Những đặc sản rừng đã thành thương hiệu
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/9/2010 | 2:54:38 PM
YBĐT - Mùa này lên Mù Cang Chải, suốt chặng đường qua thị tứ Tú Lệ, ngã ba Kim đến thị trấn huyện lỵ, chỗ nào cũng thấy bày bán quả sơn tra (tên gọi khác là táo mèo). Từng đi qua các vùng núi rừng Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Bắc mới thấy đây đúng là loại quả đặc sản.
Sơn Tra - Mù Cang Chải về nơi phố thị. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)
|
Chỉ có ở “vùng đất khô khát” này sơn tra mới mọc nhiều và tốt đến thế, các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Tạo... đâu cũng thấy sự hiện diện của nó. Các nhà chuyên môn về lâm sinh cho biết, sơn tra là cây bản địa, có sức chịu đựng cao sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngay cả khi cháy rừng những loại cây khác bị thiêu rụi thì sơn tra vẫn có thể hồi sinh.
Ra hoa vào mùa xuân, quả chín vào khoảng thời gian tháng 8 - 10, quả sơn tra không to nhưng có đủ vị chua - chát - ngọt, nhất là hương thơm đặc trưng quyến rũ nên nó còn được các cô gái thích ăn đến nghiện gọi là quả chua chát. Có nhà văn đã thi vị tạo nên cả một câu chuyện tình của đôi trai gái dưới tán rừng sơn tra. Những năm trước, do chưa thấy hết giá trị kinh tế của loại cây này nên việc bảo vệ và phát triển chưa được chú ý tới. Nhưng từ khi có dự án trồng rừng phòng hộ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì sơn tra được đưa vào trồng không chỉ ở Mù Cang Chải mà cả Trạm Tấu, Văn Chấn.
Riêng huyện Mù Cang Chải, diện tích lên tới hàng ngàn ha, mỗi năm cho thu từ 2.500 - 3.000 tấn quả và số tiền mang lại cho các hộ dân cũng đến vài tỷ đồng. Sản phẩm sơn tra bây giờ có mặt ở nhiều nơi: thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, về tận Hà Nội và đôi khi còn vào tận miền Nam xa xôi. Người ta cũng đã nghĩ ra nhiều cách chế biến: gọt vỏ lấy cùi dầm đường hoặc muối ớt để ăn tươi; làm si rô, ngâm rượu; phơi khô làm ô mai và vị thuốc; chế biến thành rượu vang... Người Mông gọi sơn tra bằng cái tên thân yêu “cây xoá đói, giảm nghèo”.
Đến Mù Cang Chải, du khách còn được thưởng thức món đặc sản rừng khác nữa là mật ong rừng. Có lẽ bởi lắm hoa rừng và nhất là hoa sơn tra, lại ở trên độ cao hàng ngàn mét so với mặt nước biển mà mật ong luôn ngan ngát hương hoa, sánh vàng, vị ngọt đậm đà khó tả. Người sành lấy một sợi tóc nhúng vào chai mật giơ lên, mật ong bám vào thành từng hạt nhỏ li ti hình cầu trên tóc, như thế là mật tốt. Mật ong từ lâu được người Mông dùng pha với rượu sơn tra uống trong bữa cơm liên hoan gia đình; ngày tết chấm với bánh dày tăng thêm vị béo bùi của hạt nếp nương; thăm người ốm cũng chục trứng gà với chai mật ong để bồi bổ cho mau lại sức… Bây giờ được đóng chai bầy bán ngoài chợ, trong các nhà hàng với cái tên “Mật ong Mù Cang Chải” nghe đã hấp dẫn và tạo niềm tin.
Mê thứ mật ong này mà mấy ông bạn dưới xuôi năm nào cũng nhắn nhủ lấy dùm vài chục lít để dùng dần. Sản lượng mật ong vài năm trở lại đây cũng được tăng lên nhờ địa phương có các dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật nhân đàn. Những người nuôi ong ở các địa phương khác cứ mùa hoa sơn tra nở là thế nào cũng di đàn ong của mình đến đây nhằm khai thác thứ nguồn lợi thiên nhiên nhiều giá trị. Mật ong và sơn tra, những đặc sản rừng đã gắn với thương hiệu Mù Cang Chải, để đến một lần còn nhớ mãi.
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - Lúa mùa đã chín vàng, đứng từ dốc Thái Lão nhìn cánh đồng Mường Lò chẳng khác gì một nong tằm khổng lồ. Thời tiết thật đỏng đảnh, cuối tháng 9 mà lúc mưa, lúc tạnh, khi lại hửng nắng chói chang. Tạnh là nông dân Nghĩa Lộ vội vã ra đồng gặt lúa, nói như Chủ tịch UBND thị xã thì bà con phải tranh thủ từng khoảng tạnh nắng để thu lúa và làm màu.
YBĐT - Mặc dù còn gần một tháng nữa mới bước vào sản xuất vụ đông 2010 nhưng đã được dự báo là gặp nhiều khó khăn, thời tiết phức tạp, giá giống, vật tư, phân bón tăng cao. Nhất là nguồn giống khoai tây sạch bệnh khan hiếm và đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đặc biệt đối với các loại rau màu có giá trị kinh tế cao...
Dòng sản phẩm Similac dành cho trẻ sơ sinh của Abbott Việt Nam - Ảnh: Hoàng Việt Trước thông tin hãng Abbott thu hồi khoảng 5 triệu hộp sữa Similac loại dành cho trẻ sơ sinh tại thị trường Mỹ, Puerto Rico, đảo Guam, một số quốc gia tại vùng Caribbe, nhiều người tiêu dùng lo ngại không biết loại sữa này có mặt ở VN hay không?