Thị trường tiêu thụ ximăng ảm đạm dù giá giảm

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/7/2010 | 8:54:38 AM

Cũng như mặt hàng thép xây dựng, tuy chưa chính thức bước vào mùa kinh doanh thấp điểm của mùa xây dựng nhưng sức tiêu thụ ximăng trên thị trường thời gian gần đây đã chững lại cho dù giá đã giảm so với tháng trước.

Sức tiêu thụ mặt hàng ximăng thời gian gần đây giảm mạnh giảm từ 30-40% so với cách đây vài tháng.
Sức tiêu thụ mặt hàng ximăng thời gian gần đây giảm mạnh giảm từ 30-40% so với cách đây vài tháng.

Sức tiêu thụ giảm đến 40%

Theo các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội, cùng với mặt hàng thép xây dựng, sức tiêu thụ mặt hàng ximăng thời gian gần đây giảm mạnh giảm từ 30-40% so với cách đây vài tháng. Nguyên nhân có thể do sau khi giá thép xây dựng tăng mạnh trong tháng Tư, một số doanh nghiệp lo ngại giá ximăng sẽ tăng theo đà của giá thép nên đã tranh thủ mua hàng với khối lượng lớn nhưng sau đó giá giảm đã đẩy hàng ra thị trường để thu hồi vốn.

Còn theo Hiệp hội ximăng Việt Nam, sản xuất ximăng trong nước cung đã vượt xa cầu, tiêu thụ chậm cùng với việc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nên các doanh nghiệp đã giảm giá bán khoảng 20.000 đồng/tấn so với tháng trước.

Hiện giá bán ximăng tại các nhà máy, chưa có thuế giá trị gia tăng phổ biến ở mức: ximăng PCB30 dao động từ 897.600-930.000 đồng/tấn; ximăng PCB40 dao động từ 920.000-1,26 triệu đồng/tấn. Ngoài thị trường, giá bán lẻ ximăng ở mức từ 950.000-1,15 triệu đồng/tấn ở phía Bắc và từ 1,1-1,4 triệu đồng/tấn ở phía Nam.

Mặc dù giá đã giảm nhưng theo nhiều đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng ở Hà Nội, cũng như mặt hàng thép xây dựng, sức tiêu thụ mặt hàng này rất ảm đạm. Anh Trần Kiên, kinh doanh vật liệu xây dựng ở đường Âu Cơ cho biết, khác với thời điểm tháng Ba và tháng Tư do tác động của nhiều yếu tố đầu vào như điện, nước, than đều tăng khiến giá bán ximăng tăng trung bình từ 50.000-70.000 đồng/tấn, thép xây dựng tăng gần một triệu đồng/tấn nhưng sức tiêu thụ các mặt hàng này rất tốt. Tuy nhiên, gần tháng nay, sức tiêu thụ ximăng giảm mạnh so với vài tháng trước đó. 

Theo anh Kiên, ngoài những công trình lớn buộc phải thi công kịp tiến độ thường mua hàng thẳng từ nhà máy, còn những công trình nhỏ lẻ có thể do tâm lý tiêu dùng khi thấy giá một số mặt hàng càng tăng thì càng tranh thủ mua vào, còn khi giá bắt đầu giảm sẽ chờ đợi cho giá “”xuống đáy” mới mua.

Thực tế này cho thấy, sản xuất ximăng trong tháng Sáu đạt 4,4 triệu tấn, giảm 0,03 triệu tấn; tiêu thụ trong tháng qua cũng chỉ đạt 4,3 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng trước. Do đó, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đến cuối tháng Sáu là 0,5 triệu tấn ximăng và 1,18 triệu tấn clinke.

Đặc biệt, ngoài giảm giá để cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc với giá bán thấp hơn ximăng trong nước khoảng 10%. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị chia sẻ thị phần và cảnh báo nguy cơ bị cạnh tranh quyết liệt nếu doanh nghiệp trong nước không chuẩn bị tốt về nguồn hàng, chất lượng và hệ thống phân phối của mình.

Cung vượt cầu, xuất khẩu cũng không dễ

Theo Hiệp hội Xây dựng, năm 2010 sự cạnh tranh trong ngành ximăng đã trở nên khốc liệt hơn khi cung vượt quá nhu cầu. Hiện cả nước có 105 nhà máy sản xuất ximăng với tổng công suất đạt 61 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, năm 2010 các doanh nghiệp chỉ sản xuất ở mức 53 triệu tấn trong khi đó theo tính toán của Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2010 nhu cầu ximăng của cả nước chỉ ở mức 50 triệu tấn, số còn lại là dư thừa.

Để giải quyết vấn đề cung cầu của ngành, các doanh nghiệp sản xuất đã tính đến chuyện xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu ximăng của Việt Nam hiện nay không phải là điều dễ.

Một số doanh nghiệp như Công ty ximăng Hà Tiên, Công ty ximăng Cẩm Phả bước đầu khai phá được thị trường Lào, Campuchia và đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng với kim ngạch còn rất khiêm tốn. Còn hướng tới các thị trường khác có nhu cầu như châu Phi, Brazil nhưng lại xa xôi, rất khó bù đắp cho chi phí vận chuyển tải nên hiệu quả kinh tế không cao.

Trước tình hình đó, ngành ximăng chỉ biết kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành rà soát để xem xét dừng hoặc giãn tiến độ đối với các dự án ximăng để tránh phát triển “nóng” như hiện nay. Bên cạnh đó, ngành cũng rất cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước như khuyến khích sử dụng gạch, ngói không nung sản xuất từ ximăng thay cho các sản phẩm truyền thống; ưu tiên, khuyến khích các dự án sử dụng ximăng để làm đường giao thông và các công trình khác, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành.

Về tình hình sản xuất và tiêu thụ trong nước, trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành từ ngày 22-25 hàng tháng phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ clinke và ximăng của tháng trước và tháng hiện tại (ước thực hiện) về sản lượng ximăng sản xuất và tiêu thụ trong tháng; giá bán clinke và ximăng tại nhà máy, các đại lý; các khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển clinke và ximăng; đề xuất, kiến nghị về giải pháp giải quyết.

(Theo TTXVN)

Các tin khác

Từ 15/7, thuế chống bán phá giá đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang EU áp trong suốt 5 năm qua sẽ được bãi bỏ.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, sáu tháng đầu năm, cả nước có khoảng 42.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 250.600 tỷ đồng, tăng 0,25% về số doanh nghiệp và tăng 27,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009.

"Đúng ra chúng ta phải huy động nợ trong nước đã, thiếu mới huy động ngoài nước. Nhưng rồi ta có lúc huy động cả nợ trong nước lẫn ngoài nước, thế là không hiệu quả", TS Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nói.

Quyết định tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) của Chính phủ trong thời gian gần đây đang là điểm nóng công luận. Chiều qua 2-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã trả lời vấn đề này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục