Phát triển đàn lợn: “Nâng tầm” chăn nuôi nông hộ
- Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2010 | 2:34:05 PM
YBĐT - Có lẽ, chưa khi nào nghề nuôi lợn tại Yên Bái lại “rơi xuống đáy” như thời điểm tháng 5-6 năm 2010, giá một kg thịt lợn lai F1 hơi chỉ bán được 19-21 nghìn đồng/kg, thậm chí giá lợn giống còn thấp hơn, chỉ có 18.000 đồng/kg.
Nhiều nông hộ chăn nuôi lợn đang phát triển, nhưng họ luôn lo lắng về sự không ổn định về giá cả của sản phẩm.
Trong ảnh: Chăn nuôi lợn tại gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Yên Sơn, xã Yên Phú (Văn Yên).
|
Đó cũng chính là dấu hiệu người chăn nuôi không mặn mà với việc nuôi lợn vào lúc này. Chỉ cần làm một bài toán đơn giản, cứ 1kg thịt lợn hơi (lợn lai F1) cần có 3kg thức ăn chế biến sẵn (với giá 7.500 -8.000 đồng/kg) thì chưa tính đến các chi phí khác, riêng chi phí cho thức ăn cũng đã không bù đắp nổi.
Ý kiến người dân
Đến như một trang trại có tiếng là chăn nuôi lợn giỏi là chị Đinh Thị Tuyển, tại TP Yên Bái, chuồng lợn cũng gần như trống rỗng, chị nói: chưa thể “vào” lợn được vì không những giá thấp mà còn khó bán.
Tuy nhiên, cũng vào thời điểm khó khăn này, chúng tôi đến thăm trang trại của bà Lê Thị Tuyết tại Đầm Mỏ, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái thì lợn vẫn đầy chuồng. Bà Tuyết cho biết: Tuy lúc này có gặp khó khăn nhưng tôi vẫn duy trì tổng đàn tới gần 1.000 con lợn thịt giống siêu nạc, giá xuất bán vào thời điểm thấp nhất vẫn đạt 27.000 đồng/kg và hiện nay đang có dấu hiệu tăng lên. Bà nói: Lợn “2 bề” (lợn lai F1) thì khó bán, do chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại địa phương, còn chỉ giống lợn nạc thì hiện nay thị trường vẫn tiêu thụ ổn định.
Nghỉ trưa tại Văn Chấn, chúng tôi gặp một xe tải đang trên đường chở lợn từ Phú Thọ về Than Uyên, chủ hàng là anh Lê Văn Phương trú tại thị trấn Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Khi được hỏi tại sao anh không mua lợn tại Văn Chấn cho gần, anh cho biết: Trung bình mỗi tháng tôi thu mua đem tiêu thụ từ 700 – 1.000 đầu lợn thịt, nếu mua một xe lợn khoảng 50 con ở Văn Chấn sẽ giúp tiết kiệm được gần 2 triệu đồng so với mua ở Phú Thọ, hay Vĩnh Phúc, Tuyên Quang.
Do đó, nếu Văn Chấn nuôi được nhiều lợn đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ ưu tiên bắt lợn ở Văn Chấn, song thực tế rất khó gom hàng tại đây do các hộ chăn nuôi lẻ tẻ, mà chủ yếu là lợn “2 bề” trong khi đó phải thu mua ít ra là lợn bố trắng, mẹ trắng (lợn 75% máu ngoại trở lên) thì mới bán được. Hỏi về giá thu mua, anh cho biết: Vào lúc này (thời điểm giữa tháng 6/2010) lợn “2 bề” chúng tôi mua giá 21 đến 22 nghìn/kg tuỳ no hay đói, nhưng lượng tiêu thụ rất ít, lợn bố trắng, mẹ trắng chúng tôi mua với giá 25 – 26 nghìn đồng/kg, còn lợn ngoại mua với giá 27 - 28 nghìn đồng/kg.
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của chị Hoàng Thị Nhiên, tại xã Sơn Thịnh, là người chăn nuôi khá nổi tiếng thì chị cho biết: Quan trọng nhất trong nuôi lợn là con giống, vì thức ăn thì chỉ việc cho ăn theo đúng hướng dẫn, thú y thì chỉ cần tiêm phòng đầy đủ là có thể an tâm, song nếu con giống không tốt thì có đổ thức ăn vào cũng không lớn được. Bây giờ ít ra cũng phải nuôi lợn từ bố trắng mẹ trắng trở lên mới nhanh lớn, giá bán lại cao hơn. Ở đây đa số là con giống “2 bề” thôi. Vì vậy, muốn mua giống lợn bố trắng mẹ trắng phải đặt thương lái từ Phú Thọ vận chuyển lên. Có lẽ trường hợp chị Hoàng Thị Nhiên là rất ít, bởi vì sau đó gặp các hộ chăn nuôi khác với quy mô nhỏ thì hầu hết đều nuôi lợn F1 vì sẵn giống và dễ nuôi. Tuy nhiên, lãi lời thì chẳng đáng là bao, thậm chí còn lỗ, song vẫn phải nuôi vì tận dụng lao động trong nhà và lấy nguồn phân để trồng trọt.
Anh Hà Văn Bằng, xã Bình Thuận, Văn Chấn làm nghề nuôi lợn đực giống khai thác tinh để phối giống lợn nái, cho biết: Vùng này có khoảng trên 80% lợn nái nội, còn lại rất ít là lợn nái trắng (lợn lai F1) do bà con tự nhân giống. Theo anh thì nuôi lợn nái trắng cần phải chăm sóc tốt hơn do khối lượng con lúc đẻ ra lớn hơn lợn nội, con giống cũng tăng trọng nhanh vì vậy lợn nái cần ăn nhiều chất, mà đa số người dân không hiểu biết kỹ thuật, vẫn chăn nuôi như lợn nái nội cho nên lợn nái trắng bị thiếu chất dẫn đến hay bại liệt và gầy yếu, bà con không thích nuôi.
Chị Lò Thị Sim ở xã Hạnh Sơn, Văn Chấn thì lại nêu ra một khó khăn nữa là vốn đầu tư vào thức ăn thì hầu như hộ chăn nuôi nào cũng gặp phải, chăn nuôi lợn hiện nay chủ yếu là cho ăn thức ăn chế biến sẵn, trong khi các đại lý cung cấp thức ăn không cho nợ tiền hoặc cho nợ thì giá 1 bao cám có thể tăng từ 15 đến 20 nghìn đồng làm gì có lãi nữa. Đấy là chưa nói đến việc lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng mà chẳng có người đến hỏi mua, càng nuôi càng lỗ to.
Khi đưa vấn đề này ra với ông Lê Văn Thế, chủ đại lý bán cám tại xã Sơn Thịnh thì, ông cho biết: Chúng tôi cũng muốn bán được nhiều hàng chứ, mà muốn bán nhiều thì vẫn phải cho nợ thôi, cho nợ thì hầu hết họ đều trả, song vẫn có khoảng 15 % là nợ khó đòi do gặp rủi ro trong chăn nuôi. Bây giờ chăn nuôi thì toàn lỗ nên bán chịu cũng sợ. Mà chúng tôi cũng không được nợ tại nơi cung cấp cám, vốn ít phải vay với lãi suất cao cho nên cũng đành phải tính lãi suất cao với bà con, chứ chúng tôi cũng chỉ muốn người chăn nuôi lãi nhiều để phát triển mạnh chăn nuôi thì chúng tôi cũng bán được nhiều hàng. Nếu Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi thì chúng tôi sẵn sàng bán trả chậm như bán tiền ngay.
“Nâng tầm” chăn nuôi nông hộ
Nhìn vào bức tranh tổng thể của chăn nuôi lợn hiện nay, có thể thấy tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, không có khái niệm về thị trường, không biết được nhu cầu của thị trường là điểm yếu của đại đa số hộ chăn nuôi lợn tại nông hộ. Vì vậy, trong khi cần phải phát triển chăn nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao hơn thì hầu hết tại nông hộ vẫn chăn nuôi lợn lai F1 (loại lợn đã được đưa vào nuôi cách đây vài chục năm) và không còn phù hợp với đa số thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, khoảng 80% lợn nái nuôi trong nông hộ là lợn nái nội, cho nên chỉ có thể sản xuất ra được con giống F1, khả năng tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn, giá bán so với các giống lợn ngoại không cao dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp.
Thứ hai, không có sự liên kết giữa các hộ trong tổ chức chăn nuôi, vì vậy tuy cũng một khu vực đại đa số đều chăn nuôi lợn, song sản phẩm làm ra lẻ tẻ, không tạo thành nguồn hàng, dẫn đến khó bán sản phẩm hay bị ép giá. Mặt khác, đại đa số không hạch toán hoặc chỉ hạch toán sơ khai, vì vậy người dân cũng không thấy được những vấn đề cần phải thay đổi để có thể nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.
Thứ ba, thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi (kể cả chăn nuôi nông hộ) dẫn đến việc phải mua trả chậm thức ăn với giá cao hoặc chỉ nuôi “cầm chừng” đã làm chi phí đầu vào tăng lên, khiến hiệu quả chăn nuôi thấp.
Thứ tư, các mối liên kết giữa người sản xuất với người cung cấp thức ăn; giữa người sản xuất với người thu mua sản phẩm hầu như chưa được hình thành, dẫn đến việc khó khăn cho tất cả các bên, đặc biệt là người sản xuất.
Với tổng sản lượng thịt hơi chiếm tới trên 80% sản lượng thịt hàng năm của tỉnh, cho thấy chăn nuôi lợn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân. Trong khi đó, chăn nuôi theo hướng trang trại có quy mô vừa và lớn chỉ chiếm khoảng 15 - 18% tổng sản lượng thịt lợn hơi toàn tỉnh (cả nước chiếm 30%), còn lại chủ yếu vẫn là chăn nuôi theo hướng nông hộ, như vậy không thể không công nhận một điều rằng, chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc cung cấp sản lượng thịt. Chúng ta khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, quy mô lớn để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại khách quan của chăn nuôi nông hộ, bởi đó là một bộ phận không thể thiếu trong kinh tế hộ gia đình tại nông thôn. Vì vậy, cần phải chuyển hướng chăn nuôi nông hộ với các vấn đề như: con giống tốt, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, tạo mối liên kết thị trường (đầu vào – sản xuất - đầu ra) để có thể “nâng tầm” chăn nuôi nông hộ.
Nguyễn Quốc Tuấn
Các tin khác
Hơn tuần qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm. Nhiều người tiêu dùng hy vọng các doanh nghiệp (DN) xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
YBĐT - Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2010), nhằm đánh giá những thành tích mà ngành du lịch Yên Bái đạt được trong 10 năm qua, giai đoạn 2000-2010.
Đại diện Vụ Viễn thông, Bộ TT-TT cho hay đã nhận được đề xuất giảm giá cước của ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel và đang cân nhắc các phương án do ba nhà mạng đề xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 6,5%, chính sách tiền tệ trong sáu tháng đầu năm đã đạt được mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.