Khao Mang nỗ lực giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2010 | 2:42:43 PM
YBĐT - Nhằm giúp dân phát triển kinh tế, trước mắt để ổn định an ninh lương thực, lãnh đạo xã xác định vấn đề cốt lõi là phải thâm canh tăng vụ bằng việc vận động nhân dân làm hệ thống dẫn nước tưới để trồng cây rau màu vụ 3. Với những diện tích lúa nương chỉ dừng ở 50 ha, với 178,2 ha diện tích lúa nước thì tiếp tục cải tạo các hệ thống dẫn nước để nâng diện tích lúa nước 2 vụ lên trên 100 ha.
Trung tâm xã Khao Mang (Mù Cang Chải).
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), xã Khao Mang có 9 thôn, bản với 688 hộ chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Do địa hình đồi núi bị chia cắt nên việc đi lại, giao lưu, thông thương hàng hoá của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, vì thế việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cũng bị hạn chế. Kết quả sản xuất hàng năm còn thấp, chưa tận dụng được thế mạnh về đất đai, nhân lực thực tế của địa phương. Bởi vậy mà những năm 2007 - 2008, tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn chiếm tới 60%.
Xác định phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cấp ủy chính quyền xã đã đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn phù hợp với thực trạng của địa phương. Trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ được xem là mục tiêu chính. Ngoài ra, để nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích thì thảo quả được đánh giá là cây trồng chủ lực giúp người dân nơi này xoá đói giảm nghèo. Vì vậy việc thâm canh tăng vụ, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây thảo quả là một trong những mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Nghị quyết được ban hành, song khi triển khai thực hiện Khao Mang gặp không ít khó khăn bởi năng lực, trình độ của cán bộ xã hạn chế, trình độ dân trí thấp. Hơn nữa, do trước đây không khảo sát rõ thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên sau 7 năm đưa vào trồng đại trà trong dân hơn 115 ha chè Shan của xã đã không cho hiệu quả như mong muốn. Kết quả là người dân nghèo vẫn hoàn nghèo và hơn 115 ha chè Shan nay chỉ còn 60 ha đang già cỗi thoái hoá.
Nhằm giúp dân phát triển kinh tế, trước mắt để ổn định an ninh lương thực, lãnh đạo xã xác định vấn đề cốt lõi là phải thâm canh tăng vụ bằng việc vận động nhân dân làm hệ thống dẫn nước tưới để trồng cây rau màu vụ 3. Với những diện tích lúa nương chỉ dừng ở 50 ha, với 178,2 ha diện tích lúa nước thì tiếp tục cải tạo các hệ thống dẫn nước để nâng diện tích lúa nước 2 vụ lên trên 100 ha.
Có lương thực rồi, hướng tiếp theo là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Với đồng bào mình, nói không chưa đủ mà phải minh chứng bằng việc làm và thấy rõ hiệu quả thì người dân mới tin” - đồng chí Sùng A Giàng, Chủ tịch UBND xã cho biết. Thảo quả dù không xa lạ gì với người dân song trước đây do chỉ quen hái lượm trên rừng nên khi triển khai loại cây trồng này rất nhiều hộ dân trong xã phản đối vì sợ sẽ giống những cây chè Shan năm nào. Vậy là từ đồng chí Bí thư đảng uỷ xã đến các đồng chí trong ban chấp hành Đảng uỷ đều hăng hái đi đầu trong việc trồng thử nghiệm cây thảo quả tại những diện tích nương rẫy của gia đình mình. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên những cây thảo quả đã bắt đầu mọc xanh tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả, người dân đã đồng loạt hưởng ứng và làm theo. Từ hơn 1 ha trồng thử nghiệm năm 2004, đến nay diện tích thảo quả của xã đã tăng lên 32 ha. Với giá bán 70 ngàn đồng/1kg thảo quả khô thì mỗi năm từ thảo quả mỗi hộ dân cũng có khoản thu 7 - 10 triệu đồng. Từ thảo quả đã có nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm đáng kể, bình quân mỗi năm xã giảm được 30 - 40 hộ nghèo.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Vàng A Sàng ở bản Khao Mang, một trong những hộ giàu nhất nhì trong xã nhờ trồng thảo quả. Ông Sàng cho hay: “Trước đây, gia đình mình cũng nghèo lắm, đông con, ruộng nương, trâu bò nhiều song không biết cách làm ăn nên con cái lớn chúng nó trưởng thành, có việc gia đình phải bán trâu, bò để lo cho chúng nó, đứa nào ra ở riêng lại cắt một vài mảnh nương cho làm vốn, gia đình không có nguồn thu nào cả. Từ khi cán bộ xã trồng cây thảo quả thấy có thu nhập mình làm theo, vậy là hơn 4 ha nương rẫy kém hiệu quả mình đã tập trung trồng thảo quả, xen lẫn ngô, sắn. Năm đó được mùa lại được giá nên mình thu về hơn 20 triệu đồng. Có tiền, thóc lúa lại đầy bồ, cái ăn không phải lo mình lấy tiền mua trâu bò vừa làm sức kéo vừa nuôi sinh sản bán cho vùng xuôi”. Nhờ chăm chỉ, biết tính toàn làm ăn gia đình ông Vàng giờ đã có hơn 30 con trâu, bò, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Chia tay Khao Mang khi ánh chiều đã ngả trên những đồi thảo quả đang tím đỏ một màu no ấm. Xa xa tiếng trẻ nhỏ nô đùa sau buổi tan học hoà với tiếng cười tiếng nói của những thiếu nữ người Mông sau một ngày lao động trở về, chúng tôi thấy vui lây với người Mông ở Khao Mang khi nghĩ đến một vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn đang dần bừng sáng.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Trong khi những vườn cam của nhiều địa phương đang trở nên vàng vọt, cằn cỗi, thì những vườn cam ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, Văn Chấn vẫn xanh mướt một màu. Tự hào về kinh nghiệm sản xuất cây lâm nghiệp và cây ăn quả, nhân dân thôn Thiên Tuế đang nỗ lực xây dựng cho mình thương hiệu cam “Phố Thượng”.
YBĐT - Năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), do đó việc quyết toán thuế TNCN năm 2009 đã được Bộ Tài chính chỉ đạo cho kéo dài đến hết ngày 31/7/2010.
Theo đề nghị của Bộ Công an, tại văn bản số 4850/VPCP-QHQT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bỏ thủ tục kê khai Tờ khai nhập cảnh-xuất cảnh đối với hành khách nhập cảnh, xuất cảnh tại 12 cửa khẩu (CK), tính từ ngày 15/11/2010. Đây là những cửa khẩu đã trang bị máy đọc hộ chiếu và được nối mạng máy.
YBĐT - Ngày 8 và 9/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường... đã đi kiểm tra và trao đổi để tháo gỡ những tồn tại khó khăn với các doanh nghiệp tại huyện Lục Yên và Yên Bình.