Vốn rẻ khó vay
- Cập nhật: Chủ nhật, 18/7/2010 | 8:06:44 AM
Dù nhiều ngân hàng đang chạy đua chào mời doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn VND với lãi suất chỉ 12-12,5%/năm, nhưng doanh nghiệp cho biết cũng khó vay.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển sang vay VND với lãi suất 12%/năm
|
Để vay được lãi suất này, doanh nghiệp phải thỏa mãn một số điều kiện, quan trọng là phải bán ngoại tệ cho ngân hàng (NH).
Đã giảm 3-4%/năm
Ông Nguyễn Đức Thanh - giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, Long An - cho biết đã được NH Công thương VN (Vietinbank) cho vay với lãi suất 12%/năm. Với lãi suất mới, doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn VND. Trước đây do lãi suất lên đến 16-17%/năm nên doanh nghiệp phải vay USD để giảm bớt chi phí.
Tương tự, ông Nguyễn Tùng Dương - giám đốc tài chính Công ty CP Gò Đàng, Tiền Giang - cho biết đã vay được VND của một NH nước ngoài với lãi suất 12%/năm nhưng không bị ràng buộc phải bán lại ngoại tệ thu được từ xuất khẩu.
Trong khi đó, nhiều NH trong nước cũng chào mời vay vốn VND với lãi suất ưu đãi nhưng đều kèm điều kiện phải bán USD. Cũng có trường hợp được vay vốn lãi suất rẻ nhưng NH không cam kết ổn định lãi vay cho đến khi đáo hạn hợp đồng vay. Ông Hứa Phúc Vĩnh, tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Tháp Mười, cho biết lãi suất VND mà doanh nghiệp vay phổ biến 14-14,5%/năm và hiện giảm còn 12,5-13%/năm nhưng NH không cam kết duy trì lãi suất này suốt thời gian vay.
Lãi rẻ kèm điều kiện
Một giám đốc ngành gỗ cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng được vay lãi suất 12%/năm vì phải đáp ứng nhiều điều kiện như phải có quan hệ với NH ít nhất hai năm, phải bán ngoại tệ thu được cho NH. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu nhưng nguồn thu ngoại tệ không phải là USD thì NH không cho vay theo lãi suất 12%/năm.
Cũng có doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tính toán và cho rằng vay USD lợi hơn vì lãi suất chỉ 4-5%/năm, vay VND lãi suất cao hơn nhưng cả hai trường hợp đều phải bán ngoại tệ thu được cho NH.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết vòng quay vốn thường từ 4-6 tháng, tuy nhiên có NH chỉ cho vay lãi suất thấp với các khoản vay không quá ba tháng và không cam kết duy trì lãi suất trên trong suốt thời hạn vay. Do vậy, dù tiếp cận được vốn rẻ nhưng doanh nghiệp vẫn chịu rủi ro lãi suất.
Giám đốc doanh nghiệp may tại Bình Chánh (TP.HCM) kể sau tháng đầu tiên được vay lãi suất rẻ nhưng đầu tháng 7-2010 lại được NH thông báo điều chỉnh lãi suất từ 12,5%/năm lên 15%/năm dù ông đã chứng minh vay tiền để mua nguyên phụ liệu xuất khẩu cho đơn hàng dệt may. Trong khi đó, phó giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất ống thép công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết lãi suất có giảm nhưng chưa thấm vào đâu.
Ông này cũng cho biết đã tham khảo lãi suất ở nhiều NH, mức cho vay từ 13-13,2%/năm (NH thương mại nhà nước) và 14-14,2%/năm với NH cổ phần.
Ngân hàng cũng khó
Một trong những lý do NH chậm giảm lãi suất hoặc đưa ra các điều kiện với bên vay là do chưa có được nguồn vốn rẻ tương ứng.
Tổng giám đốc một NH tại quận 1 (TP.HCM) cho biết NH mới giảm nhẹ lãi suất huy động trong 10 ngày trở lại. Tính bình quân giá vốn đầu vào tại các NH vẫn dao động trên mức 11,5%/năm. Chưa kể thời gian gần đây đoán trước lãi suất giảm nên nhiều khách hàng gửi dài hơn, kỳ hạn đến sáu tháng, do vậy NH cần thêm 1-2 tháng mới có thể giảm thêm lãi suất cho vay.
Về phía doanh nghiệp cũng tính toán thu xếp trả nợ trước hạn để vay lại với lãi suất rẻ hơn. Vì vậy để có mức lãi suất rẻ cho người vay mà không thiệt cho người gửi lúc này là bài toán khó cho NH.
Tuy nhiên, các NH cũng cố gắng xoay trở để có vốn rẻ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) dành hơn 2.000 tỉ đồng để tài trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất 12%/năm đồng ý bán ngoại tệ thu được cho NH. Đến nay sau hơn một tháng triển khai đã giải ngân trên 500 tỉ đồng.
Tại NH Á Châu (ACB), lãi suất VND đối với doanh nghiệp phổ biến ở mức 13,5%/năm, vay USD 3,8-4%/năm (đối với doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho NH). Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, cho biết trong thời gian tới ACB tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu còn 12,5%/năm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh trong sáu tháng cuối năm.
Cho vay mua, sửa nhà lãi suất 1,1%/tháng NH Việt Á vừa đưa ra chương trình cho vay trung - dài hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất 12%/năm, hạn mức tối đa 25 tỉ đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm kể cả thời gian ân hạn. Mục đích vay đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, khai khoáng, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí, phân phối, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải, in ấn, sức khỏe, đào tạo... Việt Á cũng cho vay mua, sửa chữa nhà dành cho người có thu nhập thấp, giá trị khoản vay lên đến 70% chi phí sửa nhà, không quá 400 triệu đồng (tại TP.HCM) và 300 triệu đồng (tại khu vực khác), thời hạn cho vay 10 năm, lãi suất 1,1%/tháng. |
Các tin khác
Liên tục hai ngày 15 và 16/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công văn thượng khẩn gửi các đơn vị trong ngành yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 1.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc điều hành thị trường sáu tháng cuối năm 2010.
Mùa mưa đến cũng là lúc các công ty bảo hiểm bước vào một cuộc đua mới trong việc mang lại sự tin tưởng và sự hài lòng cho khách hàng. Vậy với cơn mưa to kỷ lục tại Hà Nội vào sáng ngày 13.7.2010, họ đã chứng tỏ được gì?
Hôm qua 15-7, Tổ chức cấp chứng nhận kim cương Kimberley (KPCS) đã đồng ý cho Zimbabwe xuất khẩu lượng lớn tài nguyên quý của nước này để vực dậy nền kinh tế đang sa sút.