Bỏ ngỏ thị trường hàng lưu niệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/7/2010 | 9:45:18 AM
YBĐT-Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Yên Bái đã khơi dậy và khai thác có hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh của các địa phương, thu hút khách du lịch. Du lịch Yên Bái đã có bước khởi sắc đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dệt thổ cẩm.
|
Với quyết tâm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng khu du lịch trọng điểm và xác định được sản phẩm mũi nhọn của du lịch là vùng du lịch sinh thái văn hóa. Từng bước xây dựng tour, tuyến du lịch hấp dẫn du khách như: "Cội nguồn đất Tổ"; "Miền tây Hoa Ban trắng"; "Sức sống thành phố trẻ"; "Đất ngọc Lục Yên"; "Cội nguồn Tây Bắc"; "Sắc màu vùng cao"...
Cũng thông qua du lịch văn hóa, đã tạo ra các sản phẩm du lịch văn hoá góp phần tôn tạo, lưu giữ những truyền thống văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội. Phát triển mạnh du lịch cộng đồng tại các thôn bản (xây dựng nhà nghỉ tại gia, ăn uống, văn nghệ) phục vụ du khách.
Vì thế một câu hỏi đặt ra là mức độ sử dụng, tiêu thụ hàng lưu niệm văn hoá, nghệ thuật có hiệu quả không; có đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch không; cũng như việc chúng ta quan tâm tới thị trường này như thế nào? Bởi đây không chỉ là nét đẹp văn hoá, nghệ thuật mà còn là hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm Yên Bái thu hút trên 130 ngàn lượt khách đến du lịch, một con số không lớn đối với du lịch, nhưng thật ấn tượng với một tỉnh miền núi nhu Yên Bái.
Đây chính là khách hàng đông nhất, tạo nên một thị trường rộng lớn cho việc tiêu thụ và sản xuất hàng lưu niệm văn hoá, nghệ thuật, thế nhưng trong lĩnh vực này chúng ta lại gần như bỏ trống, nếu có cũng rất manh mún. Sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch đã có, song không hấp dẫn, hay nói cách khác là "chưa đạt tới trình độ moi tiền của khách".
Các sản phẩm tranh nghệ thuật từ chất liệu đá quý Lục Yên luôn hấp dẫn khách trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng tốt, song mẫu mã xấu, chúng ta chỉ mới chú ý đến các sản phẩm lớn, chưa có sản phẩm nhỏ lẻ đặc trưng của các vùng miền... Đến du lịch Yên Bái, muốn mua một vài sản phẩm, đồ lưu niệm về làm kỷ niệm hay làm quà cho người thân thật khó hơn mua vàng.
Bởi chúng ta chưa có chính sách cơ bản nào để điều tiết, thiếu sự định hướng tầm vĩ mô và sự liên kết hợp tác mở rộng, nâng cao chất lượng hàng lưu niệm nghệ thuật; cá nhân, tổ chức nào thấy có thể tiêu thụ được là làm, có nơi làm hàng lưu niệm, văn hoá, nghệ thuật cẩu thả khiến không những bị khách hàng chê, mà còn để họ hiểu sai về các giá trị văn hoá, đặc sắc, độc đáo của ta.
Vừa qua tôi cùng mấy người bạn có chuyến du ngoạn vùng đất ngọc Lục Yên, sau khi đi tham quan, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh thật tuyệt vời. Khi về muốn mua một món đồ lưu niệm nho nhỏ vùng đất ngọc nhưng đi khắp chẳng biết mua gì, tranh đá quý nhiều nhưng rất to và có giá cả trên triệu đồng, đá quý thì khả năng kinh tế có hạn nên không dám mơ tới, đá cảnh cũng vậy vừa to vừa giá cao. Anh bạn đi cùng thắc mắc sao người ta không chế tác, làm những mặt hàng nhỏ nhắn vừa túi tiền du khách nhỉ!
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù này, thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo sát, đánh giá lại tình hình và thực trạng của việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có sản xuất hàng lưu niệm văn hoá, nghệ thuật.
Có thể xây dựng làng nghề để sản xuất thí điểm các mặt hàng đó. Trong mô hình này Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí bước đầu cho một số công đoạn, như tổ chức hoạt động cho làng nghề ở tầm vĩ mô và bao tiêu sản phẩm. Hoặc tổ chức đào tạo nghề, in ấn tài liệu phục vụ cho sản xuất.
Trong các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thì hàng lưu niệm văn hoá, nghệ thuật phải được ưu tiên ở vị trí số 1 về mặt thuế, cước phí, lệ phí và có thể có các ưu tiên khác cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng này. Vì bên cạnh tính chất hàng hoá, nó còn có đặc điểm nổi bật là mang tính chất giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá hình ảnh con người cũng như danh lam thắng cảnh Yên Bái với bạn bè trong và ngoài nước.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái có bước phát triển và tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt gần 2.532 tỷ đồng, đạt 56,26% kế hoạch năm, tăng 35,05% so với cùng kỳ.
Thống kê chưa đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, có tới 5.783 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư trong năm 2008.
Bắt đầu từ ngày 1/8 tới, xăng sinh học chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với 20 điểm bán lẻ tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Một dự án sân bay Phú Quốc mới, với tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỉ đồng (tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8.000 tỉ đồng)... đang chuyển động.