Rộn ràng Khu công nghiệp phía Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2010 | 9:37:20 AM
YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, tỉnh lại nằm sâu trong nội địa, không nằm trong trục động lực phát triển kinh tế Đông - Tây, nhưng Yên Bái vẫn xác định phát triển công nghiệp là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Lễ động thổ Công trình Nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp phía Nam. Khi đi vào sản xuất ổn định, doanh thu là 500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 50 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp của địa phương.
|
Vài năm trở lại đây, Khu công nghiệp (KCN) phía Nam ngày càng rộn ràng, đông vui. Nhà máy, phân xưởng, công nhân tấp nập vào ca. Trên các tuyến đường, những chiếc xe chuyên dụng lớn, nhỏ hối hả vận chuyển nguyên liệu, bốc xếp hàng hóa chở về xuôi. KCN phía Nam đang có những bước phát triển mới, đã và đang thoát ra khỏi những hạn chế của khu vực, cơ chế quản lý và chính sách thu hút đầu tư.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, tỉnh lại nằm sâu trong nội địa, không nằm trong trục động lực phát triển kinh tế Đông - Tây, nhưng Yên Bái vẫn xác định phát triển công nghiệp là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể hóa chủ trương này, tỉnh đã có hàng loạt cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chi tiết 5 KCN với diện tích gần một ngàn héc - ta và đã có 3 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hệ thống các KCN quốc gia.
Trong đó, KCN phía Nam được phê duyệt mở rộng từ 137 ha lên 400 ha, KCN Minh Quân 112 ha, KCN Âu Lâu 120 ha. Đến nay, các KCN đã thu hút 22 dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 6 ngàn 312 tỷ đồng. Nhìn chung, các KCN đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư, một số đã đi vào sản xuất hiệu quả, gắn khai thác với chế biến sâu, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Dự án Nhà máy nghiền đá vôi trắng công suất 250.000 tấn/năm, trị giá 130 tỷ đồng của Công ty Phát triển số 1 (Hải Dương) - Liên minh HTX Việt Nam đang gấp rút triển khai.
Để minh chứng cho sự trỗi dậy và phát triển của các KCN, ông Đỗ Kim Cương - Phó ban quản lý các KCN dẫn chúng tôi đi thăm KCN phía Nam của tỉnh. Vừa đi ông Cương vừa cho biết, đến nay đã có 16 công ty, tổng công ty, tập đoàn có tiềm lực mạnh đến đầu tư với số vốn gần 2 ngàn tỷ đồng, cơ bản lấp đầy diện tích đất quy hoạch của KCN phía Nam.
Trong số đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút 300 lao động là người địa phương với mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Từ khi đi vào hoạt động, các đơn vị đã nộp trên 16 tỷ 885 triệu đồng vào ngân sách tỉnh. Ngoài ra, còn 4 dự án đang đầu tư xây dựng cơ bản với tổng vốn trên 784 tỷ đồng, các dự án này sẽ thu hút gần 2 ngàn lao động. Hiện còn 5 dự án đang thực hiện các thủ tục xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư gần 1 ngàn tỷ đồng.
Tại Nhà máy nghiền bột đá CaCO3 thuộc Công ty cổ phần Mông Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Nhà máy cho biết: Nhà máy có tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng, công suất 80 ngàn tấn sản phẩm/năm, thu hút 180 công nhân lao động. Năm 2009, doanh thu đạt 109 tỷ đồng, thu nhập trung bình đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng.
9 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, tình trạng cắt điện luân phiên, song đơn vị vẫn hoạt động ổn định, sản xuất 67 ngàn tấn bột đá siêu mịn, doanh thu đạt 110 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu đạt 4 triệu USD, thu nhập trung bình đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách 7,8 tỷ đồng.
Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho KCN phía Nam đã lên tới 101 tỷ đồng, toàn bộ số tiền được dành cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung cũng như các hạng mục hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn để san tạo mặt bằng, xây dựng nhà máy. Tính đến nay tại khu A của KCN đã có 4 nhà đầu tư bỏ ra trên 16 tỷ đồng san tạo mặt bằng xây dựng nhà xưởng. |
Phấn đấu đến hết năm nay, doanh thu của Nhà máy đạt 135 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu trực tiếp đạt 5 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư 33 tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất hạt nhựa cao cấp với công suất 33 ngàn tấn sản phẩm/năm, phấn đấu đầu tháng 1/2011, sẽ đi vào sản xuất. Dây chuyền đi vào sản xuất sẽ thu hút 100 lao động, mỗi năm giá trị xuất khẩu tăng thêm thêm 2 triệu USD.
Rời Nhà máy chế biến CaCO3, chúng tôi đến thăm dây chuyền sản xuất hạt nhựa của Công ty cổ phần An Phát có tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, công suất 4.800 tấn sản phẩm/năm. Mặc dù mới khởi công xây dựng từ tháng 4/2010, nhưng đến nay các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành, bên trong nhà máy rộng chừng ngàn mét vuông, 80% khối lượng máy móc thiết bị đã được lắp đặt. Hiện nay Nhà máy đã tuyển dụng 60 công nhân là người địa phương, đã đưa 40 công nhân đi đào tạo.
Với sự giúp đỡ của Ban quản lý KCN, sự tích cực của nhà đầu tư chắc chắn nhà máy đi vào hoạt động đúng theo tiến độ. Khi nói tới việc quyết định đầu tư tại KCN phía Nam, ông Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Công ty Phát triển số 1 tỉnh Hải Dương phấn khởi nói: Chúng tôi luôn được tạo điều kiện thuận lợi khi xúc tiến đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến đá vôi trắng tại KCN này. Trong quá trình đầu tư, Công ty chỉ làm việc tại Ban quản lý các KCN, thủ tục nhanh gọn, cơ chế, chính sách của tỉnh thông thoáng, môi trường đầu tư rất tốt. Nhờ vậy, tháng 5/2010, Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy trên diện tích 6 ha, tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng, đến nay 50% khối lượng công trình đã được hoàn thành, phấn đấu đầu tháng 1/2011 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Rõ ràng cơ chế, chính sách thông thoáng cùng với thế mạnh, tiềm năng của địa phương đã và đang là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư. Điều đó được chứng minh bằng hàng loạt công ty, doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã vào đầu tư có hiệu quả.
Mới đây nhất, ngày 16/10/2010, Nhà máy chế biến gỗ (MFD) do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lâm nghiệp Yên Bái đầu tư xây dựng với tổng số vốn 410 tỷ đồng, công suất 100 ngàn m3 sản phẩm/năm, đã được khởi công xây dựng. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu hút trên 300 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp. Ngày 17/10/2010, Công ty cổ phần Công nghiệp giấy Miền Bắc khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại KCN Minh Quân có vốn đầu tư 300 tỷ đồng, công suất 20 ngàn tấn sản phẩm/năm, khi đi vào sản xuất sẽ thu hút trên 200 lao động.
Để các KCN, cụm công nghiệp phát triển tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, trong thời gian tiếp theo Ban quản lý các KCN tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đất, thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, giải quyết các thủ tục đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường quản lý nhà nước trong KCN, tiếp tục xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong các KCN, đổi mới về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư...
Thanh Phúc - Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhiệm kỳ qua Yên Bái đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại.
Sau 3 phiên liên tiếp giảm nhẹ, sáng nay 19/10, giá vàng trong nước lại tiếp tục tăng lên trên mốc 3,33 triệu đồng/chỉ. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do lên mức 20.000 VND.
YBĐT - Với chủ trương phát triển mạnh chăn nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn huyện Văn Yên đã có 12 cơ sở đăng ký chăn nuôi hàng hóa.
Ngày 18-10, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, một vài ngày gần đây, dịch tai xanh trên lợn đã có dấu hiệu chững lại, với nhiều tỉnh đang có dịch không có gia súc mắc bệnh sau 21 ngày.