Kinh tế lâm nghiệp ở Yên Bái: Thành tựu và hạn chế cần khắc phục

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2010 | 9:42:46 AM

YBĐT - Trong 5 năm qua tỉnh Yên Bái có ra một số nghị quyết và chính sách mới với phát triển kinh tế rừng, những nghị quyết và chính sách này đã đem lại hiệu quả khá rõ. Đó là thành công của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Đăng Khoa tại xã Báo Đáp (Trấn Yên).
Kiểm tra chất lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Đăng Khoa tại xã Báo Đáp (Trấn Yên).

Nhìn tổng thể của phong trào trồng rừng Yên Bái, người dân không chỉ hăng hái trồng rừng mà đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từ quảng canh đã tiến lên thâm canh, đặc biệt đã gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Nếu không phải là bồ đề, thì cũng phải là keo, tất nhiên là giống keo Úc, lớn nhanh, ít bệnh, ít đổ gãy, thân cây to thì bán gỗ đóng đồ gia dụng, đoạn nhỏ hơn thì xẻ thanh, nhỏ nữa thì bóc ván, làm gỗ ép.

Thời điểm hiện tại, gỗ có chu vi thân 40 cm các xưởng chế biến đã thu mua 1 triệu đồng/m3. Một ha rừng sau 7 năm, ít nhất cũng thu được 50 đến 60 m3 gỗ, có nghĩa là thu về 50 đến 60 triệu đồng. Đặc biệt, cây keo, trám thân to, thẳng, chu vi trên 130 cm, giá 2,6 đến 3 triệu đồng/m3. Khâu tiêu thụ thì khỏi bàn, có rừng, có gỗ đến kỳ khai thác, ngày nào các hộ trồng rừng cũng tiếp khách đến hỏi mua. Giá gỗ và thị trường tiêu thụ như vậy nên có đất mà trồng rừng thì đúng là một cách làm giàu an toàn và rất hiệu quả.

Những năm trở lại đây, kinh tế lâm nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc, đến nay tỷ lệ che phủ của rừng đã đạt 59,2%, trong giai đoạn 2005 - 2010 toàn tỉnh đã trồng mới được 71.248 ha rừng, trong đó có 59.332 ha rừng kinh tế. Tiềm năng kinh tế đồi rừng đã được khai thác, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, tạo ra nguồn hàng hóa lớn và có giá trị…

Từ hiệu quả của kinh tế đồi rừng mang lại mà phong trào trồng rừng kinh tế phát triển rất mạnh, đặc biệt tại các huyện, thị, các xã vùng thấp như  ở Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái. Theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm Yên Bái trồng mới khoảng 1,2 vạn ha rừng, cùng hàng triệu cây lâm nghiệp xã hội, trong đó, chủ yếu là rừng kinh tế với các giống chính là keo, bạch đàn, mỡ, trám, xoan… Rừng đã lên xanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, cải tạo môi trường sinh thái, bức tranh nông nghiệp, nông thôn miền núi cũng nhờ đó mà tươi xanh thêm.

Nhìn một cách tổng thể thì đúng là phong trào trồng rừng, nhất là rừng kinh tế đã có những bước tiến vượt bậc, không ít người còn đưa ra ý kiến Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và một số xã ở Văn Yên, Lục Yên khỏi cần giao chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, nói như vậy đơn giản là bởi bà con đã nhận thức sâu sắc việc trồng rừng, kiến thức trồng và chăm sóc cây rừng cũng nắm rất vững.

Vùng thấp là vậy, còn vùng cao thì sao?. Thực tế, có một khoảng cách rất lớn trong phong trào trồng rừng giữa vùng thấp và vùng cao đã và đang tồn tại ở Yên Bái, điều này rất dễ nhận thấy khi ở vùng thấp khó có thể tìm thấy một ngọn đồi trọc, một vạt rừng lau lách, bỏ hoang, đâu đâu cũng ngút ngàn keo, quế, bồ đề, bạch đàn… còn vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, ngoài rừng tự nhiên, rừng thông mã vĩ ra còn rất nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc hoặc hàng nghìn, hàng vạn ha đất với cây tái sinh lúp xúp, nghèo kiệt, không hiệu quả kinh tế, kém chức năng phòng hộ.

Rừng bạch đàn ở vùng hồ Thác Bà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Kế hoạch trồng rừng hàng năm có đến 99% là được giao cho vùng thấp, ngay như huyện Văn Chấn năm 2010 này được giao chỉ tiêu trồng 1.200 ha rừng thì cũng chỉ tập trung ở 8 xã vùng ngoài, nơi mà phong trào trồng rừng phát triển mạnh. Đến các xã, các huyện vùng cao, gặp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương hỏi kết quả trồng rừng phòng hộ năm 2010 thì ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, kèm theo câu trả lời “Vẫn đang tiếp tục triển khai, nhưng chậm lắm!”.

Đồng bào sống với rừng, sống nhờ rừng, nay rừng tự nhiên đã bị nghiêm cấm khai thác hoặc đã cạn kiệt, vậy mà bà con lại rất thờ ơ với việc trồng rừng phòng hộ, trồng rừng kinh tế, kể cả khi Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, rồi cử cả cán bộ xuống hướng dẫn tỷ mỉ. Chưa nói đến chuyện làm giàu, chỉ cần có rừng để đỡ phải đi cả ngày đường mới lấy được bó củi, đỡ phải đi hai, ba ngày mới kiếm được khúc gỗ về làm nhà. Ngoài ra, rừng còn ngăn lũ quét, lũ ống… đã thấy giá trị to lớn của việc trồng rừng.

Vậy mà bà con vùng cao vẫn chưa thông cái đầu, cấp ủy, chính quyền, nhất là cán bộ, đảng viên ở một số địa phương vẫn chưa hăng hái vào cuộc.

Trong câu chuyện trồng rừng có cái tốt, cái chưa tốt, còn trong câu chuyện chế biến gỗ cũng có nhiều cái hay và cả cái chưa hay!. Quá xa rồi cái thời người buôn gỗ phải “chạy” thủ tục bán gỗ nguyên liệu cho Nhà máy giấy Bãi Bằng. Cơ chế mở, gỗ đóng bè theo sông Hồng, sông Chảy, chiều chiều cả đoàn xe lâm nghiệp chở gỗ đi xuôi.

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước, còn ngày hôm nay, gỗ từ Đoan Hùng chở ngược, gỗ từ Tuyên Quang, Hà Giang, chở sang, từ Lào Cai chuyển về Yên Bái, vào các nhà xưởng chế biến. Cỗ máy bóc không lớn tiền, việc vận hành rất đơn giản, sản phẩm làm ra được các khách hàng dễ chấp nhận… đã khiến hàng trăm hộ gia đình ở Yên Bái đã mở xưởng chế biến gỗ.

Khu vực Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Quy Mông, Báo Đáp (Trấn Yên) hay thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) mỗi nơi có đến cả chục xưởng chế biến, phần lớn gỗ rừng trồng đều đưa vào các xưởng chế biến với sản lượng hàng trăm nghìn mét khối gỗ mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nghề chế biến gỗ, đặc biệt các nhà xưởng chế biến gỗ rừng trồng đã thu hút hàng vạn lao động và đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Phần lớn các xưởng chế biến gỗ ở Yên Bái đều làm ra các sản phẩm thô.

Sau thành công bước đầu, ngành nghề chế biến gỗ đã bộc lộ những nhược điểm. Có lẽ việc mở xưởng gỗ không khó, đầu tư không lớn... nên ngành nghề chế biến gỗ của chúng ta phát triển mạnh nhưng còn manh mún. Đi khắp các huyện, thị mới chỉ có vài tên tuổi trong nghề như: Doanh Mùi (Hưng Thịnh), Thanh Bình (Quy Mông), Đăng Khoa (Báo Đáp), Minh Thiện (Âu Lâu) huyện Trấn Yên, hay Thành Đạt ở thành phố Yên Bái...

Những cơ sở có số vốn một vài chục tỷ, doanh thu mỗi năm 20 - 30 tỷ đồng và nộp thuế mỗi năm 1 đến 2 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu làm ăn theo kiểu chồng đi mua gỗ, vợ làm thủ quỹ, con làm công nhân chạy máy, cha mẹ già làm công việc phơi, xếp ván… sản phẩm làm ra chủ yếu ở dạng thô, làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác ở ngoài tỉnh, rất ít doanh nghiệp mạnh dạn xuất khẩu sản phẩm làm ra như Minh Thiện, Doanh Mùi, Thanh Bình hay Thành Đạt.

Việc phát triển ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng thiếu quy hoạch, thiếu định hướng đã và đang tạo ra hệ lụy như: có những địa phương phát triển quá nhiều xưởng chế biến nên thiếu nguyên liệu để sản xuất, tình trạng mua cây non, cây nhỏ về bóc hay xẻ thanh rất phổ biến, xưởng nhỏ, sản phẩm ít, chất lượng không ổn định nên dễ bị khách hàng ép cấp, ép giá, mỗi khi thị trường có biến động là các cơ sở chế biến lại gặp khó khăn, rồi vấn đề đào tạo nghề, vấn đề quản lý môi trường, vấn đề xúc tiến thương mại, tìm thị trường...v.v.v

Cần nhìn thẳng vào sự thật trong chương trình phát triển ngành lâm nghiệp ở Yên Bái, thành tích là rất cơ bản, cần phát huy, những khiếm khuyết đã bộc lộ rõ nét cần được kịp thời khắc phục. Tránh tình trạng vùng thấp bù vùng cao trong việc trồng rừng, còn chế biến thì tiếp tục manh mún và bấp bênh như hiện nay.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Sáng 15/9, tại xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái tổ chức lễ bàn giao tuyến đường Nậm Có - Làng Giàng. Với sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Bình- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh và huyện Mù Cang Chải.

Ảnh minh họa

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù đây là mùa lũ, nhưng hầu hết các hồ thuỷ điện vẫn trong tình trạng thiếu nước. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện trong thời gian tới.

Lãnh đạo huyện Yên Bình trao đổi với nông dân vùng bưởi Đại Minh.

YBĐT - Bưởi Đại Minh nổi tiếng gần xa bởi vị ngọt thơm dịu nhẹ, tép chắc, thưởng thức một lần rồi thật khó quên. Những người từng được nếm bưởi Đại Minh đều muốn được thưởng thức lại, những người mới chỉ được nghe tiếng càng muốn một lần được thưởng thức thứ quả đặc sản này.

Được hỗ trợ từ đà tăng của thị trường thế giới, giá vàng trong nước sáng nay tăng vọt hơn 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trên thị trường Hà Nội, công ty Bảo Tín Minh Châu công bố giá vàng rồng Thăng Long lúc 11 giờ 12 là 29,66 – 29,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng lần lượt là 380.000 đồng/lượng và 410.000 đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục