Con đường thức dậy một vùng quê
- Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2010 | 2:16:52 PM
YBĐT - Trò chuyện với cụ Phạm Thị Thơm ở thôn 15, xã Đại Lịch (Văn Chấn) bên đình Bằng Là, cụ tâm sự: “Tôi cứ nghĩ có khi đến lúc chết cũng chẳng được nhìn thấy ô tô về thôn! Thế mà bây giờ thôn đã có đường trải nhựa và việc đi lại sướng quá rồi!...”.
Cầu Bến Cao trên tuyến đường Đại Lịch - Minh An (Văn Chấn) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
|
Tuyến đường từ Đại Lịch đi qua các xã: Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An (Văn Chấn) với chiều dài 3 chục cây số. Trước khi chưa trải nhựa thì nền đường có chỗ rộng ô tô đi lại được và có đoạn chỉ đi được xe đạp, xe máy nhưng nền đường rất xấu. Biết bao người dân sống trên trục đường này dẫu đầy tiềm năng mà vẫn phải chịu bao thiệt thòi về chất lượng cuộc sống so với nhiều vùng quê khác. Song, một năm trở lại đây, khi con đường nhựa thông xe thì nhịp sống mới của cả vùng như bừng dậy. Nếu như vài năm về trước đi qua vùng này, nhiều người có chung cảm giác buồn tẻ bởi dân bên đường thưa thớt, thì thời bây giờ đã rất đông và vận tải thuận lợi, nhiều nhà ở có kiến trúc hiện đại như phố xá.
Cảnh làm ăn cũng tấp nập hơn với quán hàng, dịch vụ. Hình ảnh quen thuộc bao năm ở nhiều đoạn dọc theo tuyến đường dưới ruộng trên nương thì nay những nương ngô, lúa, sắn, khoai đang nhường chỗ cho cây nguyên liệu. Anh Phạm Xuân Hùng ở thôn 2, xã Đại Lịch cho biết: “Trước đây, một số hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Nhưng vì đường sá khó khăn, người mua thường trả giá thấp nên nhiều hộ vẫn chưa bán. Còn bây giờ, xã đã có khoảng 3 - 4 cơ sở chế biến gỗ bóc”.
Cùng chung nỗi khổ vì đường sá khó khăn là cây chè. Vùng này là đất của chè và có nơi độc canh cây chè nhưng cứ vào mùa mưa là dân làm chè khốn đốn. Xe của nhà máy vào mua nguyên liệu chất đầy xe cũng chỉ được quãng 5 tấn búp song nếu không may bị sa lầy thì toàn bộ hàng phải dỡ xuống, cả tuần sau lái xe vẫn “ngán”, chưa dám quay lại. Và khi quay lại thì chè đã quá lứa, giá mua cũng thấp hơn vì chi phí vận tải cao. Những mối bận tâm ấy giờ đã hoàn toàn tan biến bởi cứ sau giờ hái chè buổi sáng hay buổi chiều, người dân chỉ cần tập kết nguyên liệu thành điểm để cân và bốc gọn. Dịch vụ vận tải cũng nhờ có đường nhựa mà tăng thêm cơ hội đầu tư.
Cụ thể như trường hợp của anh Đào Khòe ở bên kia cầu treo Bến Cao thuộc xã Chấn Thịnh. Anh Khòe cho biết, khi có đường nhựa, anh đã mua 2 chiếc xe ô tô, một chiếc hơn tỷ đồng và một chiếc hơn hai trăm triệu đồng. Hai chiếc xe này đã giúp cho anh đẩy mạnh phát triển kinh doanh vận tải, vật tư nông nghiệp, làm dịch vụ phông bạt, bát đĩa cho các đám hiếu, hỉ, hội nghị… Mong ước lớn nhất của anh Khòe cũng như bao người dân là sớm có cây cầu lớn bằng bê tông cốt thép bắc qua ngòi Lao thay cho cây cầu treo. Nếu có cầu, ô tô không phải đi lại qua ngầm tràn có ngày gần chục lượt, mỗi lượt thu phí 20.000 đồng mà ngày lũ thì không thể qua được.
Bên cạnh những cái lợi trong làm ăn lớn còn có bao nhiêu việc khác được hưởng lợi từ con đường nhựa mới. Cụ Phạm Thị Hoa ở xã Bình Thuận năm nay đã 80 tuổi, từ ngày có đường nhựa lên thăm gia đình người con trai ở trung tâm xã thường xuyên hơn bởi hễ cụ nhớ con nhớ cháu là lại sai người lai xe máy vèo một lúc là đến. Cụ bảo, trước đây đường khó đi, quán xá ít, có muốn mua tí muối tí mắm cũng phải đi rõ xa mà hàng lại hiếm. Buồng chuối, quả mít ăn không hết thì chỉ có mang cho hoặc đổ bỏ. Còn bây giờ, chuối tiêu đã có người hỏi mua từ lúc còn xanh và mít thì người ở mãi tận Thanh Ba (Phú Thọ) lên mua hết để sấy khô xuất khẩu.
Trong hàng loạt cái được của con đường thì có cái được lớn nhất trong đời sống thường nhật mà nhiều người đề cập, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đi học. Đúng là như vậy bởi đi trên đoạn đường này mới thấy, chỉ riêng con suối Bằng Là đã có mấy đoạn cắt qua đường nhựa và trước đây, khi chưa có ngầm tràn, vào ngày lũ, rất nhiều trẻ không thể đến lớp học. Hay như ở thôn 14 của xã Nghĩa Tâm, bọn trẻ phải đi học tận bên thôn Nghĩa Lập nhưng chỉ có đi bộ bởi đoạn đèo Tạng Núa vừa dốc vừa quanh co, lởm chởm đá. Nay đường tốt, trẻ được bố mẹ đưa đón bằng xe máy. Rất nhiều trẻ như anh em Lê Văn Khánh, Lê Thị Dung ở Trường Tiểu học xã Nghĩa Tâm đã được bố mẹ mua cho xe đạp mới để lai nhau đi học. Còn trẻ nào phải đi bộ thì những đôi chân bé nhỏ cũng đỡ nhọc nhằn hơn bởi không còn bị lấm bết bùn lầy lúc trời mưa, không còn bước thấp bước cao do mặt đường khấp khểnh. Nhìn lũ trẻ tung tăng cắp sách đến trường, tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh con đường này đang dẫn thế hệ chủ nhân tương lai của vùng đất này đi đến ngày mai của một miền quê giàu đẹp.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Sùng Đô có 307 hộ dân với 2.017 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông. Đây cũng là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng trên 4 ngàn ha nhưng địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi.
Mỗi lượng vàng đột ngột vượt lên và bỏ xa mốc 29 triệu đồng vào sáng nay, sau khi thị trường thế giới có dấu hiệu nhảy vọt.
Hôm nay (1/9), giá gas sẽ tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ là 258.000 đồng/bình.
YBĐT - Ngày 31/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm và bàn các giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2010. Đồng chí Nguyễn Văn Bình-Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.