Nông sản ồ ạt “chảy” qua Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 1:41:39 PM

Trong vài tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng giá một cách đột ngột, trong đó thị trường hút nhiều hàng nhất chính là Trung Quốc.

Do doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua tôm nên giá tôm nguyên liệu tăng mạnh.
Do doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua tôm nên giá tôm nguyên liệu tăng mạnh.

Từ tôm đến cua

Ông Lâm Hồng Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vào giữa vụ thu hoạch tôm nuôi năm 2010, một số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đã đặt mua tôm của các cơ sở, đại lý thu mua ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… sau đó vận chuyển về Trung Quốc tiêu thụ. Các DN Trung Quốc mua tôm nguyên liệu với giá khá cao, lại không ràng buộc gì về tiêu chuẩn chất lượng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, việc các DN Trung Quốc ồ ạt mua tôm ở khu vực ĐBSCL đã làm cho giá tôm nguyên liệu trên thị trường đột ngột tăng khá mạnh. Cụ thể, tôm loại 40 con/kg giá gần 150.000 đồng/kg, tăng 60.000 - 70.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2009; tôm loại 30 con/kg giá lên đến 180.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Do các DN Trung Quốc “vét tôm” nên nguồn tôm nguyên liệu trở nên khan hiếm, các nhà máy chế biến tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… không còn đủ nguồn nguyên liệu để chế biến.

Hiện có nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Ngoài tôm sú, thì cua biển cũng đang được các thương lái chuyển theo đường tiểu ngạch bán qua biên giới Trung Quốc. Thống kê của Sở NN-PTNT Bạc Liêu đến thời điểm này, nông dân Bạc Liêu đã thu được 10.000 tấn cua biển, chủ yếu xuất qua theo đường tiểu ngạch sang Campuchia, Trung Quốc.

Sẽ thiếu khoảng 40.000 tấn thịt trong dịp Tết

Gần đây mặt hàng thịt lợn Việt Nam đã trở thành hàng “hot” đối với thị trường Trung Quốc, điều này đáng ngạc nhiên vì trước nay dòng chảy súc sản thường chủ yếu lưu thông ở chiều ngược lại.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Cách đây 1 tháng, tôi đã khẳng định sẽ không thiếu thịt trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau khi cân đối nguồn cung - cầu có tính đến các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai và đặc biệt là hiện tượng xuất khẩu lợn thịt sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, chúng tôi cho rằng, dịp Tết Nguyên đán cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 40.000 tấn thịt các loại, trong đó chủ yếu là thịt lợn”.

Theo ông Giao, lũ lụt kéo dài và diễn ra trên diện rộng ở miền Trung đã cuốn trôi, làm chết hàng trăm ngàn con gia súc và gia cầm, dịch lợn tai xanh tấn công đàn lợn của một loạt các tỉnh thành cũng khiến 500.000 con lợn bị chết và bị tiêu hủy, là nguyên nhân khiến thiếu hụt thịt trong dịp Tết.

Thêm vào đó là “thời gian gần đây, các thương nhân đã gom lợn xuất sang Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ước tính, mỗi ngày có tới 6.000 - 7.000 con lợn, tương đương 450 - 500 tấn thịt lợn bán sang nước bạn”, ông Giao nói.

Ông Giao cho biết, hiện chưa tính tới phương án nhập khẩu thịt các loại, đặc biệt là thịt lợn để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa trong dịp Tết Nguyên đán. Để bù lượng thịt thiếu hụt, Cục đang khuyến khích và hỗ trợ người dân đầu tư nuôi lứa gia cầm mới, đồng thời chăm sóc tốt nhằm tăng trọng lượng đàn gà, vịt, lợn, trâu, bò… hiện có.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời điểm này cả nước đã xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, cũng có một lượng gạo đang xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhưng về cơ bản, an ninh lương thực trong nước vẫn được đảm bảo.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ xảy ra hiện tượng thương lái Trung Quốc gom hàng ở Việt Nam là do Trung Quốc năm nay không được mùa. Riêng lúa gạo, một số vùng gần với Việt Nam mất mùa. Trong khi để vận chuyển hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu ở đây mất hàng ngàn cây số, vừa mất thời gian vừa tốn kém.

Cho nên, để đáp ứng thiếu hụt chỉ có cách sang thị trường gần là Việt Nam sẽ nhanh hơn và chi phí thấp. Mặt khác, mặt bằng giá cả Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc, nên sau khi mua ở Việt Nam vẫn bán được lời. Điều này còn xảy ra ở một số địa bàn gần với Hồng Kông, khi người dân Trung Quốc cuối tuần thường qua đây mua nhu yếu phẩm, thay vì máy móc thiết bị như trước kia.

** Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng:

Về lợi ích toàn cục, việc Trung Quốc gom hàng hóa từ Việt Nam không có lợi cho thị trường trong nước, cho dù đó là mặt hàng nào, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, những mặt hàng quan trọng đối với sản xuất và rơi vào những dịp tiêu dùng lớn trong năm như lễ, tết. Điều đó không dừng lại ở thiệt hại về kinh tế mà còn gây tác động không nhỏ đến xã hội.

(Theo TNO)

Các tin khác
Nhân dân xã Yên Thành, huyện Yên Bình phát triển chăn nuôi gia súc. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Sau một thời gian tạm lắng, ngày 9/11/2010, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu tại xã Tân Nguyên.

YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng 250 ha cây cao su trong năm 2010, huyện Văn Chấn đã giao chỉ tiêu và vận động nhân dân phối hợp cùng với Công ty Cao su Yên Bái chuẩn bị đất, cây giống và các vật tư phân bón phục vụ.

Giá thép thường tăng cao vào những tháng cuối năm.

Sự tăng giá mạnh của USD so với VND khiến giá phôi thép - nguyên liệu chính của ngành sản xuất thép tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng, buộc các nhà sản xuất phải nâng giá bán để theo kịp tỷ giá.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần qua lãi suất cho vay ít biến động so với tuần trước. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, chi phí sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 12-12,75%/năm; đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh khác 13-17%/năm; đối với phi sản xuất 18-20%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục