Lâm Thượng: Dân giàu nhờ măng mai
- Cập nhật: Thứ ba, 2/11/2010 | 2:37:14 PM
YBĐT - vụ măng năm ngoái, bà con thu về 100 tấn măng tươi thì năm nay ước tính sản lượng này có thể lên tới 150 tấn, tính rẻ giá 4.000đồng/kg thì bà con nông dân xã Lâm Thượng đã thu về 600 triệu đồng.
Sản phẩm măng mai ở Lâm Thượng.
|
Con đường bê tông sạch sẽ đưa chúng tôi đến với vùng đất của những “triệu phú măng” ở xã Lâm Thượng (Lục Yên), từ đầu xã đến cuối xã đâu đâu cũng thấy măng, nào là măng đang phơi, măng đang luộc, măng đang được chở về, rồi cả măng đang được chở đi.
Theo chỉ dẫn của đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Hẳn, thôn Hin Lạn B, chỉ nhìn qua ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt là đã có thể hiểu hiệu quả của cây măng mai ở đây. Nhà chị Hẳn có 3 ha rừng, chị bảo những năm trước gia đình trồng cây keo, rồi cây xoan nhưng chẳng cây nào sống quá 4 năm vì sâu bệnh, mà nếu có cây nào tồn tại được thì cũng còi cọc. Năm 2003, anh chị chuyển sang trồng cây măng mai thì thấy cây phát triển rất tốt, năm 2006 bắt đầu cho khai thác và đến bây giờ gia đình đã có gần 800 gốc măng. Năm ngoái anh chị thu 6 tấn măng củ tươi bán được 37 triệu đồng, còn năm nay cũng đã ngót 6 tấn, chị dự tính còn khoảng hơn 1 tấn nữa chưa thu.
Từ một gia đình đông con, xếp vào diện nghèo của xã, vậy mà nay anh chị đã vươn lên khấm khá, chị Hẳng phấn khởi chia sẻ: “Nhờ thu hoạch được nhiều măng nên từ 2 năm nay, kinh tế gia đình tôi khá hơn nhiều, giảm được nghèo, mua sắm được nhiều thứ, sau vụ măng này chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư làm ao nuôi cá”.
Để minh chứng cho hiệu quả của cây măng mai trên đất Lâm Thượng, chúng tôi đến gia đình anh Hoàng Xuân Phương. Nhà anh Phương không có đất rừng trong khi “cả xã không có nhà nào không trồng măng” như khẳng định của đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, thì gia đình anh khó có thể đứng ngoài cuộc. Vậy là khu vườn rộng chừng 600m2 trước nhà cũng được cắt một phần dành cho 100 gốc măng. Đất vườn tuy không phù hợp cho cây măng như đất rừng nhưng từ đầu vụ đến nay, anh cũng đã thu được hơn 1 tấn, gấp đôi cả vụ năm ngoái và chắc chắn sẽ còn cho thu nữa.
Anh Phương quả quyết: “So sánh với các cây trồng khác thì tôi thấy chắc chắn là cây măng hiệu quả cao hơn”. Không chỉ có gia đình chị Hẳn và anh Phương, ở Lâm Thượng bây giờ "người người làm măng, nhà nhà trồng măng". Những gia đình có thu nhập trên 30 triệu đồng trở lên mỗi vụ phải tính đến con số hàng chục, có gia đình nhờ măng mai đã thoát nghèo, điển hình như gia đình anh Hoàng Văn Hải ở thôn Hin Lạn B, gia đình anh Hoàng Văn Ghi ở Bản Khéo.
Lâm Thượng là một xã vùng cao của huyện Lục Yên, trong những năm qua, thực hiện chủ trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ trương vận động nhân dân thay thế nương sắn, nương ngô bằng những loại cây trồng lâu năm khác, có tác dụng tạo rừng, giữ nước. Giữa lúc chưa tìm được hướng đi thích hợp thì măng mai, loại sản vật đã gắn bó từ lâu đời với bà con địa phương lại ngày càng có giá trên thị trường. Thế là cây măng mai cứ thế lan rộng. Đến nay, toàn xã đã có gần 60 ha, trung bình mỗi năm diện tích này lại tăng thêm 5 - 6 ha, nhiều nhất phải kể đến Bản Khéo, bản Nặm Trọ, Nặm Chắn... Nếu như vụ măng năm ngoái, bà con thu về 100 tấn măng tươi thì năm nay ước tính sản lượng này có thể lên tới 150 tấn, tính rẻ giá 4.000đồng/kg thì bà con nông dân xã Lâm Thượng đã thu về 600 triệu đồng. Số tiền này so với một xã thì không nhiều nhưng điều đáng nói ở đây là măng mai không phải nguồn thu nhập chính, mà người dân chỉ làm thêm lúc nông nhàn.
Ngoài ra, cây măng mai còn mang lại rất nhiều lợi ích khác: loại cây này có thể đưa vào trồng rừng phủ xanh đất trống, cây già chặt tỉa để tận dụng làm củi đốt, ít tốn công đầu tư chăm sóc, hầu như không có sâu bệnh, với rừng mai chỉ cần trồng một lần mà thu hoạch được nhiều năm và với đặc điểm thu hoạch tỉa thì rừng mai không cần chặt hết như nhiều loại cây trồng khác nên luôn được phủ xanh, đặc biệt, cây măng mai đã "giữ chân" được nhiều lao động trẻ địa phương không phải đi nơi khác làm ăn.
Nói về hướng đi của cây măng mai đối với xã trong thời gian tới, ông Trần Văn Ước - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi xác định măng mai là một trong những cây chủ lực góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân, giúp xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân nhân rộng diện tích cây măng mai để vừa phát triển kinh tế, vừa phủ xanh đất rừng".
Bên cạnh cây lúa, cây ngô thì cây măng mai ở Lâm Thượng không chỉ gây được rừng mà còn góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của bà con ở địa phương.
Mai Huyên
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng nay (2-11) đã giảm trở lại từ mức kỉ lục. Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC lúc 09 giờ 14 mua vào 33,36 triệu đồng/lượng, bán ra 33,41 triệu đồng/lượng. Đến 10 giờ 41, công ty này điều chỉnh giá mua – bán lên mức 33,40 -33,45 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Dự án sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được chính thức triển khai ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) từ vụ mùa 2008, với diện tích 500 ha và được phân bổ đều trên 7 xã, phường của thị xã. Đến nay, đã trải qua 3 vụ, dự án đã mang lại hiệu quả bước đầu cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xây dựng hơn 1.900 công trình khí sinh học.
YBĐT - 9 tháng đầu năm, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã trồng được 2.150 ha rừng, đạt 94% kế hoạch. Trong đó: diện tích quế 388,2 ha, keo 1.298, bồ đề và cây lâm nghiệp khác 463,8 ha.