Nền tảng cho hướng làm ăn bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 16/12/2010 | 8:56:40 AM
YBĐT - Vùng chè Vân Tiên, xã Thượng Bằng La, Văn Chấn (Yên Bái) năm 2006 - 2007 đã rơi vào “khủng hoảng”, người dân gần như bỏ chè, nhiều hộ còn chặt chè để trồng cây khác, nhà máy đóng cửa bỏ hoang.
Nông dân huyện Văn Chấn tích cực phát triển cây chè.
|
Nhưng hôm nay 300 ha chè ở đây đã được người dân bỏ công chăm sóc, nhà máy lại hối hả, tấp nập vào ca, vùng chè Vân Tiên đã hồi sinh trở lại. Sự hồi sinh của vùng chè Vân Tiên được bắt nguồn từ cuối vụ chè 2007, khi Công ty cổ phần sản xuất Thương mại và Dịch vụ Vân Tiên đến mua lại nhà máy, đầu tư nâng cấp máy móc, nhà xưởng và vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nói: “Là một doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội, nên khi mới đặt chân lên thôn Vân Tiên, xã Thượng Bằng La, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là xã vùng sâu, vùng xa, một vấn đề nữa là vùng chè ở đây gần như bỏ hoang, không người chăm bón, thu hái. Xác định đầu tư nhà máy là sản xuất lâu dài và gắn bó với bà con dân bản ở đây nên Công ty quyết tâm cùng với địa phương xây dựng và phát triển vùng chè”.
Việc đầu tiên là Công ty cử cán bộ xuống từng hộ dân động viên và cam kết sẽ mua hết chè nguyên liệu với giá cao hơn thị trường. Vào thời điểm đó, giá chè chỉ có 2 ngàn đồng/kg búp, nhưng Công ty đã mua tới 3 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, chỉ trong 3 tháng cuối vụ chè Công ty đã thu mua được 400 tấn chè búp tươi đưa vào chế biến.
Bước vào niên vụ năm 2008, Công ty tổ chức ký hợp đồng thu mua chè với hầu hết các hộ dân trong vùng với giá ổn định, hộ nào thiếu vốn, Công ty đứng ra ứng phân bón đến vụ trả bằng chè. Nông dân phấn khởi chăm sóc vườn chè, thu hái đúng kỹ thuật, nhà máy mua với giá cao bình quân 3.800 - 4.000 đồng/kg, sản lượng chè đã tăng 20% so với cùng kỳ.
Mọi chuyện tưởng đã đi đúng vào quỹ đạo, nhưng gần cuối vụ, khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường chè thế giới trầm lắng, giá chè tươi rớt thảm hại, nhà máy sản xuất cầm chừng. Bước sang năm 2009, thị trường không mấy khởi sắc, người làm chè ở Vân Tiên lại bỏ bê nương chè, một lần nữa Công ty phải vận động và chấp nhận sản xuất lỗ đẩy giá thu mua nguyên liệu lên cao để nông dân chăm sóc chè trở lại.
Thế rồi thị trường chè dần hồi phục, sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết. Đến hôm nay, vùng chè Vân Tiên đã và đang trở thành nguồn thu chính của hàng trăm hộ dân nơi đây, chè đã giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.
Anh Bùi Văn Thoáng, thôn 2 Vân Tiên nói: “Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Vân Tiên đã vực dậy vùng chè. Lúc khó khăn nhất Công ty vẫn gắn bó với người dân vùng nguyên liệu, nâng giá thu mua lên cao để người dân sống được bằng chè. Hiện nay gia đình sản xuất ổn định 2 ha chè, vụ chè 2010 gia đình tôi thu hái bán được trên 50 triệu đồng, trừ chi phí còn được 35 triệu đồng”.
Là doanh nghiệp nhỏ, lại có thời gian hoạt động chưa đầy 3 năm, nhưng Công ty đã thu mua cho người dân trên 10 ngàn tấn chè búp, chế biến gần 2 ngàn tấn chè xanh, chè đen, giá trị làm ra đạt trên 20 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách 1,8 tỷ đồng. Nhà máy đã giải quyết việc làm cho 50 lao động là người địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, từ cuối năm 2009, Công ty tiếp tục đầu tư mua lại nhà máy chế biến chè xanh Shan tuyết tại thôn Chấn Hưng 1, xã Nậm Búng.
Hiện nay, nhà máy này cũng đã đi vào sản xuất ổn định, giá thu mua nguyên liệu bình quân 5.200 đồng/kg búp. Là doanh nghiệp nhỏ so với trên 60 nhà máy sản xuất chè trên địa bàn huyện Văn Chấn nhưng cung cách làm ăn, sự gắn kết giữa Công ty với người dân vùng nguyên liệu thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Ngày 2/12 vừa qua, Công ty tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, kinh doanh chè năm 2010, thành phần gồm 100% hộ dân làm chè và bán chè cho nhà máy.
Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm và phương hướng trong năm tới. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cũng thẳng thắn nói rõ lý do và có lời xin lỗi người dân vùng chè vì một, hai lứa không thanh toán kịp thời và hứa trong năm tới sẽ không còn tình trạng trên.
Cũng tại hội nghị này, Công ty đã phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Sông Gianh giới thiệu các sản phẩm phân bón cho chè và cách chăm sóc tốt nhất để chè có năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho chế biến chè sạch. Sau hội nghị, Công ty đã tổ chức “ăn tết” sớm giữa lãnh đạo, cán bộ công nhân nhà máy với người làm chè thật vui vẻ, đầm ấm như một gia đình lớn.
Câu chuyện ở Vân Tiên tưởng như nhỏ bé, nhưng nó đã làm cho doanh nghiệp với người dân vùng nguyên liệu xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và có trách nhiệm với nhau hơn. Đó là nền tảng, là tư duy cho một hướng làm ăn bền vững và phát triển.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách, ngay từ đầu năm 2010 huyện Văn Yên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn trong toàn huyện tích cực tuyên truyền và triển các chính sách thuế, Luật Ngân sách Nhà nước tới nhân dân qua hệ thống loa truyền thanh của huyện, của xã, qua các buổi họp của các tổ chức ở các cơ sở.
Bộ GTVT muốn thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu, trong khi Bộ Tài chính không đồng tình phương án này
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn gia hạn việc sử dụng hóa đơn mua đến hết tháng 3.2011 cho các doanh nghiệp.
Ngày 15-12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Nghị quyết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.