Tình trạng mua gom gỗ xuất sang Trung Quốc: Doanh nghiệp trong nước kêu cứu
- Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2010 | 8:22:18 AM
Vừa gượng dậy sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, năm 2010, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu ở Đồng Nai (chiếm gần 60% số DN chế biến gỗ cả nước) bắt đầu sản xuất ổn định trở lại. Thế nhưng hiện nay giá gỗ nguyên liệu tăng đột biến, khiến nhiều DN không kịp trở tay.
Một cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).
|
Lao đao
Công ty TNHH chế biến gỗ xuất khẩu Hòa Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) là nơi tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho nhiều DN chế biến gỗ nguyên liệu thô ở Đồng Nai, nhưng từ tháng 3 đến nay, cũng như nhiều DN chế biến gỗ khác, Cty này đang bị động về nguồn nguyên liệu.
Ông Tạ Đức Văn, Phó Tổng giám đốc của Cty cho biết: Giá gỗ nguyên liệu tăng mỗi mét khối từ 20- 30%, trong khi đó Cty đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu đến tháng 8 năm nay. Gỗ nguyên liệu đội giá như vậy, nhưng giá sản phẩm sản xuất ra không thể tăng được vì đã ràng buộc theo hợp đồng.
Không chỉ điêu đứng vì giá, Cty cũng không chủ động được về nguyên liệu thô bởi trước đây các DN bán nguyên liệu thô thường cho gối đầu thì nay họ yêu cầu trả đủ tiền mới giao hàng, gây áp lực về vốn. Nhưng nguồn hàng giao cũng chỉ nhỏ giọt.
Những DN lớn còn chống chọi được với giá nguyên liệu tăng, riêng các DN nhỏ, cơ sở gia công gần như buông xuôi với giá. Ông Trần Sơn Lâm, chủ một cơ sở gia công gỗ cho một Cty xuất khẩu ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) than thở: Thiếu vốn, cơ sở sản xuất gần như cầm chừng vì nguyên liệu mua phải thanh toán ngay. Bao nhiêu vốn liếng, kể cả vay mượn đều phải tập trung cho việc mua nguyên liệu sản xuất.
Gỗ tinh chế hay nguyên liệu thô
Ông Phạm Văn Bân, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai cho rằng với tình trạng gỗ bị mua gom ồ ạt như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước. |
Đặc biệt, các nguyên liệu gỗ tràm, cao su được xẻ thành từng phách nhỏ, sấy khô và dán ép thành ván tấm, sơ chế dưới dạng ván sàn, gỗ ghép để khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất xuất khẩu bằng 0 vì đã thành “gỗ tinh chế”. Chính vì kẽ hở này, các DN Trung Quốc sẵn sàng mua giá cao, đẩy các DN chế biến gỗ ở Đồng Nai vào thế khó.
Trước tình hình này, Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề nghị xem xét, rà soát lại gỗ được hưởng thuế suất xuất khẩu 0%.
Cụ thể là khi thông quan xuất khẩu mặt hàng gỗ sang thị trường Trung Quốc, nhất thiết phải được kiểm tra phân biệt đúng hàng mộc tinh chế hay là gỗ nguyên liệu giả tinh chế, xác định đúng sản phẩm phải chịu thuế, sẽ giúp thị trường gỗ nguyên liệu trong nước ổn định.
(Theo TP)
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1065/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 4 mỏ đá vôi được bổ sung vào quy hoạch dự trữ.
YBĐT - Trước đây, tại cánh đồng thôn Tàng Ghênh, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, đồng bào Mông chỉ gieo cấy một vụ lúa/ năm. Tập quán sản xuất lạc hậu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào, bởi một lý do rất đơn giản: nếu sản xuất vụ lúa xuân sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa mùa.
Đồng USD tăng trở lại đã khiến giá vàng đi xuống dưới mốc 1.200 USD/oz Tính đến 9h30 sáng 13/7, giá vàng SJC trong nước giao dịch ở mức 28,13-28,23 triệu đồng/lượng (mua ra – bán ra), giảm 120.000 đồng/lượng so với ngày 12/7.
Giá lúa gạo tại ĐBSCL bắt đầu nhích nhẹ trong ba ngày qua. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một doanh nghiệp tại khu vực chợ gạo Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết giá gạo nguyên liệu loại 15-25% tấm khoảng 4.700-4.850 đồng/kg, loại 5% tấm 5.200 đồng/kg.