Tân Lĩnh: Bao giờ mùa cam trở lại ?
- Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2010 | 8:59:24 AM
YBĐT - Cùng với cây hồng không hạt, cây cam đã một thời nổi tiếng tại đất Tân Lĩnh (Lục Yên). Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cây cam đã được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Thế nhưng, về Tân Lĩnh bây giờ đã không còn thấy bóng cây cam và người dân thì vẫn loay hoay tìm loại cây trồng thích hợp thay thế cây cam để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Hữu Quyền - thôn Cầu Vè, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã sáng tác bài thơ: “ trồng cà nhớ cam” để bày tỏ nỗi nhớ cam của mình. Cây cam đã mang lại cho ông rất nhiều thứ, nhờ cây cam mà gia đình ông thoát khỏi cái nghèo, nhờ cây cam mà con cái của ông được đi học và thành đạt như hiện nay. Chính vì vậy, khi cây cam chết đi, ông Quyền đã chuyển sang trồng cà, trồng ngô và các loại cây rau màu khác nhưng nỗi nhớ về cây cam vẫn còn đau đáu ở trong ông. Ông cũng chỉ mong muốn lại được nhìn thấy cây cam được trồng lại ngay trên mảnh vườn này, lại được thấy màu vàng của cam chín và tiếng nói, tiếng cười của người dân hòa trong niềm vui được mùa mỗi khi mùa thu hoạch cam đến.
Cũng giống như ông Quyền, ông Lương Chân Chính, thôn Cầu Vè, cảm thấy rất xót xa khi phải tự tay mình chặt hạ những cây cam, quýt cuối cùng trong vườn của gia đình. Là người tiên phong đưa cây cam về trồng tại vùng đất này và có diện tích cam lớn nhất, nhì xã nên ông Chính cảm thấy xót lắm khi những cây cam một thời gắn bó với gia đình nay cứ bị chết dần, chết mòn theo thời gian.
Tân Lĩnh là một trong những xã có diện tích cam lớn nhất huyện Lục Yên và thôn Cầu Vè có số hộ trồng cam và vươn lên làm giàu từ cam nhiều nhất xã. Vậy mà, giờ đây khi đi dọc theo con đường vào thôn Cầu Vè, chúng tôi không hề thấy hình bóng của cây cam mà thay thế vào đó là cây lạc, cây đỗ, cây ngô nhưng có một điều chắc chắn là hiệu quả kinh tế mà những loại cây này đem lại không thể bằng cây cam. Khi cây cam có hiện tượng chết rải rác, để cứu lấy cây cam, chính quyền xã đã kiến nghị với các ngành chức năng của huyện, tỉnh và cả Trung ương. Đã có nhiều đoàn công tác về kiểm tra, đánh giá tình hình và giúp dân tìm biện pháp phòng trừ bệnh cho cam. Về phía người dân cũng loay hoay tìm đủ mọi cách để cứu cam nhưng tất cả đều không mang lại kết quả như mong muốn và người dân đã phải tự tay làm công việc mà mình không hề muốn là chặt bỏ vườn cam. Và ngay cả khi đã chặt bỏ cam, họ cũng chưa thể tìm được một loại cây có giá trị để thay thế cây cam. Nguy cơ đói nghèo thì không quay lại nhưng để làm giàu nhanh như trồng cam thì thật khó.
Không chỉ người dân ở thôn Cầu Vè, người dân xã Tân Lĩnh mà cả chính quyền huyện Lục Yên đều đang mơ về những vườn quả như thế này. Những cây cam sai trĩu quả được thương lái về tận vườn để thu mua, mang thương hiệu cam Lục Yên đi khắp các địa phương trong cả nước. Để mỗi khi Tết đến lại được bày những quả cam chín vàng trong mâm ngũ quả của gia đình hay làm quà Tết cho người thân. Tân Lĩnh bao giờ mùa cam trở lại?
Mạnh Cường - Đức Toàn
Các tin khác
Sau giá xăng dầu, cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường đang được Bộ Công thương hoàn thiện. Cụ thể, giá bán buôn điện sẽ được điều chỉnh bốn lần/năm tùy mức biến động giá nguyên liệu than, dầu, khí, tỉ giá...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát tính hợp lý trong cơ cấu giá sữa. Trước ngày 1/10 sẽ công bố tên các doanh nghiệp đăng ký giá tại Bộ Tài chính.
YBĐT - Đã từ lâu, xuống chơi chợ là nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống người dân vùng cao Mù Cang Chải. Ở huyện vùng cao này có 3 chợ chính là chợ ngã ba Kim, chợ huyện Mù Cang Chải và chợ Khao Mang.
YBĐT - Mùa này lên Mù Cang Chải, suốt chặng đường qua thị tứ Tú Lệ, ngã ba Kim đến thị trấn huyện lỵ, chỗ nào cũng thấy bày bán quả sơn tra (tên gọi khác là táo mèo). Từng đi qua các vùng núi rừng Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Bắc mới thấy đây đúng là loại quả đặc sản.