Sơn A: Bài toán làm giàu chưa có lời giải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2010 | 10:05:47 AM

YBĐT - Sơn A Là một xã thuần nông của huyện Văn Chấn (Yên Bái), có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái và Mường. Mặc dù giờ đây cái đói, cái nghèo không còn quá nặng nề, cả xã còn 173 hộ nghèo/1.042 hộ dân toàn xã, song bài toán làm giàu vẫn còn là một ẩn số đối với Sơn A.

Mô hình trồng bí đỏ lấy quả cho thu nhập khá cao song diện tích trồng nhỏ lẻ nên nguồn thu không đáng kể.
Mô hình trồng bí đỏ lấy quả cho thu nhập khá cao song diện tích trồng nhỏ lẻ nên nguồn thu không đáng kể.

Nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, có lợi thế đất đai bằng phẳng màu mỡ, đồng bào các dân tộc ở Sơn A bao đời vẫn chịu thương chịu khó, chăm chút cho thửa ruộng, bãi ngô, chuyển đổi mạnh mẽ hơn thì trồng rau màu cung cấp ra thị trường… tuy vậy, số hộ năng động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa vẫn còn lác đác, nhỏ lẻ chưa có sự đầu tư tập trung quy mô lớn.

Có lẽ bởi vậy mà đến nay Sơn A vẫn chưa thể bứt phá. Tìm cả xã cũng chỉ được một mô hình chăn nuôi quy mô cỡ trăm đầu lợn mà số lượng cũng không ổn định, lúc đạt lúc không. Hay như chăn nuôi trâu bò với số lượng vài chục con trở lên hoàn toàn chưa có.

Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thuyên thì có lẽ mới chỉ duy nhất một hộ ông Sầm Văn Son thôn Cò Cọi 2 với mô hình chăn nuôi kết hợp dịch vụ là đạt được thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Còn số hộ có thu nhập cao tốp đầu toàn xã cũng chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng/năm và có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trên con đường dẫn vào các thôn Gốc Bục, Ao Luông 1, Ao luông 2 là những cánh đồng lúa tốt bời bời, nặng trĩu hạt gần đến độ thu hoạch. Điều đó là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của việc bà con đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất. Hàng năm, ngoài cây lúa đã có những hộ chuyển đổi trồng cà chua, su hào bắp cải, ngô lai, hay bí đỏ lấy hạt… cho thu nhập gấp 3 - 4 lần cây lúa. Điển hình như hộ gia đình anh Đinh Văn Toàn thôn Gốc Bục, vụ đông đã trồng hàng nghìn m2 bắp cải cung cấp ra thị trường; hộ chị Sa Thị Mẳn cũng ở Gốc Bục thì trồng cà chua cho thu nhập khá cao so với trồng lúa, nhưng đó vẫn chỉ là những con số nhỏ lẻ, ở một vài hộ, với diện tích nhất định.

Hộ anh Đinh Văn Lục, chị Phùng Thị Yêu thôn Gốc Bục biết gia đình chị gái ở xã Sơn Lương hợp đồng trồng bí đỏ lấy hạt bán cho một công ty đặt hàng bao tiêu sản phẩm có đầu tư vật tư phân bón gia đình chị đã nhận hợp đồng trồng. Năm nay là vụ thứ 3 gia đình anh chị để ra 1.000 m2 ruộng trồng bí. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bí rất tốt, sai quả, mỗi kg hạt bí giá từ 165 - 185 nghìn đồng. Năm 2009, sau 3 tháng chăm bón, gia đình chị thu hoạch 40 kg hạt được trên 6 triệu đồng. Con số đó chỉ đủ để cải thiện phần nào cuộc sống chứ chưa thể nói để làm giàu.

Vào thăm hộ gia đình anh Đinh Văn Hùng và chị Hoàng Thu Nga ở Gốc Bục, tôi có được minh chứng đầu tiên về một sự chuyển đổi làm ăn quy mô lớn ở Sơn A. Đó là việc anh chị vừa đầu tư khoảng 70 triệu đồng xây dựng một hệ thống chuồng trại kiên cố chăn nuôi lợn với quy trình khép kín kết hợp xây hầm khí biogas; quy mô chăn nuôi khoảng 100 lợn thịt hoặc từ 50 - 60 lợn nái. Tuy vậy, hiện tại anh chị mới có 3 lợn nái gây giống từ trước, một con mới đẻ được chục lợn con. Hệ thống chuồng rất quy mô nhưng vẫn bỏ trống.

Anh Hùng cho biết trước đây gia đình đã chăn nuôi lợn với số lượng lớn nhưng chưa chú trọng đầu tư chuồng trại. Nay mới quyết định đầu tư nhưng bỏ hết vốn cũng mới chỉ đầu tư được hệ thống chuồng trại nên vợ chồng anh dự định sẽ xin vay vốn để mua con giống phát triển. Đó quả là bước chuyển đổi rất đáng mừng trong tính toán làm ăn của người dân ở Sơn A. Song vẫn chỉ là cá biệt.

Một mô hình khá thuyết phục trồng ngô lai với số lượng lớn cho thu nhập cao là hộ gia đình anh Đinh Văn Minh và chị Hoàng Thị Phương thôn Gốc Bục. Vụ ngô hè thu này, tính sơ sơ sản lượng ngô gia đình chị thu đạt khoảng 8 tấn. Ngô vừa được chở từ trang trại về nhà đã có người đến trả giá đặt mua hết nhưng chị còn chưa bán vì muốn đợi thời điểm được giá hơn. Hiện nay với giá ngô hạt khô khoảng 5 nghìn đồng/kg, 8 tấn ngô hạt gia đình đã thu về ngót nghét 40 triệu đồng. Đó là một khoản thu rất đáng mơ ước với nhà nông.

Trong khi vụ này vừa thu hoạch thì gia đình đã trồng gối tiếp vụ ngô sau, giờ ngô đã lên tốt, tuy diện tích trồng có giảm hơn. Chị Phương nhẩm tính đến tháng 11 là ngô được thu. Trong thôn, ngoài gia đình chị Phương cũng còn một số hộ làm trang trại trồng ngô trên đất đồi rừng nhưng sản lượng đạt ít hơn…

Điểm qua như vậy, có thể thấy rằng ở Sơn A những hộ nổi lên có kinh tế khá đều do các hộ đã năng động, mạnh dạn và tiến bộ trong việc chuyển đổi cung cách làm ăn, cơ cấu giống một cách hiệu quả. Mỗi thôn đều có những nhóm hộ có phong trào phát triển kinh tế như trồng ngô, trồng màu hay đi lao động tìm kiếm việc làm ở bên ngoài địa bàn để tăng nguồn thu ngoài cây lúa.

Tuy vậy, bên cạnh đó trên mặt bằng chung toàn xã vẫn còn nhiều hộ lúng túng trong chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh còn chậm...

Thiết nghĩ, từ những hộ làm ăn nhỏ lẻ chính quyền địa phương cần có quy hoạch cụ thể thành vùng sản xuất các sản phẩm rau màu như cà chua, su hào, bắp cải đáp ứng nhu cầu thị trường, quan tâm tìm hiểu những mô hình làm tự phát như trồng mướp đắng, trồng bí đỏ lấy hạt cho thu nhập khá, để rồi nếu khả quan thì ký hợp đồng, khuyến khích bà con nhân rộng trồng với số lượng lớn cũng là một hướng đi đúng. Đặc biệt là trồng ngô lai với số lượng lớn trên đất đồi rừng, hiệu quả đã được khẳng định hoàn toàn có thể khuyến khích bà con nhân rộng nếu quy hoạch được quỹ đất hợp lý.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa rất cần được quan tâm quy hoạch, thiết thực hơn cả là việc tạo điều kiện để các hộ có chí hướng được vay vốn phát triển sản xuất...

Để làm được điều đó, ngoài sự chủ động của mỗi hộ gia đình rất cần có sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở giúp Sơn A xây dựng được những mô hình làm ăn lớn hiệu quả kinh tế cao.

Ngọc Tú

Các tin khác
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Yên Bái bình quân 5 năm đạt 17,24%.

YBĐT - Xác định lấy công nghiệp làm khâu đột phá tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Một quan chức Bộ Tài chính cho biết như trên khi trả lời về vấn đề báo chí phản ánh đang được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là hướng xử lý 1.158 chiếc xe biển số ngoại giao mà người sử dụng đã hết nhiệm kỳ công tác nhưng vẫn chưa đăng ký hủy, tái xuất, chuyển nhượng.

Lợn bị nhiễm bệnh tai xanh ở Gia Lai.

Theo thống kê của Cơ quan Thú y vùng V (Cục Thú y), đến ngày 15-9 có 121.500 con lợn nhiễm bệnh tai xanh ở 202 xã, phường, 27 huyện, thị trấn thuộc năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng.

Ngày 16.9, Bộ Thương mại, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã có cuộc họp thông báo tình hình xuất khẩu gạo và cân đối cung cầu nguồn lương thực trong nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục