Vốn cho thanh niên: Cánh cửa vẫn hẹp
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/10/2010 | 9:41:50 AM
YBĐT -Từ khi Đoàn thanh niên (ĐTN) phối hợp với Ngân hàng Chính sách - xã hội (NHCSXH) triển khai công tác cho vay ủy thác đến nay, ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên làm giàu trên đồng đất quê hương từ vốn vay ưu đãi.
Anh Đào Mạnh Thắng chăm sóc ba ba giống.
|
Đoàn viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Chương trình 120, vốn hộ nghèo, vốn học sinh, sinh viên, chương trình hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo làm nhà ở…. Hiệu quả kinh tế mang lại cho thanh niên là không thể phủ nhận nhưng hiện nay nguồn vốn đó “cung vẫn chưa đủ cầu”.
Thanh niên thiếu vốn
Tuy mới 31 tuổi nhưng chàng trai người Mông Sùng Tồng Plua (thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn) đã có một ngôi nhà xây khang trang với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, là niềm mơ ước của nhiều người. Phát huy sức trẻ, anh đã biến mảnh đất quê hương nhiều sỏi đá thành nơi xây đắp ước mơ làm giàu.
Vốn là Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Hẻo, khi ĐTN triển khai công tác vay vốn uỷ thác, năm 2008, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế gia đình để có được cơ ngơi như vậy. Đến nay, anh lại tiếp tục vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn này để đầu tư sản xuất. Đồng cỏ anh nuôi dê, nuôi trâu bò, còn nguồn nước suối ngọt lành anh nuôi ba ba. Tất cả đều có được từ những đồng vốn của NHCSXH nên hơn ai hết Plua hiểu ý nghĩa của vốn vay đối với thanh niên: “Vốn giúp những thanh niên như mình trong lúc thiếu vốn khởi nghiệp. Sắp tới mình định đầu tư nuôi nhím nhưng chưa có vốn, cần khoảng 40 triệu đồng nhưng nguyên vốn vay từ NHCSXH thì không đủ. Đàn trâu và đàn dê đang lớn nếu phải bán thì tiếc lắm”.
Cũng là một đoàn viên thanh niên, anh Đào Mạnh Thắng (thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh) đầu tư nuôi ba ba gai, anh vừa được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn. Trang trại của anh Thắng tổ chức quy mô, ao nuôi ba ba bố mẹ, ba ba con được thiết kế đầy đủ. Chỉ vào hai cái ao mới xây, anh cho biết: “Tôi chưa có vốn thêm nữa để đầu tư nuôi nốt những ao này. Vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhanh và nhiều nhưng lãi suất cao, như vậy nông dân làm ăn không có lãi. Nguồn vốn NHCSXH cho vay chỉ được 30 triệu đồng. Đầu tư vào nuôi ba ba, xây bể cũng đã hết tầm hơn 20 triệu, giống bây giờ lại rất đắt, tầm 650.000 đồng/con. Như vậy rất khó cho thanh niên. Số tiền được vay chỉ đủ để mua thức ăn và đầu tư thêm thôi. Tôi muốn phát triển rộng mô hình trang trại ba ba của gia đình khi có điều kiện sẽ hỗ trợ các đoàn viên trong xã”. ĐTN xã Cát Thịnh là một trong những Đoàn xã làm tốt công tác cho vay ủy thác tới đoàn viên. Hiện nay, dư nợ của Đoàn xã đối với NHCSXH huyện đạt 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên mới chỉ 61 đoàn viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của hàng trăm đoàn viên thanh niên trong xã.
Nguyên nhân và giải pháp
Thanh niên vay vốn phát triển kinh tế không những tạo thêm nhiều việc làm mà còn góp phần phát triển gia đình và kinh tế địa phương. Tuy nhiên tính đến hết tháng 8/2010, tổng dư nợ của ĐTN với NHCSXH mới đạt 78,4 tỷ đồng trong khi Hội Phụ nữ đã đạt 522,8 tỷ đồng, Hội Nông dân đạt 313,4 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh đạt 172,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ĐTN “vào cuộc” muộn hơn so với các tổ chức khác. Các hội đoàn thể khác đã làm công tác cho vay ủy thác từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiền thân của NHCSXH.
Ông Nguyễn Anh Hoàng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “ĐTN cũng có nhiều cái khó trong việc vay vốn từ NHCSXH. Cái khó đầu tiên là thanh niên không có tài sản thế chấp. Nhiều thanh niên sống chung với gia đình và trong gia đình chỉ một người được vay vốn. Người vay thường là bố, mẹ đồng thời cũng là chủ gia đình. Ngân hàng cho vay để thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo cho một hộ gia đình chứ không riêng cá nhân nào. Cái khó thứ hai là đặc thù giai đoạn tuổi trẻ của thanh niên. Nếu là những người thiếu kinh nghiệm sống sẽ dễ dàng đối mặt với rủi ro, với tuổi trẻ điều đó lại không hề dễ chút nào, gặp thất bại nhiều bạn trẻ sẽ nản và nợ ngân hàng cũng khó trả. Cái khó thứ ba, ĐTN cần phải tạo được lòng tin của chính quyền địa phương để giao vốn cho thanh niên. Ngân hàng luôn mong bốn tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác có dư nợ bằng nhau nhưng để làm được điều đó ĐTN còn cần phải có những chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác nhận ủy thác, phát huy nội lực của mình”.
Để giải quyết vấn đề này, bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế. Đồng thời, các tổ chức đoàn, đặc biệt là tổ chức Đoàn cơ sở cần định hướng cho đoàn viên phát triển những mô hình phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Một đoàn viên có thể vay được số vốn ít nhưng nếu tập hợp nhiều thanh niên cùng chung sức sẽ tạo được những mô hình quy mô lớn, hiệu quả cao hơn. NHCSXH cũng cần phối hợp với các cơ sở Đoàn xem xét có mức vốn vay phù hợp với từng loại hình kinh tế để giúp thanh niên có cơ hội làm giàu.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Tối ngày 28/10, tại Trung tâm km 5 (thành phố Yên Bái), UBND thành phố Yên Bái tổ chức khai mạc Hội chợ kích cầu hàng tiêu dùng Yên Bái năm 2010.
Cuối ngày 28-10, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22 về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định số 2561 về việc tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản Việt Nam đồng ở mức 8%/năm.
YBĐT - Theo kinh nghiệm của người trồng quế thì mùa thu là lúc lượng tinh dầu trong vỏ quế được tích tụ nhiều nhất. Mùa này cũng là lúc vỏ quế dễ bóc nhất, thời tiết ít mưa, hanh khô nên việc phơi và bảo quản quế vỏ rất thuận lợi. Vào thời điểm này, đi đến các vùng trồng quế, ta luôn bắt gặp hình ảnh nông dân tấp nập khai thác vỏ quế và tư thương ở nhiều nơi đổ về thu mua vỏ quế khô.