Xới tung “ruộng mật” tìm đá quý

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2010 | 9:14:16 AM

YBĐT - Gần một tháng nay, nhiều nông dân ở xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái) đang tìm kiếm vận may đá quý bằng cách phá nát chính mảnh ruộng nhà mình...

Những nông dân miệt mài tìm giấc mơ đổi đời từ đá quý.
Những nông dân miệt mài tìm giấc mơ đổi đời từ đá quý.

Tan hoang “bờ xôi ruộng mật”

Không khó để tìm đến khu vực Đồng Đình- nơi có “mỏ đá quý” vì nó chỉ cách UBND xã Cẩm Ân chưa đầy một ki-lô-mét. Những thửa ruộng thuộc khu vực này trước đây vốn màu mỡ luôn làm được hai vụ lúa ăn chắc. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần nó bị cày xới tung tóe để giúp người tìm vận may.

Trước mắt chúng tôi là một bãi đất tan hoang có diện tích bị đào bới lên đến hàng mẫu ruộng. Trên những “ao sâu” là những cái lán được lợp tạm bợ bằng ni-lông, lá cọ để che nắng. Những thửa ruộng bị đào bới tạo nên một bãi ngổn ngang với hàng chục hố sâu từ 2-3 mét. Những thửa ruộng bên cạnh chưa kịp đào cũng chất cao đất, đá.

Ông Phạm Ngọc Cường, Phó công an xã Cẩm Ân cho biết, tình trạng khai thác đá diễn ra từ đầu tháng 6, không rõ nguồn tin từ đâu đồn có đá quý nên nhiều người gom tiền mua ruộng đào đá rồi thuê nhân công đào với tiền công 70.000 đồng/ngày”. Thực ra, ở đất này người ta cũng đã đào được đá quý. Nhưng ấy là chuyện mười mấy năm về trước. Đã nhiều lần người dân đào đất tìm vận may nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và kiên quyết của chính quyền xã nên những cánh đồng vẫn được yên ổn.

Việc tìm vận may đổi đời vào đá quý tưởng đã đi vào quên lãng thì cách đây không lâu tin gia đình ông Nông Kim Đồng vét ao vô tình kiếm được vài viên đá giá trị lên đến bạc tỷ làm cơn sốt đá quý trở lại. Vậy là người dân đua nhau đào xới, ban đầu thì chỉ có một  hố rồi như vết dầu loang cả chục hố sâu đã hình thành. Những người dân ở đây còn cho biết, có những chủ hộ sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng mua, thuê đất, thuê người để tìm đá.

Khi chúng tôi đến thì mấy thanh niên đang hì hục xúc đất bên thửa ruộng nhà bà Nguyễn Thị Hồng. Hỏi xem có kiếm chác được gì không, họ lắc đầu ngao ngán. Một người tên Thanh bảo, đang chờ máy đến lấp lại trong lúc chờ tranh thủ tìm kiếm.

Anh Nguyễn Văn Tam ở thôn Tân Lập - một chủ ruộng cho biết: “Thấy người làng bảo có đá quý nên mấy anh, em, con cháu tranh thủ lúc gặt xong đào bới tìm kiếm vận may. Chứ đào xong chúng tôi lại lấp lại”. Tam còn lập luận: “Đào xới này cũng không có hại gì vì các cụ có câu “cày sâu cuốc bẫm” nên đất sẽ tốt lúa sẽ cho năng suất cao! Nếu không tin, vụ sau anh đến thăm lúa tốt bời bời”. Nói vậy chứ ông chủ ruộng này cũng thấy xót, bởi đào xới mãi mà có tìm thấy đá đâu giờ cũng muốn san lấp lại nhưng theo anh thì có san lấp thủ công cũng mất nửa tháng nên trong lúc chờ thì cứ tiếp tục tìm kiếm.

Đào xong đất ruộng biến thành ao.

Bao giờ ruộng được san lấp?

Sự việc đã diễn ra hàng tháng nay, chính quyền xã đã có một số biện pháp như: lập biên bản phạt hành chính 6 hộ dân với số tiền mỗi hộ 1 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 18/6, Công an huyện Yên Bình đã yêu cầu ngừng đào bới và sau 5 ngày san lấp trả lại ruộng dưới sự giám sát của Công an xã. Tuy nhiên,  từ đó đến nay đã gần nửa tháng nhưng ruộng thì chưa được san lấp trở lại trong khi vụ mùa đang cận kề.

Ông Đinh Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, xã đã cấm các hộ dân đào bới thêm ruộng để tìm đá quý. Nhưng cũng phải thấy, do nhiều người đã mất công đào xới mà chưa tìm được gì nên ngay cả khi có sự giám sát của công an họ vẫn tiếp tục tìm vận may”.

Những thửa ruộng làm hai vụ ăn chắc, từ khi đào đá không biết có tìm kiếm được gì không, chỉ biết rằng những bồ thóc đang bị đánh cắp bởi vụ mùa này coi bỏ! Qua tìm hiểu được biết, thực tế sau gần một tháng tìm kiếm không được gì nhiều chủ ruộng đã ngao ngán muốn san lấp lại để trồng lúa. Tuy nhiên, họ lấy lý do với việc biến ruộng thành ao sâu thế này nếu san lấp thủ công thì phải mất cả nửa tháng nên họ đề nghị xã cho máy xúc vào trợ giúp hòng kịp thời vụ.

Nhưng theo một số hộ dân thì việc thuê máy xúc gặp khó khăn vì không chủ máy nào vào san lấp khi không có lệnh của chính quyền vì họ sợ công an bắt phạt và công san lấp cũng khá nặng. Còn Công an xã thì lo nếu cho máy vào lại sợ người dân lợi dụng đào bới thêm. Chính lý do này dẫn đến việc các ruộng lúa đến giờ vẫn lỗ chỗ như hố bom. Trong khi đó, lợi dụng việc chờ đợi máy móc các hộ dân vẫn tiếp tục đào bới.

Như lời ông Phó công an xã thì cũng may chưa có ai tìm được viên đá nào giá trị, nếu không, gần 60 chục ha đất nông nghiệp trồng lúa của xã Cảm Ân chắc sẽ bị “làm thịt” hết! 

Biên bản yêu cầu san lấp lại đã có nhưng nhiều hộ dân vẫn tiếp tục đào bới.

Giấc mơ đổi đời không biết còn kéo dài bao lâu, chỉ biết rằng vụ mùa này đá quý thì không thấy mà đã mất hạt thóc vàng. Những hộ dân ở Cẩm Ân hãy sớm tỉnh ngộ lại, đừng “tham bát bỏ mâm”; chính quyền địa phương cần cương quyết hơn để trả lại những thửa ruộng màu mỡ và bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương!

Văn Thông - Anh Dũng

Các tin khác
Người Mông Mù Cang Chải gieo cấy lúa mùa.

YBĐT - Xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 566 hộ với 3.493 nhân khẩu sống tập trung tại 10 thôn, bản. Do địa bàn phần lớn là đồi núi dốc, đất sản xuất ít, dân trí thấp nên việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng thấp nên cả xã có khoảng 360 hộ nằm trong diện nghèo.

Cam Văn Chấn. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Lớn lên ở mảnh đất này, nên tôi không sao quên được hình ảnh những vườn hồng không hạt trĩu vàng ở Lục Yên, vườn cam rực đỏ ở Văn Chấn hay những vườn bưởi Khả Lĩnh lúc lỉu ở Đại Minh Yên Bình. Nhưng giờ đây, những vùng quả này đang bị thoái hóa.

Vinashin hạ thủy một tàu chở hàng.

Chiều 7-7, Tổng Giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ đã có buổi làm việc với một số cơ quan thông tin đại chúng. Tại buổi làm việc, ông Vũ cho rằng quản lý yếu kém là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất của Vinashin.

Mở cửa thị trường vàng hôm 7.7, giá vàng SJC giảm mạnh 170.000 đồng/lượng, giá bán xuống 28,18 - 28,20 triệu đồng/lượng. Sau 15 phút, giá vàng tăng nhẹ lên 28,2 - 28,22 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục