Bảo hiểm vật nuôi: Tại sao không?
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/9/2010 | 2:44:16 PM
YBĐT - Có một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm nay Việt Nam là đất nước sản xuất nông nghiệp vậy mà thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn bị bỏ ngỏ, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn rất khó khăn trong việc đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Vậy đâu là nguyên nhân? Ở đây chỉ xin đề cập đến một trong những đối tượng nông nghiệp cần được bảo hiểm, đó là bảo hiểm vật nuôi.
Đầu tư chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro do dịch bệnh ngày càng nhiều.
|
Chúng tôi đã tìm đến nhiều công ty bảo hiểm, gặp gỡ nhiều tư vấn viên bảo hiểm để hỏi về sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, nhưng thật tiếc là chỉ nhận được câu trả lời: “Chưa nghe thấy loại hình bảo hiểm vật nuôi bao giờ”; “Không biết hãng bảo hiểm của mình có sản phẩm đó hay không? Hình như là có nhưng chỉ là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi mà cụ thể là người nuôi chó nếu tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, khi không may con chó đó cắn người thì sẽ được Công ty Bảo hiểm bồi thường thiệt hại”…
Ông Đỗ Đăng Trọng: “vấn đề là có cơ chế phù hợp và nông dân chăn nuôi quy mô lớn.
Đem vấn đề này ra trao đổi với ông Đỗ Đăng Trọng - Trưởng phòng Nghiệp vụ I Công ty Bảo Minh Yên Bái, ông Trọng cho biết: Công ty Bảo hiểm Bảo Minh là đơn vị luôn đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm mới, mặc dù vậy loại hình bảo hiểm vật nuôi cũng chưa bao giờ triển khai. Theo những gì tôi hiểu thì nếu triển khai thì cũng rất khó khăn, chẳng hạn như: khó có thể xác định được giá trị của vật nuôi mà áp dụng mức bồi thường; con vật chứ không phải là ô tô, xe máy hay nhà cửa, công trình… không có đăng ký, đăng kiểm, mã số, mã vạch gì nên rất khó xác định được con trâu nào đã mua bảo hiểm, con trâu nào không?! Khi dịch bệnh lan tràn, Công ty Bảo hiểm không lấy đâu ra người mà đánh giá, kiểm tra mức độ thiệt hại và tiến hành các thủ tục bồi thường cho khách hàng. “Không lẽ người dân cứ để lợn chết trong chuồng cả tuần đợi nhân viên bảo hiểm đến xác minh, làm thủ tục bồi thường” - ông Trọng nhấn mạnh.
Một vấn đề không thể không nói đến là nền chăn nuôi của chúng ta rất manh mún, chứa đựng quá nhiều rủi ro nên nhà kinh doanh bảo hiểm có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể phục vụ hết hoặc chẳng dại gì tham gia kinh doanh để đứng trước nguy cơ bục quỹ. Với người chăn nuôi thì cứ mạnh dạn, mạo hiểm mà đầu tư, chăn nuôi nếu không dịch bệnh thì hoàn vốn, sinh lời, lao động có việc làm, ngược lại thì phá sản, nợ nần, thiếu đói. Điều đáng nói là dịch bệnh ngày càng nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp. Nào là heo tai xanh, lợn tụ huyết trùng, trâu bò lở mồm, long móng… chết cả chuồng, cả trại, có tỉnh chết hàng trăm nghìn con… vì thế số các trang trại thành công, hộ gia đình trở nên giầu có nhờ chăn nuôi không nhiều mà số hộ thua lỗ, nợ nần vì đầu tư chăn nuôi công nghiệp lại không ít.
Đem câu hỏi “Nếu bỏ ra số tiền khoảng một vài chục nghìn đồng để mua bảo hiểm cho mỗi con lợn hoặc trâu, bò, để đến khi lỡ không may dịch bệnh xảy ra thì bảo hiểm sẽ đền bù thiệt hại thì gia đình có chấp nhận hay không?”, chúng tôi đã nhận được câu trả lời của rất nhiều hộ chăn nuôi là “Sẵn sàng, nhưng với điều kiện thủ tục nhanh gọn, thuận lợi”.
Ông Hanh Ninh ở Bảo Hưng, Trấn Yên cho biết: “Làm thế thì tốt quá vì chăn nuôi bây giờ nhiều rủi ro trong đó điều đáng sợ nhất là dịch bệnh. Tuy nhiên phần lớn nông dân đều ngại làm các thủ tục giấy tờ, vì thế thực hiện bảo hiểm vật nuôi phải tiến hành sâu, rộng, có tổ chức như Hội Nông dân chẳng hạn đứng ra đồng hành với nông dân mới thực hiện được”.
Khi tìm hiểu thông tin thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết tại Công ty Sữa Mộc Châu(Sơn La) có hình thức bảo hiểm bò sữa rất hay. Mỗi hộ nuôi bò sữa bỏ ra 250 nghìn đồng/con bò, nộp cho Công ty làm quỹ bảo hiểm. Khi không may con bò dịch bệnh thì Công ty trích quỹ bồi thường cho hộ chăn nuôi. Sản phẩm sữa cũng được tổ chức bảo hiểm, mỗi lít sữa bán cho công ty với giá thỏa thuận, hộ gia đình nộp vào vài trăm ngàn đồng tiền bảo hiểm, nếu giá sữa hạ đến một ngưỡng nào đó thì Công ty trích quỹ hỗ trợ hộ chăn nuôi. Cách làm rất đơn giản, được người chăn nuôi ở Mộc Châu phấn khởi tham gia và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để nghề chăn nuôi bò sữa ở đây phát triển.
Từ câu chuyện này cho thấy mặc dù việc quản lý bò sữa dễ hơn, phần lớn người nuôi bò là “người một nhà” (cùng nông trường) nhưng đó cũng là câu chuyện đáng để những nhà quản lý và nhất là các nhà kinh doanh bảo hiểm suy nghĩ. Vấn đề ở đây là phải tạo ra được lòng tin giữa các bên, hay nói đúng hơn là có cơ chế, chính sách, ràng buộc phù hợp để không có chuyện như lợn ốm ở đâu bắt về chuồng nhà mình rồi gọi nhân viên bảo hiểm đến bồi thường hay bỏ tiền ra mua bảo hiểm rồi nhưng phải lần chạy đi xin quyền lợi của mình khi có rủi ro trong chăn nuôi.
Ông Đỗ Đăng Trọng cũng cho biết: Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng nếu hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn, sẵn sàng bỏ một, hai chục nghìn đồng mua bảo hiểm cho mỗi đầu lợn, khi có dịch bệnh, lợn chết, Công ty Bảo hiểm bồi thường một khoản tiền nhất định, 1 triệu đồng/con chẳng hạn thì loại hình bảo hiểm vật nuôi mới có thể thực hiện được, mặc dù không thể kinh doanh rộng rãi sản phẩm này.
Tấn Đạt
Các tin khác
Các doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam lại đồng loạt điều chỉnh giá thép tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tấn áp dụng cho các đơn hàng giao tại nhà máy vào trung tuần tháng 9-2010 sau khi đã tăng ít nhất năm lần vào tháng trước.
YBĐT - Ngày 10/9, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 – 10/9/2010) và trao phần thưởng thi đua cho các tập thể và cá nhân có thành tích năm 2009. Đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự.
YBĐT - Nhằm tạo cho phụ nữ có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa qua, HTX Mây tre đan Toàn Thắng huyện Lục Yên (Yên Bái) phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã Mai Sơn tổ chức khai giảng lớp học đan mây tre cho 30 học viên là phụ nữ thôn Sơn Bắc.
YBĐT - Những năm qua, hoạt động du lịch của Yên Bái đã có bước phát triển đáng khích lệ, nhất là từ năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai phối hợp tổ chức một số sự kiện trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn”, đã góp phần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn ba tỉnh, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn.