Mùa chè ở Tân Thịnh
- Cập nhật: Thứ năm, 11/11/2010 | 2:42:36 PM
YBĐT - Dọc tuyến đường Mỵ – Chấn Thịnh đi qua địa bàn xã Tân Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) hầu như ai cũng phải ngỡ ngàng khi chứng kiến những đồi chè nối nhau như bát úp, chạy liên tiếp xanh óng mỡ màng của những búp chè non xanh đang chờ tay người hái.
Vợ chồng chị Trần Thị Cần - thôn Khe Sừng - xã Tân Thịnh thu hái chè cuối vụ.
|
Chị Trần Thị Cần ở thôn Khe Sừng - xã Tân Thịnh vừa cho biết: “Năm nay nhà tôi cũng thu được một khoản kha khá từ cây chè. Nhà trồng gần 1 ha chè, mỗi lứa thu gần 1 tấn rưỡi chè, mỗi năm thu 7 đến 8 lứa. Giá bán hiện nay khoảng 3.000 đến 3.200 đồng/kg, nếu thu hết cũng được trên 30 triệu đồng'.
Được biết, ở cùng thôn chị Cần có 172 hộ dân, nhà nào cũng trồng chè, nhiều hộ có từ 1 đến 1,5 ha, mỗi lứa hái thu ba, bốn tấn búp như nhà ông Nhâm Văn Tùng, Cao Văn Mạnh, Nhâm Văn Cường… Nguồn thu từ chè hiện chiếm gần một nửa thu nhập của các gia đình ở đây.
Ông Trần Văn Dịnh, chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho hay: “Toàn xã có trên 400 ha chè, trong đó có trên 350 ha đang cho thu hoạch. Xã có trên 1.000 hộ trồng chè, trong đó có gần 300 hộ trồng từ 1 ha trở lên. Với nhiều gia đình, chè là nguồn thu nhập chính, thường xuyên. Việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi vì trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp kinh doanh chế biến chè là Công ty TNHH chè Tân Phú, HTX dịch vụ chè Tân Thịnh, doanh nghiệp chè Tân Nam, doanh nghiệp Thắng Hiền, HTX thương mại dịch vụ Việt Đức; doanh nghiệp chè Phú Bình và hàng chục xưởng chế biến chè công suất nhỏ”.
Với diện tích trồng chè trên 400 ha, người dân Tân Thịnh đã có kinh nghiệm lâu năm cũng là một thuận lợi không nhỏ để cây chè phát triển. Hơn nữa, đóng trên địa bàn có nhiều nhà máy kinh doanh và chế biến chè như vậy nên đã tạo ra sự cạnh tranh về giá kiến cho người trồng chè được hưởng lợi.
Từ lâu, nhiều dự án trồng các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao đã được triển khai. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay việc trồng chè đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các giống chè như: LDP1, LDP2, Phúc Văn Tiên, Bát Tiên… đều cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn, giá bán vì thế cũng được nâng lên.
Thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam giảm lượng tiêu thụ khiến cho doanh nghiệp trong cả nước nói chung và ở Tân Thịnh nói riêng cũng bị tác động nên giá mua sản phẩm thấp, người trồng chè lao đao.
Đến nay, thị trường xuất khẩu đa phần đã được phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu với số lượng lớn, giá thu mua sản phẩm tăng lên, người trồng chè đã yên tâm đầu tư chăm bón, thâm canh để có năng suất cao. Điều đó khiến cả doanh nghiệp và người trồng chè đều có lợi. Tuy nhiên, hiện nay năng suất chè do các hộ trồng mới đạt bình quân khoảng 6 tấn/ha, chỉ bằng một nửa so với chè của doanh nghiệp.
Hầu hết các xã chỉ tập trung trồng mới để mở rộng diện tích chứ chưa chú trọng cải tạo diện tích chè già cỗi, thâm canh tăng năng suất…; giá chè nguyên liệu không ổn định, lên xuống thất thường, có thời điểm chè đến kỳ thu hoạch, người dân đã chặt bỏ vì không có lãi. Người chồng chè không chuyên tâm đầu tư chăm sóc, thực hiện các biện pháp khoa học kỹ thuật, dẫn đến năng suất, chất lượng chè không cao, có thời điểm do giá chè nguyên liệu rẻ nên người dân đã không mặn mà với cây chè.
Do đó, nhiều diện tích cây chè trên địa bàn xã không lên búp. Bên cạnh đó, khi được giá lại có quá nhiều cơ sở chế biến, thu mua chè nên hiện tượng “tranh mua, tranh bán” nguyên liệu diễn ra phổ biến, người dân được lợi về giá nhưng chất lượng không đảm bảo. Doanh nghiệp đầu tư cho nhân dân phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc cho cây chè nhưng khi thu hoạch người dân lại bán cho tư thương với giá cao hơn, khiến một số doanh nghiệp tư nhân không muốn hợp tác đầu tư với người dân.
Để cây chè thực sự có hiệu quả thì doanh nghiệp và người trồng chè phải gắn kết chặt chẽ với nhau. Người dân không nên vì lợi ích trước mắt mà phá hợp đồng bán chè nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đồng thời phải có sự quản lý đồng bộ về kỹ thuật trong kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩn chè. Người trồng chè cũng mong muốn có quỹ bình ổn giá, hỗ trợ rủi ro đối với cây chè. Có như vậy cây chè mới có thể phát triển bền vũng, thực sự trở thành cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo ở Tân Thịnh, một xã miền núi còn nhiều khó khăn.
Quang Thiều
Các tin khác
Lãi suất huy động của một số ngân hàng đã vượt trần. Tại một số ngân hàng, mức lãi suất huy động cao nhất đã vượt trần là 12%/năm.
YBĐT - Cùng chỉ đạo thực hiện các dự án xây dựng cơ bản địa phương, các dự án xây dựng cơ bản Trung ương cũng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện với giá trị xây dựng các dự án xây dựng cơ bản đạt trên 326 tỷ đồng.
YBĐT - Ngày 2/ 11, Đội quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tiêu huỷ 12 loại hàng hóa, tang vật chủ yếu là hàng kém chất lượng, hàng độc hại như: thạch cây 12 kg, ô mai 9 kg, đường hóa học 17 kg, 450 đĩa hình các loại, nước cam, tăm cay, kẹo cao su, các loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm như: súng nhựa, kiếm nhựa, cung tên nhựa...
Ông Đỗ Minh Phú - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - vừa trao đổi với báo chí về những diễn biến có nhiều yếu tố bất thường của giá vàng trong nước mấy ngày qua.