Đông Cuông bước chuyển mạnh trong sản xuất vụ đông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/12/2010 | 9:07:54 AM

YBĐT - Vụ đông 2010, theo kế hoạch huyện Văn Yên (Yên Bái) gieo cấy 1.060 ha, trong đó tập trung chủ yếu là ngô đông 1.000 ha, còn lại 60 ha khoai lang, rau màu.

Diện tích ngô đông năm 2010 của xã Đông Cuông đạt 150 ha tăng gấp đôi so với năm 2009.
Trong ảnh: Cán bộ phòng nông nghiệp huyện và lãnh đạo xã Đông Cuông trao đổi kế hoạch mở rộng diện tích ngô vụ tới.
Diện tích ngô đông năm 2010 của xã Đông Cuông đạt 150 ha tăng gấp đôi so với năm 2009. Trong ảnh: Cán bộ phòng nông nghiệp huyện và lãnh đạo xã Đông Cuông trao đổi kế hoạch mở rộng diện tích ngô vụ tới.

Đến thời điểm kết thúc thời vụ 25/10 cơ bản số diện tích đã hoàn thành theo kế hoạch. Vụ đông năm nay bên cạnh các xã đã có truyền thống làm tốt thì xã Đông Cuông một xã nhiều năm nay không sản xuất vụ đông đã có bước chuyển mạnh mẽ.

Đông Cuông là một xã có tiếng về truyền thống trồng và chế biến sắn khô, chính vì quá tập trung vào cây sắn mà vụ đông ở đây bị lãng quên. Tuy nhiên, năm 2010 bằng sự quyết tâm của Đảng uỷ, chính quyền xã đã tạo ra một bước đột phá, một bước chuyển mới trong tư duy của người dân.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Cao Mạnh Khởi - Chủ tịch UBND xã nồng nhiệt mời ra đồng vì theo anh đó là nơi minh chứng rõ nhất cho những gì xã đã làm được trong vụ đông năm nay. Những cơn mưa rả rích cuối tháng 11 càng làm cho 150 ha ngô đông đã gieo trồng của Đông Cuông thêm xanh mướt. Đứng giữa cánh đồng mênh mông của thôn Gốc Quân, nhìn theo cánh tay của Khởi là cả một vùng rộng lớn bạt ngàn xanh ngắt mầu ngô đang thì phun râu.

Anh cho biết: "Trước đây Đông Cuông không chú trọng làm vụ đông, không phải là xã không chỉ đạo, mà chỉ đạo quyết liệt, vận động rất nhiều nhưng do thời gian vụ động gần sát vụ thu hoạch sắn. Cây sắn từ lâu đã là loại cây truyền thống cho thu nhập khá cao, dễ làm tốn ít công, do vậy người dân ở đây quan niệm không nhất thiết phải làm thêm vụ đông". Chính vì lý do đó mà những năm 2008 về trước, phong trào làm ngô đông của xã cứ phát triển ì ạch; vận động mãi cũng chỉ có lèo tèo vài hộ làm, 200 ha ruộng gần như bỏ không trong cả vụ đông. Đó là cả một sự lãng phí rất lớn, trong khi đó Đảng bộ xã xác định nông nghiệp vẫn là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của địa phương thì bằng mọi giá phải đưa được vụ đông vào sản xuất.

Với quyết tâm đó, năm 2009, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện, xã đã trồng thử nghiệm thành công mô hình thâm canh ngô đông với 7 ha. Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật. Kết quả năng suất đạt 46 tạ/ha, thu nhập của mỗi hội tham gia mô hình đạt gần 10 triệu đồng. Từ thành công này, vụ đông năm 2010 xã đã triển khai sản xuất đến 100% các thôn.

Trên cơ sở 150 ha theo kế hoạch huyện giao xã đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất ruộng giao kế hoạch cụ thể cho từng thôn để vận động nhân dân làm ngô đông. Một điều khá thuận lợi cho công tác chỉ đạo làm vụ đông năm nay của xã, đó là thị trường tiêu thụ tốt cùng với giá ngô tăng cao đã tạo đà kích thích người dân. Năm 2009, những hộ dân làm mô hình năng suất đạt 46 tạ/ha, lúc đó giá ngô lại đang rất cao, 4.000 đồng/ kg ngô hạt, có hộ chỉ làm 5-7 sào đã thu được gần chục triệu đồng. Năm 2010 giá ngô lại tiếp tục tăng, thời điểm này đang là 4.500 đồng/kg ngô hạt, những yếu tố đó đã khiến cho phong trào làm ngô đông của xã thêm phát triển mạnh mẽ.

Trưởng thôn Gốc Quân - Cầm Xuân Hiếu cho biết: "Cả thôn có 124 hộ dân thì 100% hộ đều làm ngô đông, trung bình mỗi hộ có từ 5-7 sào. Trước đây cả cánh đồng 18 ha của thôn vào vụ đông chỉ có lác đác vài đám ruộng trồng ngô nếp còn lại đều bỏ trống, nhưng hai năm nay toàn bộ diện tích đã phủ kín ngô. Để vận động người dân làm vụ đông, thôn đã lên danh sách đất ruộng của từng hộ, sau đó tiến hành họp thôn vận động phổ biến nội dung và kế hoạch, sản xuất, mặt khác trong thôn nhà nào cũng có trâu, bò do vậy làm ngô đông cũng đảm bảo thức ăn cho chúng trong mùa đông. Lợi nhuận thu được từ cây ngô đông là động lực giúp người dân hưởng ứng nhiệt tình".

Chị Lương Văn Điều, thôn Gốc Quân cho biết: "Trước khi chuẩn bị gặt nhà tôi làm bầu ngô, gặt xong tận dụng lúc thời tiết thuận lợi thì xuống bầu ngay để cây phát triển nhanh. Vụ trước tôi cấy 5 sào cũng thu được 2 tấn thu được gần chục triệu đồng". Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, làm bầu ngô trước khi gặt lúa là một cách làm khá mới ở đây, phương pháp này sẽ rút ngắn thời vụ của cây ngô, nếu tập trung cấy ngô sớm thì vẫn không ảnh hưởng đến việc thu hoạch, chế biến sắn khô của người dân.

Bên cạnh cây sắn, một loại cây truyền thống cho thu nhập cao, giải quyết nhiều lao động cho địa phương thì năm 2010 này tiếp tục đánh dấu một bước mới trong sản xuất nông nghiệp của Đông Cuông, đó là sự góp mặt của cây ngô. Sự chuyển biến trong tư duy làm ăn mới sẽ tạo sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp của Đông Cuông.

Anh Dũng  

Các tin khác

YBĐT - Trong năm 2010, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp cho nông dân với tổng số 119 lớp, tăng 46 lớp so với năm 2009, thu hút 5.082 lượt người tham gia; hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng cho 11.976 lượt người.

YBĐT - Trong 5 năm qua, diện tích tre Bát Độ của huyện Trấn Yên (Yên Bái) phát triển nhanh, hình thành 3 vùng nguyên liệu sản xuất tập trung với diện tích hơn 1.200ha.

Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, hôm nay 3/12, hiệp hội sẽ gửi công văn lên Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống mức 2%, thay cho mức 5% như hiện nay.

Từ ngày 3 - 12, Jetstar sẽ bắt đầu bán vé máy bay giá rẻ.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thông báo thực hiện chương trình bán vé máy bay giá rẻ với mức giá từ 230 nghìn đồng/chặng trên các đường bay nội địa Việt Nam trong năm ngày liên tục, bắt đầu từ ngày mai, 3 - 12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục