Cuối năm rục rịch nỗi lo tăng giá

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2010 | 9:11:11 AM

YBĐT - Giá cả leo thang trong khi giải pháp bình ổn giá thị trường hiện nay vẫn chỉ là đẩy mạnh tăng cường kiểm soát giá cả và kiểm tra xử lý đối với các cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ tăng giá, kiểm soát niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Vì vậy người tiêu dùng chỉ còn biết trông cậy vào những quy định kiểm soát giá mới ...

Thịt lợn mông sấn đã tăng thêm 10 ngàn đồng/kg, ở mức 65 - 70 ngàn đồng/kg.
Thịt lợn mông sấn đã tăng thêm 10 ngàn đồng/kg, ở mức 65 - 70 ngàn đồng/kg.

Từ đầu năm đến nay, bằng nhiều biện pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành kiềm giữ, giá cả các mặt hàng nói chung khá ổn định, nhưng trong những ngày cuối tháng 10 này một số đã tăng giá khá mạnh và nhiều mặt hàng khác cũng rục rịch làm người tiêu dùng "xót ruột" mỗi khi móc hầu bao. Nỗi lo tăng giá của đại đa số người tiêu dùng phải chăng đã xuất hiện cho dù Chính phủ cho biết sẽ dùng nhiều biện pháp mạnh để giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở dưới mức 8%?

Mặc dù còn hơn ba tháng nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng ngay những ngày này, thị trường tiêu dùng trên địa bàn đã trở nên sôi động. Các cửa hàng, đại lý, siêu thị đã ký kết và chuẩn bị hàng chục tỷ đồng tiền hàng thiết yếu như dầu hoả, muối, lương thực, thực phẩm và bánh kẹo, rượu, bia...Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, đại lý thì từ giữa tháng 10 cho đến nay, khá nhiều nhà cung cấp đã gửi thông báo tăng giá bán ở một số nhóm hàng: sữa, bánh kẹo, đồ hộp, mỳ gói, rượu… với mức tăng từ 5-7%. Các mặt hàng gia dụng như bát, đũa, sản phẩm nhựa cũng tăng mức tương tự.

Qua thực tế thị trường cho thấy, hầu hết các mặt hàng trong thời gian qua đã tăng giá từ 2-10%. Nguyên nhân được các nhà cung cấp lý giải là do giá USD, vàng tăng dẫn đến giá nguyên liệu nhập vào tăng. Nguồn nguyên liệu trong nước vừa thiếu lại không đáp ứng chất lượng, do đó nhà sản xuất về cơ bản vẫn phải nhập nguyên liệu, mà nguyên liệu nhập đều tính theo tỷ giá USD, do vậy buộc phải tăng giá. Để “mục sở thị”, chúng tôi đi một vòng qua các chợ và đi đến đâu cũng bắt gặp người tiêu dùng phàn nàn về hàng tăng giá.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ của một ngân hàng thương mại đang cùng cậu con trai đi mua quần áo cho biết: “Giá cả tăng cao quá, mà cứ tăng thế này khó đảm bảo được cuộc sống gia đình. Cái áo này, vẫn nhãn hiệu này tháng trước tôi mua cho cháu để xuống trường nhập học có 200 ngàn đồng nay tăng lên 235 ngàn đồng. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng giá hàng Việt, nhất là quần áo tuy có dán tem giá nhưng lại tăng hơn cả hàng ngoại thế này thì người tiêu dùng chịu sao nổi? Hàng ngoại chủ yếu là hàng Trung Quốc nhưng giá cả tùm lum lắm".

 

Khách hàng chọn mua rau, củ, quả tại chợ Km 6 (phường Yên Thịnh, Tp Yên Bái).

Giá cả bắt đầu leo thang, nhưng có lẽ tăng giá nhiều nhất và gây tác  động tâm lý nhất cho người tiêu dùng là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, vì loại hàng hóa này không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Dọc các quầy lương thực, thực phẩm chợ Yên Thịnh Km6, chợ Ga (TP Yên Bái) mặc dù đã đến giờ nghỉ làm buổi chiều nhưng lượng người mua vẫn thưa thớt. Giá gạo tăng đột biến: gạo ngon thường tăng từ 105 ngàn đồng/10 kg nay tăng lên 135 ngàn đồng/10kg. Gạo tẻ thường cũng tăng từ 15-20 ngàn đồng/10kg, gạo nếp tăng 40 ngàn đồng/10kg.

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Cổ phần Sứ Kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đường đang mua hàng nói: "Còn vài tháng nữa mới đến tết, vậy mà giá cả đã tăng vù vù từ mớ rau, dưa, gạo nước đến các mặt hàng thiết yếu khác. Rau xanh tăng 4-7 ngàn đồng/kg, bắp cải xoè từ 7 ngàn đồng/kg lên 12 ngàn đồng, thịt lợn mông sấn tăng 10 ngàn đồng/kg, thịt gà cũng tăng 5-10 ngàn đồng/kg tùy từng chợ. Với sức tăng như hiện nay đối với gia đình công nhân như chúng tôi khó đảm bảo được cuộc sống hàng ngày, tiền ăn còn không đủ lấy đâu mà lo cho con cái ăn học!”.

Bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, sữa cũng là mặt hàng tăng giá mạnh từ đầu tháng 9 đến nay với mức tăng từ 3-9%. Bên cạnh các hãng sữa ngoại đều đã tăng giá, thì nay đến 2 hãng sữa nội là Vinamilk và Nutifood cũng đã thông báo tăng giá thêm 3-5%. Mặt hàng dầu, nước mắm cũng vừa tăng giá bán so với tháng 9 từ 5-6%.

Người tiêu dùng đang gặp khó khăn, nhưng với người nông dân còn khó khăn hơn bởi giá vật tư, phân bón cũng tăng chóng mặt. Các loại phân bón có giá tăng cao nhất là đạm Urê, NPK tăng từ 10-20 ngàn đồng/bao trong khi người nông dân mới bắt đầu vào vụ sản xuất. Bên cạnh đó, giá vàng và giá USD liên tục tăng trong những ngày qua khiến người tiêu dùng thêm lo ngại. Hiện tại giá vàng trên thị trường đang giữ mức kỷ lục 33 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD trên thị trường tự do có lúc đã vượt trên mốc 20 ngàn đồng/1USD. 

Giá cả leo thang trong khi giải pháp bình ổn giá thị trường hiện nay vẫn chỉ là đẩy mạnh tăng cường kiểm soát giá cả và kiểm tra xử lý đối với các cá nhân, doanh nghiệp  đầu cơ tăng giá, kiểm soát niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Vì vậy người tiêu dùng chỉ còn biết trông cậy vào những quy định kiểm soát giá mới từ Thông tư 121 của Bộ Tài chính với những yêu cầu khắt khe về kê khai và đăng ký giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: xi măng, sắt thép, khí hoá lỏng, phân bón, muối, thóc gạo, sữa… Với xăng dầu, tất cả các đầu mối kinh doanh đều phải đăng ký. Theo đó, các mặt hàng tăng giá bất hợp lý sẽ bị đình chỉ mức giá mới và yêu cầu thực hiện giá cũ liền kề trước khi tăng, nặng là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh…

Thanh Phúc

Các tin khác
Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Bộ Công Thương dự báo hai tháng cuối năm 2010 hoạt động xuất khẩu tiếp tục có diễn biến thuận lợi. Theo đó, xuất khẩu cả năm có thể đạt mốc 70 tỷ USD.

Nuôi cá lồng giúp người dân có thu nhập cao.

YBĐT - Xã Việt Cường (Trấn Yên) là địa bàn có nhiều tiềm năng thế mạnh về thủy sản. Nhiều năm nay, nhân dân trong xã đã biết khai thác lợi thế này để xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

YBĐT - Nhờ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã phát hiện và xử lý 58 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục