Thợ xây Yên Bái: Vừa thiếu, vừa yếu

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2010 | 9:40:37 AM

YBĐT - Những năm trở lại đây, ngành xây dựng Yên Bái đã có những bước phát triển lớn cả về số doanh nghiệp, số cán bộ công nhân, doanh thu và cả quy mô công trình nhận thầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng sự phát triển của ngành xây dựng thực sự chưa xứng với tiền năng và với nhu cầu của xã hội!

Đội ngũ cán bộ công nhân vừa thiếu, vừa yếu, còn doanh nghiệp đăng ký ngành nghề xây dựng nhiều vô kể nhưng quy mô nhỏ lẻ, làm ăn manh mún.

Một thực tế cho thấy, người dân có nhu cầu xây nhà thì trong vô số nỗi lo có thêm nỗi lo lớn là làm sao tìm được đội thợ lành nghề, làm ăn có trách nhiệm. Thiếu cả thầy và thợ trong nghề xây dựng đã khá trầm trọng, ngay cả khi giá nhân công đã lên tới 450, 500 nghìn đồng/m2 nhà cấp III. Với mức giá như vậy, theo tính toán, một đội thợ có tay nghề khá, chịu khó làm việc và biết tổ chức thi công thì ngày công đạt ít nhất 150 nghìn đồng.

Ông Đỗ Văn Ảnh - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng số III Yên Bái đã có phàn nàn với chúng tôi rằng: “Rất thiếu công nhân, Công ty sẵn sàng tuyển lao động không biết nghề được đào tạo miễn phí, rồi đưa về các đội làm việc, trả lương khá, cùng các điều kiện đảm bảo khác”. Chung nỗi lo thiếu thợ, ông Thanh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cùng với 6 anh em khác làm nghề thợ xây, nhờ có tay nghề khá và làm ăn có trách nhiệm nên nhiều người có nhu cầu xây nhà nhờ cậy. Ông Thanh rất muốn tuyển thêm thợ để thi công cho nhanh, cùng lúc nhận được nhiều công trình nhưng về quê, vào làng tìm người không được. “Tuyển được thợ đã rất khó, việc giữ được quân cũng không dễ tý nào, không lo được cho anh em đời sống khá là họ bỏ đi ngay” - ông Thanh cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng trên không gì khác là lười biếng và ý thức tổ chức kỷ luật kém. Hàng vạn lao động không có việc làm ổn định ở cả nông thôn và thành thị, nhất là số học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III nhưng không học lên; số lao động này chỉ cần có sức khỏe, chịu khó lao động là được tuyển vào các công ty xây dựng hoặc đi làm theo các đoàn thợ, sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, nhưng với rất nhiều thanh niên mới lớn thì nghề thợ xây rất kém hấp dẫn.

“Tưởng chú giới thiệu cho cháu làm nghề gì, chứ nghề vôi vữa thì cháu ở nhà cho xong!” - đó là câu nói của rất nhiều thanh niên. Họ nói vậy mà họ không hiểu được rằng ngoài thể lực vào loại trung bình ra, họ chẳng có trình độ, bằng cấp hay tay nghề gì khác. Bên cạnh việc lười lao động là ý thức tổ chức kỷ luật của công nhân rất thấp, làm ăn chống đối rất phổ biến.

Ông Nguyễn Anh Tú - một nhà thầu Hà Nội lên làm ăn ở Yên Bái đã phàn nàn: “Công nhân làm chậm, làm hay hỏng nhưng cứ đòi lương cao, hễ chủ đầu tư có ép tiến độ một tý là thể nào công nhân cũng dọa nghỉ việc. Có khi họ khỏi cần yêu sách gì, thích là họ nghỉ với lý do như: đi đám cưới, đám giỗ, thậm chí là con gà nhà anh A, anh B bị què, anh em mổ thịt làm bữa rượu nên cả tổ nghỉ luôn buổi chiều. Thật hết chỗ nói!”.

Ông Phạm Quốc Hiển - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong số 13 doanh nghiệp tham gia Công đoàn ngành xây dựng hiện có 2.000 cán bộ công nhân, trong đó công nhân khối xây lắp chiếm khá đông, họ đều có tay nghề nhưng tuổi đời đã khá cao, rất nhiều người trong số họ làm việc cốt để giữ lấy cuốn sổ bảo hiểm, chờ ngày về hưu.

Sức hút của bốn doanh nghiệp xây lắp lớn trong tỉnh gồm các công ty xây dựng I, II, III và IV đã không đủ sức lôi kéo cán bộ trẻ, có tay nghề giỏi hoặc kỹ sư được đào tạo bài bản. Nhìn lại các công ty xây dựng của Yên Bái mới thấy nhiều vô kể mà năng lực lại rất thấp, thiết bị không có hoặc rất lạc hậu; trông chờ vào các công trình vốn ngân sách là chủ yếu.

Nhận được công trình, giao cho các đội, thu lại một khoản nào đó hoặc các đội trưởng xây lắp kiếm được công trình, lấy danh nghĩa công ty để ký kết, để thi công còn công ty thì trích lại một khoản... đó là cách làm, cách quản lý và cách tồn tại phổ biến hiện nay. Nhiều công trình quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều được triển khai tại Yên Bái nhưng không phải do nhà thầu Yên Bái đảm trách như tòa nhà Viettel, trụ sở Cục Thuế, đặc biệt là các gói thầu đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai… vì rất nhiều lý do, trong đó lý do đầu tiên là không có đến 20% vốn đối ứng.

Trong số mấy trăm công ty làm nghề xây dựng ở Yên Bái, không có công ty nào mua được cần cẩu, trạm trộn bê tông, máy bơm bê tông; ngay như Công ty cổ phần Xây dựng số III có nghề, có dàn thiết bị thi công cơ giới san tạo mặt bằng là thế mà giờ đã mai một hẳn. Một cán bộ lâu năm trong ngành xây dựng đã chua chát nói với chúng tôi rằng: “Các công ty xây dựng Yên Bái đi từ “bê” đến “bê phẩy”, rồi sẽ tiếp tục đến “bê hai, ba phẩy”.

Đội ngũ thợ thiếu và yếu, doanh nghiệp non yếu, chỉ nhìn vào vốn ngân sách bị lép vế hoàn toàn trên sân nhà trước các công trình quy mô lớn là một thực tế đáng buồn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu và vươn lên, trách nhiệm thuộc về cả người thợ lẫn đội ngũ cán bộ quản lý.

Tấn Đạt

Các tin khác

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, Thủ tướng cho phép các đơn vị hữu quan bỏ tờ khai hải quan cho tất cả hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, tại các cửa khẩu đã được trang bị máy đọc hộ chiếu và nối mạng máy tính.

Chiều 12-9, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009, nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trước ý kiến cho rằng, Thông tư số 122/2010/TT-BTC về sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Giá nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới định hướng thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.

YBĐT – Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái (QSEAP) tổ chức lễ khởi công và phát động chương trình trồng và cải tạo chè năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục