Viễn cảnh và thực tế ở thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 10/8/2010 | 3:37:13 PM
YBĐT - Đại hội Đảng bộ thành phố Yên Bái lần thứ XVIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 2.000 tỷ đồng (phần thành phố quản lý 800 tỷ đồng), công nghiệp - xây dựng chiếm 49,5% trong cơ cấu kinh tế. >>>Xây dựng thành phố Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững
Sản xuất ván ép tại Công ty cổ phần Thành Đạt - Khu công nghiệp Đầm Hồng.
|
Nhìn lại chặng đường phát triển của thành phố những năm qua cho thấy, sản xuất công nghiệp đã có mức tăng trưởng cao và bền vững; đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, về lao động và tài nguyên thiên nhiên; công nghiệp thực sự là bước đột phá để phát triển kinh tế.
Thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, hàng loạt các doanh nghiệp đã ra đời và làm ăn phát triển, trong đó có cả những doanh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài và các doanh nhân là người địa phương. Khu công nghiệp Đầm Hồng mới được thành lập nhưng đã nhanh chóng được lấp đầy với 16 doanh nghiệp, tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng và thu hút gần 1000 lao động.
Hết năm 2010, ước giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 815,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 13,65%/năm (phần công nghiệp do thành phố trực tiếp quản lý đạt 325 tỷ đồng).
Chúng tôi có dịp đến thăm Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Thành Đạt tại Khu công nghiệp Đầm Hồng, một đơn vị tiêu biểu của thành phố Yên Bái trên lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Tạ Quốc Đạt cho biết: “Năm 2007, nhà máy mới chính thức đi vào hoạt động với tổng số vốn 20 tỷ đồng. Một năm sau đó đối mặt với “cơn bão” tài chính tiền tệ. Rất may là nhờ thiết bị công nghệ hiện đại, tay nghề công nhân khá và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cộng với các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và của tỉnh nên Công ty đã sớm vượt qua khó khăn với mức độ ảnh hưởng không lớn, sản phẩm của Công ty làm ra đạt chất lượng tốt, được khách hàng cả trong nước và nước ngoài tin dùng”.
Được biết năm 2009, riêng sản phẩm chất lượng cao Công ty Thành Đạt đã sản xuất và tiêu thu được 7.000 m khuôn và 20.000 m cửa các loại, tổng doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Hiện nay, 280 công nhân lao động trong Công ty đang thực hiện các đơn hàng cho các tổng công ty xây dựng trong nước và nước ngoài với các hợp đồng lên đến 20 tỷ đồng.
Cùng với Thành Đạt, hàng loạt các doanh nghiệp chế biến gỗ, chè, chế biến lương thực thực phẩm trên địa bàn đã giải quyết đầu ra ổn định cho hàng vạn hộ nông dân các huyện, thị trong tỉnh, tạo được các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trực tiếp, đóng góp mỗi năm cả chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Nếu Thành Đạt là gương mặt điển hình của một nhà đầu tư mới trên lĩnh vực chế biến nông lâm sản thì Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Yên Bái lại là một thí dụ về sự chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế.
Từ Công ty Cơ khí và Xây lắp công nghiệp Yên Bái làm ăn hết sức khó khăn, nhiều năm thua lỗ, tháng 2 năm 2007, Công ty Cơ khí và Xây dựng Yên Bái được tách ra theo mô hình cổ phần hoá toàn bộ. Mô hình quản lý mới, bộ máy lãnh đạo mới và tư duy lao động mới đã nhanh chóng đưa Công ty trở thành một đơn vị sản xuất, kinh doanh hiệu quả với ngành nghề chính vẫn là sản xuất, gia công cấu kiện thép và khung nhà tiền chế, hàng nghìn mét vuông cửa sắt, hoa sắt, đặc biệt là các khung nhà thép tiền chế quy mô lớn, chất lượng cao đã được đội ngũ thợ cơ khí của Công ty làm ra mỗi năm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, nhất là các nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng nhà xưởng; hiện doanh thu của Công ty đạt từ 7 đến 8 tỷ đồng, tình hình tài chính lành mạnh, công nhân có việc làm, thu nhập khá, doanh nghiệp đảm bảo có lãi.
Các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, lợi thế về địa lý, nằm trên trục kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc), với hai điểm đấu nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, giải pháp thành phố xác định là: tăng cường đổi mới thiết bị, công nghệ; mở rộng hình thức liên doanh, liên kết; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Đầm Hồng, xây dựng cụm công nghiệp Âu Lâu quy mô 50 ha. Về lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 23%, cùng với các chính sách về tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ...
Thành phố Yên Bái đã và đang làm hết sức mình để thúc đẩy công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, mục tiêu đến năm 2015 đạt giá trị 2.000 tỷ đồng. Đó là một viễn cảnh mang tính thực tế khi thành phố Yên Bái đã có nền tảng vững chắc, giải pháp mạnh và cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Gieo trồng lúa nương là tập quán canh tác lâu đời của người nông dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và là nguồn lương thực chính của bà con trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Do người nông dân vùng cao chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thâm canh 2 vụ lúa nước, mà mới chỉ dừng lại ở việc gieo trồng một vụ lúa mùa và một vụ lúa nương trong năm, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là nhận xét của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Research and Markets.
YBĐT - 21,5 tỷ đồng là số thu ngân sách trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) 6 tháng đầu năm 2010, bằng gần 71% kế hoạch tỉnh giao, bằng trên 64% mục tiêu phấn đấu của huyện và tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Một số sắc thuế đạt cao như: tiền giao đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế ngoài quốc doanh.
YBĐT - Vụ xuân năm 2010, mặc dù bị ảnh hưởng hạn hán kéo dài nhưng nông dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) vẫn gieo trồng được 1.720 ha ngô, đạt kế hoạch đề ra.