Văn Chấn: Tăng cường quản lý bảo vệ rừng cuối năm

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 3:01:48 PM

YBĐT - Văn Chấn là huyện rộng, có diện tích rừng lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm, lại là huyện "cửa ngõ" và cũng là nơi trung chuyển lâm sản từ các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Yên đổ về. Do vậy, tình trạng khai thác, chặt phá, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép luôn được coi là "điểm nóng" so với các huyện, thị khác.

Một số hộ dân xã Nậm Lành vẫn khai thác gỗ tự nhiên về làm nhà.
Một số hộ dân xã Nậm Lành vẫn khai thác gỗ tự nhiên về làm nhà.

Tình trạng khai thác buôn bán lâm sản trái phép, nhất là khai thác, buôn bán gỗ pơ mu trong nhiều năm qua vẫn tồn tại. Đặc biệt trong những tháng áp tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản diễn biến hết sức phức tạp và có phần gia tăng.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy (PCCCR), cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nhưng tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra, nhất là vùng thượng huyện như: Nậm Lành, Tú Lệ, Gia Hội, vùng giữa Cầu Nhì, Thạch Lương và vùng ngoài là 2 xã Thượng Bằng La, Cát Thịnh.

Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2010, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đã tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý 73 vụ khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép (49 vụ vận chuyển, 24 vụ cất giấu lâm sản), tịch thu trên 102 m3 gỗ các loại và 24.530 kg cành ngọn pơ mu; thu nộp ngân sách 142 triệu đồng (85 triệu 210 ngàn đồng tiền bán lâm sản, 57 triệu đồng tiền xử phạt hành chính; tạm giữ và tịch thu 6 ô tô, 37 xe máy các loại. Riêng Trạm Kiểm lâm Bản Dõng phát hiện và xử lý 11 vụ, đặc biệt trong cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2010 Trạm đã tuần tra phát hiện tại 2 thôn Tà Lành, Ngọn Lành xã Nậm Lành 3 vụ khai thác vận chuyển, cất giấu lâm sản, tịch thu 7 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VII.

Đặc biệt, khi phát hiện và xử lý, lực lượng kiểm lâm đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số người dân nơi đây. Các đối tượng đã chửi bới, lăng mạ, đe doạ, lăn đá từ trên đỉnh núi xuống tổ kiểm tra, đánh chông trên đường và gây mọi khó khăn trong quá trình kiểm tra, thu giữ. Điều đáng nói ở đây là đối tượng gây khó khăn cho tổ công tác lại chính là người dân của xã Nậm Lành và trước sự có mặt của Chủ tịch UBND xã - ông Lý Kim Kinh.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, bà Bàn Thị Máy - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Đồng thời xã đã cho gọi các đối tượng Phùng Sinh Viên, Phùng Sinh Mỹ, Bàn Tòn Nhị, Triệu Nguyên An lên xã viết bản tường trình, kiểm điểm. Quan điểm chỉ đạo của xã là xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm phạm tài nguyên rừng, cho dù người đó là ai. Hiện nay xã đang phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, công an làm rõ vụ việc". Quan điểm chỉ đạo của xã như vậy là đúng, tuy nhiên có một thực tế là rừng và gỗ rừng vẫn bị xâm hại, người dân vẫn tiếp tục lên rừng khai thác gỗ về làm nhà.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Nậm Lành luôn là điểm nóng trong khai thác, phá rừng là từ xã đến trưởng thôn, bản, chủ rừng vẫn chưa hiểu rõ, hiểu biết hết về các quy định trong quản lý bảo vệ rừng, vẫn còn tình trạng xã xác nhận vào đơn cho một số hộ dân khai thác gỗ tự nhiên về làm nhà. Xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng và vẫn cho rằng việc giữ rừng là của lực lượng kiểm lâm. Khi phát hiện, cán bộ xã lại thiếu cương quyết trong xử lý các đối tượng, nể nang theo kiểu họ hàng, dòng tộc, con cháu. Một vấn đề nữa là diện tích rừng của xã quá rộng (trên 4.712 ha) nhưng lại chỉ có 1 kiểm lâm viên phụ trách.

Xe máy vận chuyển gỗ trái phép bị lực lượng kiểm lâm Văn Chấn thu giữ.

Trước tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong những tháng cuối năm, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến các tất cả các xã, lâm trường, công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ để quán triệt và quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, cấp chính quyền. Đồng thời, các xã có rừng, ngành liên quan xác định cụ thể nơi nào, xã nào, khu vực, tuyến đường nào là "điểm nóng", là nơi trung chuyển để có phương án quản lý, bảo vệ hiệu quả. Văn Chấn kiên quyết đẩy lùi nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn, nhất là những tháng cuối năm 2010.

Huyện huy động mọi lực lượng vào cuộc tuần tra kiểm soát, giữ rừng tại gốc và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dù người đó là ai. Xã nào, thôn bản nào để xảy ra khai thác, buôn bán lâm sản, mất rừng thì chủ tịch, bí thư xã đó phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện không làm tràn lan mà phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ở "vùng nóng" và thường xuyên, lâu dài, huy động toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Các xã vùng ngoài hiện rất đang bức xúc về tình trạng khai thác rừng nguyên liệu do có quá nhiều cơ sở chế biến gỗ.

Trước mắt kiểm tra các cơ sở chế biến này, cơ sở nào đủ điều kiện  mới cho hoạt động, đồng thời giao cho kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã giám sát và chỉ cho khai thác theo đúng quy trình. Đồng thời phối hợp với các xã giáp ranh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Thanh Phúc

Các tin khác
Đồng bào Mông Cao Phạ thu hoạch lúa.

YBĐT - Do trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác còn lạc hậu, điều kiện sản xuất vùng cao khắc nhiệt nên những năm qua, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Giới thiệu thiết bị điện tiết kiệm năng lượng tại TP Hồ Chí Minh.

Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện (TKĐ) ở ta gần như chỉ được chú trọng vào những thời kỳ thiếu điện. Mà theo lẽ thông thường, khi thiếu điện, giải pháp hữu hiệu nhất là cắt giảm tải để bảo vệ hệ thống. Vì vậy, việc tuyên truyền vào những thời điểm này dễ làm người dân hiểu rằng, nếu cần tiết kiệm ngành điện cứ việc cắt điện theo… lịch luân phiên.

Do doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua tôm nên giá tôm nguyên liệu tăng mạnh.

Trong vài tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng giá một cách đột ngột, trong đó thị trường hút nhiều hàng nhất chính là Trung Quốc.

Nhân dân xã Yên Thành, huyện Yên Bình phát triển chăn nuôi gia súc. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Sau một thời gian tạm lắng, ngày 9/11/2010, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu tại xã Tân Nguyên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục