Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp: Yêu cầu từ thực tế
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/9/2010 | 10:08:44 AM
YBĐT - Những năm qua, hoạt động du lịch của Yên Bái đã có bước phát triển đáng khích lệ, nhất là từ năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai phối hợp tổ chức một số sự kiện trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn”, đã góp phần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn ba tỉnh, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn.
Theo số liệu thống kê qua các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp du lịch, doanh thu năm 2009 của ngành du lịch Yên Bái đạt 118 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm trước. Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng xét trên nhiều yếu tố thì du lịch Yên Bái mới trong đoạn đầu phát triển với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguồn nhân lực hạn chế là một nguyên nhân không nhỏ khiến du lịch tỉnh nhà chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.
Nhận thức được yếu tố con người là hết sức quan trọng trong việc tạo ấn tượng, lôi cuốn khách du lịch, quảng bá trong cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng đã từng bước được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Cơ quan quản lý du lịch và một số doanh nghiệp khách sạn đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch được bổ sung và từng bước trưởng thành, nhưng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Đồng thời, có sự chênh lệch về chất lượng lao động giữa các điểm du lịch, các địa phương trong tỉnh và các cơ sở kinh doanh du lịch thuộc các thành phần kinh tế.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, toàn quốc hiện có trên 1 triệu lao động chuyên về lĩnh vực du lịch, trong đó lao động trực tiếp chiếm 19%. So với tổng số lao động toàn quốc, lao động du lịch chỉ chiếm xấp xỉ 4%. Để đạt mục tiêu chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2010-2015 với chỉ tiêu đạt từ 5,5-6 triệu lượt khách quốc tế, 28-30 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ 4-4,5 tỷ USD thì cần phải có trên 300.000 lao động trực tiếp về du lịch có đào tạo, cộng với 50% số lao động hiện có chưa qua đào tạo và một bộ phận lớn lao động phải đào tạo lại.
Chất lượng lao động ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhìn chung còn yếu. Tính đến hết năm 2009, ngành du lịch Yên Bái có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch, 72 cơ sở lưu trú, 40 nhà hàng với trên 1.850 lao động trực tiếp và khoảng trên 1000 lao động gián tiếp, hợp đồng lao động thời vụ. Trong số trên 1.850 lao động trực tiếp mới chỉ có 440 người - chiếm 24% lao động đã qua đào tạo, trong đó 130 lao động được đào tạo đúng chuyên môn. Còn lại 76% lao động chưa qua đào tạo.
Những năm tới, Yên Bái tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh phát triển du lịch hình thành nên các khu du lịch lớn của tỉnh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với hai tỉnh Lào Cai và Phú Thọ trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn”; tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng được phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch tỉnh nhà. Với mục tiêu đón, phục vụ 500.000 lượt du khách trong nước và quốc tế của du lịch Yên Bái thì nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong ngành là rất lớn, ước khoảng trên 4.000 lao động. Như vậy, trong vòng năm, mười năm tới, việc đào tạo mới và đào tạo lại cho một lực lớn lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch là hết sức cần thiết.
Hiện nay, các trường dạy nghề trong tỉnh chưa xây dựng được giáo trình chuyên ngành về lĩnh vực du lịch. Việc đào tạo lao động trong lĩnh vực này của các trường nghề mới chỉ dừng lại ở liên kết đào tạo, chủ yếu là nhờ vào chương trình của các trường tuyến trên. Do đó, chương trình giảng dạy ít nhiều chưa phù hợp với thực tế địa phương, không đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh đồng thời cũng khiến cho học viên khó tiếp thu.
Các cơ sở đào tạo cần tổ chức xây dựng được giáo trình, chương trình giảng dạy riêng phù hợp với điều kiện thực tế. Trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ lao động cũng là tiêu chí bắt buộc trong điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này để doanh nghiệp ý thức được việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động...
Thu Hạnh
Các tin khác
Sau ba năm xây dựng, ngày 8/9, Nhà máy thủy điện Mường Kim có công suất 13,5MW đã chính thức phát điện, hòa lưới điện quốc gia.
YBĐT - Đến ngày 6/9 đó có trên 2.645 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh tập trung ở huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình và Trấn Yên. Các đối tượng chủ yếu gây hại là rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông...
Báo cáo về Khả năng Cạnh tranh Toàn cầu 2010 - 2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 9/9 cho biết, Việt Nam đã vượt 16 bậc trong bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu.
Ngày 9.9, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của QH họp phiên toàn thể để thẩm tra dự thảo nghị quyết của QH về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (NN).