8 tác động xấu khi giá vàng tăng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/10/2010 | 8:07:32 AM

Sự tăng giá của vàng tạo cơ hội kinh doanh với mức sinh lợi kỳ vọng cho các những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nó có thể để lại những tác động cho nền kinh tế.

Theo Th.S Trần Trọng Quốc Khanh, giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu - ACB, giám đốc Công ty CP Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC, sự tăng giá của vàng tạo cơ hội kinh doanh với mức sinh lợi kỳ vọng cho các những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh cũng có thể để lại những tác động cho nền kinh tế ở một số khía cạnh như sau:

- Khi giá tăng nhanh và mạnh sẽ làm cho thị trường vàng trở nên kém sôi động hoặc thậm chí đóng băng, không có nhiều giao dịch mua bán phát sinh và thiếu tính thanh khoản. Sức tiêu thụ các sản phẩm vàng bạc đá quý sẽ bị suy giảm, không thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vàng và các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vàng bạc đá quý.

- Ngân hàng khó cho vay vàng: Theo số liệu thống kê, vốn huy động tiết kiệm bằng vàng của các ngân hàng thương mại đạt ở mức khoảng 95.000 tỷ đồng (khoảng 115 tấn vàng hoặc 4,8 tỷ USD).

Nếu giá vàng tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ không dám vay vàng, vì lo ngại bị “thiệt hại kép” khi đến ngày đáo hạn trả nợ vay (vừa trả lãi suất vay vàng, vừa bù lỗ mức chênh lệch giá vàng). Nếu các ngân hàng huy động vàng mà không cho vay được, kênh tín dụng bằng vàng sẽ bị tắc nghẽn, gây lãng phí cho nguồn vốn vàng to lớn không sử dụng được.

- Tâm lý đầu cơ, tích trữ vàng cũng sẽ xuất hiện: Với xu hướng giá tăng mạnh, người dân sẽ rút tiền đồng mua vàng tích trữ để kỳ vọng kiếm lời chênh lệch giá, thay vì gửi tiền đồng vào các ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích sức tăng trưởng kinh tế.

- Rủi ro tín dụng bằng vàng: Với các hợp đồng tín dụng bằng vàng đã được giải ngân, nếu giá vàng biến động mạnh theo xu hướng tăng, rủi ro đối với các ngân hàng là tài sản đảm bảo của người đi vay sẽ không đủ bù đắp, còn rủi ro đối với người đi vay là tổng chi phí vay tăng lên do bù lỗ giá vàng.

- Ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Theo phương pháp tính chỉ số CPI của Tổng cục thống kê cho giai đoạn 5 năm 2009-2014 trên toàn quốc, hiện tại vàng không được tính trong 572 nhóm hàng và dịch vụ (hay còn gọi là “rổ hàng hóa”) để tính CPI. Tuy vậy, vàng tăng giá cũng sẽ tác động gián tiếp đến chỉ số CPI.

Ví dụ, khi giá vàng tăng, các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất, chế tác các dòng sản phẩm có liên quan đến vàng hoặc ngành vàng bạc đá quý sẽ tăng theo, dẫn đến giá bán tăng đối với nhóm hàng hóa này. Khi giá bán các sản phẩm kim loại quý tăng, các sản phẩm này sẽ tác động gián tiếp đến rổ 572 nhóm hàng và dịch vụ chính thức nói trên.

- Ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ: Khi giá vàng tăng gây ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ số CPI tăng, những dấu hiệu về lạm phát sẽ xuất hiện. Nếu tỷ lệ lạm phát không dao động trong vùng kiểm soát theo kỳ vọng chung của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xem xét thực thi một số giải pháp như điều chỉnh lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, và điều tiết tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.

- Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi giá vàng tăng với mức sinh lợi kỳ vọng hấp dẫn, các công ty chứng khoán một mặt vừa chú tâm theo dõi diễn biến của thị trường vàng, mặt khác vừa lo ngại một số nhà đầu tư chứng khoán sẽ dịch chuyển danh mục đầu tư sang vàng.

Nếu nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang vàng, thị trường chứng khoán sẽ thiếu tính thanh khoản, và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phục hồi và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

- Ảnh hưởng đến thị trường bất động sản: Theo tập quán truyền thống từ lâu đời, người dân Việt Nam có thói quen sử dụng vàng để định giá nhà đất hoặc bất động sản. Nhà đất là tài sản có giá trị rất lớn có khi phải tích lũy vài chục năm mới sở hữu được, vì vậy việc người dân “neo” giá bán nhà đất vào vàng cũng là điều dễ hiểu.

Dù hiện nay, việc rao bán nhà đất bằng tiền đồng thay cho vàng có tăng lên, nhưng đó chỉ là hình thức. Bởi xét về bản chất, người bán nhà hay bất động sản thường quy đổi ra tiền đồng theo giá vàng hiện hành.

Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng theo, khiến các nhà đầu tư ngại mua bán nhà đất/bất động sản do sợ rủi ro giá vàng đảo chiều. Điều này có thể sẽ làm cho thị trường bất động sản kém sôi động hoặc thậm chí tắc nghẽn.
 
(Theo VnMedia)

Các tin khác

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo dịp cuối năm đang tăng mạnh. Đầu tháng 10, nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ đã điều chỉnh giá xuất khẩu tăng ít nhất 30% so với một tháng trước đây.

Ngày 23/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc tại Gyeongju, miền Nam Hàn Quốc.

Nhân dân xã Báo Đáp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết chuyên đề phát huy và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nông dân Văn Yên bó quế đi bán.

YBĐT - Với trên 15.375 ha quế, huyện Văn Yên được mệnh danh là “vương quốc của cây quế”. Người Dao Văn Yên coi cây quế là cây truyền thống vì nó đã gắn bó như máu thịt. Cây quế những năm qua luôn là cây chủ lực giúp nông dân Văn Yên vượt qua đói nghèo từng bước vươn lên khá giả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục