam Định, Nghi Sơn...

- Thanh tra Chính phủ đang chuẩn bị thanh tra Vinashin. Việc tái cơ cấu này có làm ảnh hưởng đến cuộc thanh tra?

- Không làm ảnh hưởng. Vinashin vẫn sẽ bị thanh tra toàn diện.

- Bài học nào được rút ra từ vụ việc của Vinashin?

- Điều này tôi đã nhiều lần nói: tin thì tin nhưng phải kiểm tra. Dù đã có quy chế hoạt động cho tập đoàn, nhưng các bộ ngành phải kiểm tra, giám sát. Ở Vinashin có những dự án đã đầu tư, có những tàu đã mua nhưng Bộ GTVT không biết, Thủ tướng không biết, xong xuôi rồi mới hay. Bài học lớn nhất là trao quyền cho lãnh đạo tập đoàn nhưng phải tăng cường kiểm tra.

- Từ năm 2006, các chuyên gia đã cảnh báo không nên đầu tư cho ngành đóng tàu, Chính phủ có lắng nghe không?

- Các năm 2006, 2007 Vinashin hoạt động tốt. Năm 2008, suy giảm kinh tế tác động mạnh đến Vinashin. 166 hợp đồng đóng tàu trị giá 5 - 6 tỷ USD đã ký nhưng bị hủy, trong khi đó Vinashin đã đầu tư, nên rất khó khăn. Chúng tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến các chuyên gia, cũng như tăng cường kiểm tra. Nhưng đúng là không ai có thể ngờ hết được, cũng giống như năm 2006 - 2007, không ai có thể dự báo kinh tế của năm 2008, 2009.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Tối 1-7, tại Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Ashden Năng lượng bền vững năm 2010. Dự án "Biến chất thải thành nguồn năng lượng sạch thông qua sử dụng công nghệ khí sinh học" của Việt Nam, gọi tắt là dự án Biogas, đã nhận được giải thưởng với tổng số tiền 20.000 bảng Anh.

Mùa gặt.

YBĐT - Cánh đồng Mường Lò với diện tích trên 2.000 ha, là cánh đồng lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Thiên nhiên đã ban tặng cho cánh đồng Mường Lò đất đai màu mỡ đất phù sa dốc tự ngàn năm bồi lắng và ngòi Thia, suối Nậm Tộc, suối Nung... cung cấp nguồn nước tưới để tạo nên những giống lúa thơm, dẻo như trong câu ca "Muốn ăn gạo trắng nước trong, vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Giá vàng bán ra tại các tiệm vàng lớn sáng 2/7 đã giảm dưới 28,40 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch trên thị trường Mỹ tối ngày 1/7 bất ngờ giảm mạnh nhất từ tháng 2 đến nay, sau khi giới đầu tư quốc tế đón nhận các thông tin khá khả quan về thị trường tài chính khu vực châu Âu.

Mức hạ lãi suất huy động từ 11,5% xuống 11%/năm vào đầu tháng 7/2010, là “lời hứa” của các ngân hàng lớn trong cuộc họp (25/6) với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy vậy tính thời điểm này (2/7), mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức trên 11%/năm và NHNN lại phải hối thúc và gia hạn thêm tới ngày 5/7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục