Bài học từ việc đầu tư xa rời thực tế

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/9/2010 | 9:14:58 AM

YBĐT - Khi dây chuyền đi vào hoạt động thì chỉ sản xuất được duy nhất giống cây bạch đàn mô. Điều đáng nói là giống cây được sản xuất ra này lại rất khó tiêu thụ.

Bạch đàn trồng trên đảo hồ Thác Bà (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bạch đàn trồng trên đảo hồ Thác Bà (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao và nâng cao hiệu quả kinh tế cho trồng rừng kinh tế, năm 2003, tỉnh Yên Bái đã đầu tư trên 2,7 tỷ đồng cho Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái xây dựng dây chuyền sản xuất giống cây lâm nghiệm theo công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Đây được coi là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây lâm nghiệp của ngành nông nghiệp Yên Bái. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đi vào sản xuất, đến nay toàn bộ dây chuyền đã phải ngừng hoạt động.

Việc đầu tư, ứng dụng, áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật vào sản xuất giống cây là phù hợp với xu thế sản xuất nông - lâm nghiệp. Bởi giống sản xuất ra đảm bảo độ đồng đều, thích nghi cao, năng suất và chất lượng tốt phù hợp cho sản xuất rừng kinh tế nhất là ở một tỉnh mà lâm nghiệp luôn giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 13-15 ngàn ha rừng thì cần tới trên 30 triệu cây giống các loại, một con số không hề nhỏ. Khi dây chuyền sản xuất nuôi cấy mô tế bào thực vật được khánh thành đi vào sản xuất, người trồng rừng Yên Bái rất phấn khởi, thế là từ nay không còn phải lo cây giống nữa! Tuy nhiên, khi dây chuyền đi vào hoạt động thì chỉ sản xuất được duy nhất giống cây bạch đàn mô. Điều đáng nói là giống cây được sản xuất ra này lại rất khó tiêu thụ.

Tìm hiểu vấn đề này, ông Nguyễn Đại Hải - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái cho biết, giống cây bạch đàn mô do Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái sản xuất ra rất tốt, hoàn toàn phù hợp với đất đai và cho năng suất cao. Điều đó được minh chứng, hàng trăm ha rừng bạch đàn mô đã được trồng ở Lâm trường Yên Bình, Lâm trường Thác Bà và nhiều gia đình hộ dân ở Yên Bình, Trấn Yên. Chỉ tính riêng từ năm 2005-2009, Trung tâm đã sản xuất trên 6 triệu cây giống và đã tiêu thụ hết. Giống bạch đàn mô này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cũng như trình độ thâm canh của người dân, cây sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, chu kỳ ngắn chỉ 5 năm là cho thu hoạch, năng suất cao trung bình đạt 70m3/ha.

Quả thật, những cánh rừng trồng bằng giống bạch đàn mô phát triển rất tốt, cây mọc đều tăm tắp và chỉ 5 năm đã to bằng cái phích đựng nước, nếu được chăm sóc tốt năng suất đạt không dưới 70m3/ha, vượt trội so với tất cả các giống cây lâm nghiệp đang được trồng trên địa bàn. Giống tốt là điều không ai có thể phủ nhận được, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ dây chuyền phải ngừng sản xuất đến nay là không tiêu thụ được giống. Giống tốt, năng suất cao, vậy mà người trồng rừng lại không sử dụng, mỗi khi vào vụ trồng rừng lại chạy đôn chạy đáo lo giống, chuyện nghe tưởng như đùa nhưng lại là sự thật.

Đó cũng là lý do mà dây chuyền sản xuất có công suất trên 2 triệu cây bạch đàn giống mỗi năm nhưng chưa bao giờ sản xuất quá 50% công suất. Đi tìm nguyên nhân được biết, dẫu bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng từ 13 - 15 ngàn ha rừng, trong đó có trên 10 ngàn ha là rừng kinh tế, nhưng cơ cấu trồng bạch đàn mô chỉ ở mức 500 ha. Năm 2010, cơ cấu trồng bạch đàn chỉ là 87 ha. Không chỉ có vậy mà trồng bạch đàn mô sau khi khai thác lứa thứ nhất còn tiếp tục khai thác mầm chồi tiếp theo nên lượng giống sử dụng là rất ít.

Người dân cũng muốn trồng bạch đàn mô để có hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng sản phẩm gỗ bạch đàn khó tiêu thụ, giá bấp bênh. Năm 2009 giá gỗ bạch đàn chỉ đạt 400 ngàn đồng/m3, sang năm 2010 giá cũng chỉ đạt 800 ngàn đồng/m3. Gỗ bạch đàn chỉ bán cho các cơ sở chế biến ván bóc và ván ép, nếu bán cho các cơ sở, nhà máy chế biến giấy thì giá rất thấp và các nhà máy giấy cũng không muốn “ăn” loại gỗ này. Đó là lý do mà người trồng rừng ít chọn giống bạch đàn mô dẫu rất thiếu cây giống.

Bên cạnh đó phải nói đến giống bạch đàn mô do Trung tâm sản xuất ra giống đã cũ chủ yếu là PN2, PN14, U6 không phù hợp, giá thành cao. Những năm đầu mới đi vào sản xuất còn được tỉnh hỗ trợ, bù lỗ nhưng khi cắt nguồn vốn này Trung tâm sản xuất liên tục bị lỗ, đời sống cán bộ kỹ thuật, công nhân không đảm bảo dẫn tới dây chuyền đóng cửa. Việc đóng cửa dây chuyền là hậu quả của việc đầu tư xây dựng không sát với thực tế, không có sự tính toán và chiến lược trong sản xuất, thậm chí quá đơn điệu về loại giống.

Dây chuyền nuôi cấy mô tế bào thực vật phải dừng hoạt động là bài học nhãn tiền cho việc đầu tư xây dựng sản xuất, nhất là trong sản xuất giống cây nông - lâm nghiệp. Thiết nghĩ, mỗi công ty, doanh nghiệp trước khi xây dựng dự án cần tính toán sát thực tế, bảo đảm tính ứng dụng, hiệu quả cao tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả gây tốn kém tiền của Nhà nước.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Thị trường ô tô đang trong tình trạng ế ẩm

Hai tháng qua, các nhà sản xuất ô tô trong nước đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu, như hỗ trợ trước bạ, kiểm tra xe miễn phí, cho vay ưu đãi... nhưng thị trường vẫn ế ẩm.

Trước khi bị bắt, ông Vũ cho biết, ông tin mình không có tội.

Ngày 3/9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt 4 cán bộ cao cấp của Vinashin, trong đó có ông Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin và ông Trần Văn Liêm nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát.

Nuôi nhím ở gia đình ông Phạm Văn Thủy, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái

YBĐT - Nuôi nhím thương phẩm lỗ, nuôi sinh sản bán giống thì lãi nhưng thử hỏi gia đình nào cũng nuôi nhím sinh sản thì sẽ bán nhím giống cho ai? Và rồi hàng trăm, hàng vạn nhím giống ai mua?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chúc mừng doanh nghiệp nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2010.

Ngày 2-9, gần 1.000 đại biểu đã đến dự lễ trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2010 do Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam tổ chức tại TPHCM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục