Việt Nam là điểm ngắm số một của doanh nghiệp Mỹ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/8/2010 | 8:05:18 AM

Đó là kết quả đưa ra trong Báo cáo thường niên về Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Mỹ tại các nước ASEAN do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Singapore công bố hôm 26.8.

Ông Steven R.Okun
Ông Steven R.Okun

Cuộc khảo sát của AmCham ASEAN được thực hiện từ tháng 5 - 7.2010 với sự tham gia của 328 DN Mỹ đang hoạt động tại 7 quốc gia, gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Trong số đó, có 57 DN đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhìn chung, có tới 73% DN Mỹ đánh giá tình hình kinh tế ASEAN năm 2010 sáng sủa hơn năm 2009. Riêng với Việt Nam, đánh giá cũng ở mức tương tự. Dù vậy, các DN Mỹ cho rằng tại Việt Nam, họ đối mặt với sự gia tăng chi phí cho các hoạt động tài chính và nguồn vốn, do lãi suất và lạm phát tăng.

Dù vậy, 71% DN Mỹ tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Bên cạnh đó, trong số 80% DN Mỹ tại ASEAN có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, có 30% muốn mở rộng tại Việt Nam, cao nhất trong 7 quốc gia nói trên.

Chủ tịch AmCham Singapore (cũng là AmCham chung của toàn khu vực ASEAN), ông Steven R.Okun, nói rằng xuất phát từ nguyện vọng của các DN Mỹ, AmCham Singapore sẽ tổ chức một hội thảo khu vực. Tại đây, AmCham Việt Nam và DN Mỹ tại Việt Nam sẽ cung cấp thông tin cho các DN Mỹ tại ASEAN, giúp họ có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi vào Việt Nam. Sau đó khoảng 2-3 tháng, AmCham Singapore sẽ cùng Đại sứ Mỹ tại Singapore dẫn đầu một đoàn DN Mỹ đến Hà Nội và TP.HCM, gặp gỡ các quan chức và cộng đồng DN Việt Nam để cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển kinh doanh.

Trao đổi bên lề buổi họp báo, ông Steven R.Okun về sự quan tâm của DN Mỹ đối với Việt Nam.

* Thưa ông, do đâu mà DN Mỹ quan tâm đến Việt Nam như vậy?

- Trong vài năm trước đây, người ta nói nhiều đến các nền kinh tế lớn gọi tắt là BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), những nước có hàng trăm triệu dân và kinh tế nặng về xuất khẩu. Gần đây, các DN Mỹ có xu hướng chuyển dần sang khu vực ASEAN, đặc biệt là các quốc gia VIP (Việt Nam, Indonesia và Philippines). Các nước này không thuần xuất khẩu, lại có nhu cầu nội địa lớn. Đặc biệt ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất nhanh, nhu cầu mua sắm của họ rất cao.

Mặt khác, Việt Nam gần đây đang tiến dần đến tự do hóa trên các mặt thị trường, chính sách thương mại, và có nhiều cải tiến về hải quan... Chưa kể VN có lực lượng lao động lớn, nhiều tài năng trẻ, và trình độ giáo dục cao. Đó là những điểm cộng không chỉ đối với DN Mỹ. Có rất nhiều cơ hội ở VN. Ngoài ra, Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN. Làm ăn với Việt Nam, DN Mỹ có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN có với các quốc gia khác.

* Những lĩnh vực nào DN Mỹ đang muốn mở rộng ở Việt Nam, thưa ông?

 - Thứ nhất là lĩnh vực dịch vụ và hậu cần. Những tập đoàn lớn ví dụ UPS (tập đoàn vận chuyển hàng hóa và hậu cần số 1 thế giới) đang mở rộng ở VN do hoạt động thương mại giữa VN và các nước phát triển mạnh. Tiếp theo là lĩnh vực chế tạo. Nhiều DN Mỹ đang muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam để đa dạng hóa hoạt động của mình trong khu vực.

* Thưa ông, báo cáo cũng nêu ra nhiều quan ngại của DN Mỹ khi làm ăn tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng, luật lệ, thuế… Bằng cách nào các ông có thể vượt qua những trở ngại đó?

- Chúng tôi chấp nhận đối mặt với thực tế và chủ động làm việc với Chính phủ Việt Nam, với cộng đồng DN ở đây. Dần dần chúng tôi thấy sự cải thiện. DN Việt Nam hợp tác tốt với DN Mỹ, nhân viên Việt Nam ngày càng được đào tạo tốt hơn. Đó là kết quả cùng thắng đối với đôi bên, tuy có thể mất thời gian một chút.

(Theo TNO)

Các tin khác
Đã có gần 250 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống giao thông của huyện Trạm Tấu trong 5 năm qua.

YBĐT - Trong 5 năm qua, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã mở mới được 340 km đường liên thôn bản, cải tạo nâng cấp 61 km đường ô tô đến các xã. Có đường, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng vào cuộc sống, góp phần quan trọng xóa đói nghèo ở địa phương đặc biệt khó khăn của cả nước.

Theo số liệu tổng hợp từ Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước.

Mở đường lên vùng cao.

YBĐT - Dẫu chưa có nhiều tuyến đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhưng hôm nay, Yên Bái đã có một hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

YBĐT - Những năm qua, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) đã có nhiều biện pháp khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục