Bất cập thuế suất hàng điện máy điện tử: Bóp chết hàng Việt

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/7/2010 | 2:37:10 PM

Theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12-11-2009, từ đầu năm 2010, thuế suất nhiều mặt hàng linh kiện điện tử (dùng để lắp ráp máy tính trong nước) phải chịu thuế nhập khẩu 3%, trong khi nếu nhập máy tính nguyên chiếc từ các nước ASEAN, được hưởng thuế suất 0% và nhập từ các nước khác cũng chỉ chịu mức thuế suất 3%. Đó là một bất hợp lý mà nhiều nhà sản xuất lắp ráp hàng điện tử trong nước kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.

  • Nhập nguyên chiếc thuế 0%, nhập linh kiện 3%

Hiện nay hầu hết các nhà sản xuất máy tính lớn đều có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và với chính sách ưu đãi thuế suất 0%, họ sẽ dễ dàng có được giấy xuất xứ hàng hóa mẫu E để nhập vào từ Trung Quốc và không phải đóng thuế.

Trong khi đó, DN lắp ráp máy tính trong nước phải nhập linh kiện với thuế suất đến 3%, khiến giá thành các mặt hàng lắp ráp trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh về giá của các mặt hàng nhập từ ASEAN, cũng như không cạnh tranh nổi với các mặt hàng nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước khác do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng.

Để cạnh tranh, nhiều nhà lắp ráp trong nước đã phải giảm giá thành 800.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/chiếc so với thương hiệu nước ngoài. Chẳng hạn, máy tính CMS Scorpion của Việt Nam có cấu hình E5300, Ram 1GB, HDD 320GB, DVDRom được bán với giá 5,46 triệu đồng, trong khi máy tính Lenovo Thinkcentre A58.Part 0841-B1A với cấu hình tương tự lại có giá bán đến 6,29 triệu đồng. Mức thuế chênh lệch còn dẫn đến một hậu quả khác đó là một số nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.

“Các DN sản xuất lắp ráp máy tính trong nước như FPT Elead, VTB, CMS, Mekong Xanh… phải chịu một áp lực lớn khi cạnh tranh với máy tính nguyên chiếc. Vì muốn lắp ráp, các DN này phải nhập khẩu hầu hết linh kiện với thuế suất cao hơn so với hàng nguyên chiếc do Việt Nam chưa sản xuất được các linh kiện này”- ông Phạm Thiện Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, nhận định.

Cần có thuế suất thích hợp để giúp doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh: Đức Trí

Các mặt hàng điện máy, điện tử khác của Việt Nam cũng đang đứng trước khó khăn do bất cập về mức thuế. Chẳng hạn, nhập khẩu ti vi nguyên chiếc từ ASEAN, phải chịu thuế suất nhập khẩu 5%, trong khi DN trong nước nhập đèn hình màu (loại linh kiện chiếm đến 50% giá thành ti vi), phải chịu mức thuế nhập khẩu đến 10%. Tương tự, các mặt hàng khác như đầu đĩa DVD, dàn âm thanh… cũng rơi vào tình trạng bất cập về thuế suất như thế.

  • Hải quan: “xé lẻ” để tính thuế

Trong các linh kiện nhập khẩu có bộ nguồn (CPU) được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Thế nhưng, các DN lắp ráp trong nước kêu than tình trạng cán bộ hải quan “xé lẻ” chiếc quạt tản nhiệt đi kèm với CPU để tính thuế thay vì được miễn thuế.

“Dù chiếc quạt tản nhiệt này là hàng trong hộp cùng với CPU nhưng khi nhập khẩu, hải quan lại xé lẻ chiếc quạt ra riêng để áp thuế đến 15%” - chủ doanh nghiệp máy tính Long Vũ nói. Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã đề nghị miễn thuế quạt tản nhiệt giống như CPU. Bên cạnh đó cần giảm thuế suất nhập khẩu linh kiện về mức bằng với thuế suất hàng nguyên chiếc để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng nhập.

Bên cạnh đó, một bất cập mà các DN trong nước đề xuất xử lý là hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghệ cao của Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu nhiều linh kiện máy tính, DN Việt Nam muốn sử dụng phải nhập trở lại với mức thuế suất cao, tốn thêm chi phí vận chuyển. Do vậy, đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN Việt Nam được mua hàng trực tiếp từ trong nước giúp các DN trong nước giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh được với sản phẩm nhập từ bên ngoài. Theo ông Phạm Thiện Nghệ, đó cũng là cách thiết thực hỗ trợ sản xuất để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Thu phí xăng dầu chỉ đạt 90,7% dự toán.

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công khai Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008 và Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2008.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao, việc đo đạc được tiến hành thí điểm tại hai xã là: Trạm Tấu và Bản Mù. Đến nay, việc đo đạc, điểu chỉnh đất sản xuất tại 2 xã làm điểm đã cơ bản hoàn thành với tổng diện đã đo đạc là 15.461 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 14.107 ha, đất phi nông nghiệp 236,18 ha, đất chưa sử dụng 1118 ha.

Doanh nghiệp sửa chữa ô tô Nam Thúy ở tổ 25, phường Nguyễn Thái Học tạo việc  làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động.

YBĐT - Với 3 đề án phát triển kinh tế của thành phố về đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông - lâm nghiệp, trong những năm qua, phường Nguyễn Thái Học đã có nhiều biện pháp tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

YBĐT - Ngày 28/7/2010, Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư tỉnh Yên Bái phối hợp với các ban ngành, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục